Để nhập trại, trước tiên phải làm đơn. Trong đơn khi nói lý do tị nạn, tôi chỉ viết: “Tôi muốn tìm tự do”. Tôi không biết nói gì thêm, vì mình chẳng có lý do gì cả, ngoài lý do riêng. Nộp đơn thì phải nộp luôn hộ chiếu, thế là hết đường lùi…

Ca sĩ Ái Vân và tin đồn đóng phim 'con heo'

Tiểu Vũ | 24/11/2016, 07:03

Để nhập trại, trước tiên phải làm đơn. Trong đơn khi nói lý do tị nạn, tôi chỉ viết: “Tôi muốn tìm tự do”. Tôi không biết nói gì thêm, vì mình chẳng có lý do gì cả, ngoài lý do riêng. Nộp đơn thì phải nộp luôn hộ chiếu, thế là hết đường lùi…

>> Ca sĩ Ái Vân: Nỗi đau bị mất căn nhà yêu dấu
>> Ca sĩ Ái Vân:Hớt hải chạy show để trả nợ
...
Tàu điện sang Tây Berlin được bắt đầu từ bến cuối của tàu bên Đông Berlin là bến Alexanderplatz. Từ cổng thành Brandenburg Tor muốn đến trại tị nạn Bích ở phải đi qua nhiều bến nên phải đi bằng tàu. Nếu mua vé từ phía bên Tây Berlin phải mua bằng Deuch Mark (tiền Tây Đức), trong khi từ Đông Berlin qua, cũng tuyến đường như vậy thì vé lại mua bằng tiền Mark Đông Đức, rẻ hơn gấp nhiều lần. Quyết định là quay về bên Đông mua vé. Nhưng đi qua đi lại đâu phải chuyện dễ dàng. Vậy ai có thể quay về được? Chỉ còn Gerhard, Gerhard người Đức nên qua lại tường Berlin không trở ngại gì, anh được phân công quay lại Đông Berlin mua vé.

Gerhard đi chừng hai bến, chúng tôi đoán chừng nửa tiếng là anh quay lại. Nhưng chờ đến 2, 3 tiếng vẫn không thấy Gerhard đâu cả. Lo quá là lo. Cuối cùng Gerhard xuất hiện với nét mặt bơ phờ, áo quần xộc xệch lem luốc, cái đầu hói của anh có mấy sợi tóc cũng rối mù. Gerhard kể: “Tao vừa mới lên được bến tàu thì cảnh sát Đông Đức nó tóm, tra hỏi tao đủ thứ. Nó khám rất kỹ. Nó lột hết áo quần khám cả người tao nữa. Cuối cùng chẳng buôn lậu, chẳng thấy tao làm gì sai cả, nó thả cho tao đi”. Gerhard chìa tập vé ra, nói: “9 vé đây”, chúng tôi ồ lên, vui vẻ nhảy ngay lên tàu điện.

Trại tị nạn Bích ở (tôi quên mất tên trại) là căn chung cư trong có mấy cái giường tầng lúc này vắng hoe, chỉ có 1 - 2 người đang ngồi trong phòng. Tôi rất ngạc nhiên. Trại tị nạn thế này ư? Đọc báo thấy trại tị nạn Hồng Kông rào dây thép gai, lính bồng súng gác nghiêm mật, trong trại người kín đặc. Ở đây thì vắng hoe, người tị nạn bỏ đi chơi thoải mái.

Ca sĩ Ái Vân -Góc ảnh nghiêng

Không thấy Bích đâu. Thấy hai người Việt Nam, một người Hà Nội, một người Sài Gòn, đang ngồi đọc sách. Chúng tôi hỏi Bích, họ nói: “Bích ra nhà bác Bình chơi rồi”. Tôi hỏi thăm cách làm thủ tục nhập trại, họ bảo trước tiên phải viết đơn xin tị nạn và nộp passport cho cảnh sát Tây Đức. Sau khi xét, nếu thấy không đủ tiêu chuẩn tị nạn thì họ sẽ buộc mình hồi hương, vì passport họ đã thu rồi. Xem tờ hướng dẫn làm đơn xin tị nạn thấy ghi một lô câu hỏi: Ngài đã bị tù cộng sản chưa? Ngài đã bị bắt tạm giam chưa? Ngài đã bị truy tố về tội chống cộng sản chưa? Gia đình có áp bức gì không? Nếu trở về liệu có bị bắt vào tù không? v.v… Tôi thấy mình chẳng đúng “tiêu chuẩn” nào cả, rất lo, sợ bị trả về.

