Theo ngành chức năng tỉnh Cà Mau, nguyên nhân cua biển chết bất thường những ngày qua là bị nhiễm ký sinh trùng.
Sáng 26.3, thông tin từ Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết đơn vị vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh về tình hình cua biển bị chết. Theo Sở NN-PTNT, sau khi ghi nhận tình trạng cua nuôi chết bất thường ở các xã Tân Ân Tây, Viên An Đông (H.Ngọc Hiển) và xã Lâm Hải (H.Năm Căn) thì đơn vị đã lấy mẫu gửi Phân viện Nghiên cứu thủy sản Nam Sông Hậu xét nghiệm để tìm nguyên nhân.
Ngay sau đó Phân viện Nghiên cứu thủy sản Nam Sông Hậu đã tiến hành xét nghiệm từ mẫu cua chết, cua sống; mẫu nước, đất… và xác định các yếu tố, chất lượng môi trường nước phù hợp cho động vật thủy sản (cua) phát triển. Tuy nhiên trong mẫu bùn xuất hiện mật độ vi khuẩn có khả năng gây bệnh cho cua nuôi. Còn với mẫu cua, tất cả các mẫu phân tích đều phát hiện ký sinh trùng (giáp xác chân tơ Sacculina sp) trên mang, gan, mô, buồng trứng.
Do chưa có thuốc đặc trị hữu hiệu ký sinh trùng giáp xác chân tơ Sacculina sp nên ngành nông nghiệp Cà Mau khuyến cáo người dân nuôi cua ở địa phương thực hiện các biện pháp phòng là chính. Trong đó đặc biệt chú ý cải tạo vuông nuôi triệt để, đúng quy trình kỹ thuật; thả giống với mật độ vừa phải (1 con/m2). Trước khi vào mùa vụ thả giống, đặc biệt những vuông nuôi đã, đang có cua chết, nhà nông cần phơi đầm, sử dụng vôi để cải tạo, diệt khuẩn, nấm, ký sinh trùng, giáp xác nhỏ trong ao nuôi…
Tới đây, các đơn vị chức năng Cà Mau sẽ phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học khẩn trương thực hiện nghiên cứu về tình hình cua chết nhằm tìm ra các nguyên nhân, từ đó có cơ sở khoa học cho việc đề xuất các biện pháp phòng ngừa và xử lý một cách hữu hiệu nhất.
Như Một Thế Giới đã thông tin, hơn một tuần nay người dân trên địa bàn H.Ngọc Hiển vô cùng lo lắng trước việc cua nuôi trong vuông bị chết hàng loạt nhưng không rõ nguyên nhân. Đây là điểm bất thường chưa từng xảy ra ở địa phương, nghi ngờ nguồn nước, bùn đất trong vuông nuôi bị nhiễm khuẩn nên người dân địa phương đã báo có cơ quan chức năng.
Ngay sau đó, UBND tinh Cà Mau đã có văn bản chỉ đạo ngành chuyên môn phối hợp với chính quyền sở tại thu mẫu cua chết, cua sống, đất, nước để xét nghiệm tìm nguyên nhân dẫn đến việc cua nuôi chết bất thường.