Khi Ái Thanh và các bạn đưa tôi đến nhà bác Bình đã khuya lắm rồi, dù vậy, mọi người vẫn phải quay lại Đông Berlin để ngày mai còn làm việc. Sau này đọc Facebook của Ái Thanh mới biết cuộc trở về của Thanh và các bạn quá long đong, vất vả.

Ca sĩ Ái Vân:

"Ký ức làm tôi khó ngủ, bệnh mất ngủ bắt đầu từ đó. Rất nhiều đêm tôi thức trắng để rồi nhận ra có những điều không thể không nói ra. Nếu cuốn hồi ký không được viết ra chắc chắn bệnh mất ngủ của tôi sẽ không chấm dứt. Và thế là tôi quyết định tự mình phục hồi lại cuốn hồi ký của mình. Viết một lần cho xong. Viết một lần để quên đi, để đến khi nhắm mắt xuôi tay mình không còn phải áy náy. Viết để hiểu nhau hơn, cảm thông cho nhau hơn và quan trọng để yêu thương nhau hơn, thế thì tại sao không viết?"

Ái Thanh và mọi người ra về, còn mình tôi ở lại nhà bác Bình. Bác có 6 người con gái, tôi sống chung với họ. Bác coi tôi như con, nói: “Cháu cứ ở lại đây, ngày mai con rể bác đưa cháu đi nhập trại vì nó giỏi tiếng Đức”. Cả nhà bàn đi tính lại, bác Bình tính thế này: “Thôi, hãy khoan đừng nhập trại vội. Để ngày mai thằng Tín con rể bác điện thoại qua bên Pháp hỏi Trung tâm Thúy Nga xem sao”. Bác nói: “Thúy Nga là Trung tâm lớn. Họ biết cháu sang đây chắc mừng lắm, thế nào họ cũng liên lạc với cháu và sẽ lo bảo lãnh cho cháu ngay”. Nghe thế mà lòng khấp khởi mừng thầm.

Hôm sau anh Tín tới, vẻ mặt rất quan trọng, anh quay số điện thoại gọi cho Trung tâm Thúy Nga trong ánh mắt hồi hộp chờ đợi của tôi và mọi người. Sau khi nghe anh nói sơ qua về tôi, đầu dây bên kia trả lời: “Ái Vân à? Chả biết cô này là ai cả”. Nghe vậy, tôi chỉ còn biết ngồi cười, đắng ngắt.

Anh Tín nói: “Thôi để ngày mai thứ ba, tôi dắt chị tới đại sứ quán Mỹ, xin tị nạn ở Mỹ là chắc chắn được”. Tôi thấy có lý. Nhớ ngày xưa, năm 1987, A Sa và Xuân Dung cũng trốn vào đại sứ quán Mỹ. Hy vọng lại tràn trề. Sáng hôm đó, anh Tín đi thăm dò trước, đến trưa về buồn bã nói: “Không được. Sứ quán Mỹ họ không nhận thẳng như thế, tất cả phải qua thủ tục tị nạn của Đức”. Cả nhà bàn mưu tính kế thấy cách nào cũng không xong. Cuối cùng quyết định: Thôi, thứ năm nhập trại vậy.

Để nhập trại, trước tiên phải làm đơn. Trong đơn khi nói lý do tị nạn, tôi chỉ viết: “Tôi muốn tìm tự do”. Tôi không biết nói gì thêm, vì mình chẳng có lý do gì cả, ngoài lý do riêng. Nộp đơn thì phải nộp luôn hộ chiếu, thế là hết đường lùi.

Hôm đầu tiên vào trại, cảm thấy buồn và thất vọng vô cùng. Người đi qua kẻ đi lại, đủ các sắc dân mà có lẽ chủ yếu là xuất khẩu lao động, trong đó thấy khá nhiều người da đen… Để có danh sách trong trại tị nạn, mỗi tuần họ phát cho mình một phiếu ăn, đó là một tờ bìa cứng được gấp làm ba.

Thời gian đầu qua Tây Berlin, tôi thấy mình thật bơ vơ và bế tắc. Quá khứ đau buồn khiến tôi không dám ngoảnh lại, tương lai thì mờ mịt, cuộc sống mới đầy bỡ ngỡ. Khổ sở nhất là nỗi nhớ con, thương thằng cu Vũ bé bỏng không biết xa mẹ thế sẽ ra sao. Và ba má tôi, nhất là má, cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn thế không biết ai chăm sóc má bây giờ. Những lúc như vậy, chỉ biết khóc và thấy mình thật bất lực, chỉ mong ngóng đến ngày phát tiền để mua thẻ gọi điện thoại về Việt Nam. Thời ấy, liên lạc về Việt Nam rất khó. Sau khi về trại cố định, tôi được phát 400 Deuch Mark một tháng. Mua một cái thẻ gọi về Việt Nam là 50 D. Mark, nói chuyện được 5 phút. Vì nhớ ba má, nhớ con và có biết bao chuyện muốn biết và muốn kể nên những tháng đầu lĩnh tiền chỉ để gọi điện thoại, còn chút ít gửi về nhà để lo cho ba má, cho con.

Hôm tôi ra Deviko - trung tâm chuyển tiền về Việt Nam gặp anh Vân giám đốc, anh bảo: “Bữa rồi có một người trong đoàn văn hóa Việt Nam sang nhờ tôi nhắn: Ái Vân cứ về đi, không sao đâu, ở nhà không ai làm gì đâu”. Có lúc tôi cũng dao động, muốn về. Tôi như chị Dậu của Tắt đèn tương lai mù mịt: “Về thì biết đâm đầu vào đâu?”. Lại khóc. Khóc thương ba má, khóc thương thằng con, khóc thương mình.

Ái Vân trong vai Kiều trong nhạc cảnh “Tu là cõi phúc, tình là dây oan”
của nhạc sĩ Lam Phương

Sau đó bắt đầu phỏng vấn để nhập trại chính thức. Bốn nước gồm Tây Đức cùng đồng minh là Anh, Pháp, Mỹ tham gia phỏng vấn...Thời gian này tôi viết một lá thư cho Bộ Văn hóa trình bày vì sao mình chạy qua Tây Đức, “Chỉ vì lý do riêng tư là vì chuyện gia đình” và xin lỗi Bộ về sự “thất hứa” của tôi với Bộ.

Sau hơn 2 tháng, tôi được đưa về trại cố định, trại này toàn người Việt Nam nằm trên đường Lassen, chúng tôi gọi luôn là trại Lassen. Gọi là trại nhưng thực ra là một căn biệt thự của một bà triệu phú người Đức hiến tặng cho Hội Chữ thập đỏ sau khi bà qua đời. Biệt thự có nhiều phòng, ngay cửa là phòng thường trực có bà người Đức trực suốt ngày ở đó. Trại cũng có một cô Việt Nam làm phiên dịch tiếng Đức, có phòng cho trẻ con chơi, phòng chơi ping-pong, một phòng đọc sách, phòng câu lạc bộ và một bếp chung rộng rãi có thể nấu cùng lúc 6 gia đình. Hàng ngày có hai bà người Đức đến lau chùi nhà cửa, dọn vệ sinh và chùi bếp sạch sẽ, bóng loáng. Tóm lại gọi là trại nhưng cực kỳ sướng. Tôi ở chung phòng với hai cô Việt Nam, cũng chẳng mấy khi ở trại mà toàn ra ngoài chơi. Đi đâu thì đi nhưng cứ đầu tháng phải về lĩnh “lương” 400 D. Mark và quan trọng nhất là phải lấy thư. Chỉ cần vài tuần không đến lấy thư, bà thường trực sẽ báo cáo mình vắng mặt và sẽ bị cắt tiêu chuẩn tị nạn luôn. Chẳng ai muốn vậy.

Qua Bích, tôi quen Giàu và anh Sanh. Hai người vượt biên, được tàu Cap Anamur của Đức vớt lên. Vợ chồng có cửa hàng đồ châu Á. Giàu và ông xã rất quý tôi, bảo: “Thôi chị Vân đừng ở chỗ ông Bình nữa, nhà ấy đông con gái, sợ mấy cổ thấy bố mẹ săn sóc chị quá lại ghen tị”. Thấy nói có lý, hơn nữa hai vợ chồng có đứa con trai 7 tuổi tên Quang dễ thương và nhang nhác cháu Vũ. Bên cháu Quang chắc sẽ giúp tôi nguôi nỗi nhớ con. Vậy là tôi chuyển về ở với vợ chồng Giàu. Hai vợ chồng đối với tôi thật chí tình, đặc biệt dạo tôi bị tái phát bệnh đau lưng, Giàu hết lòng chăm sóc kể cả việc hàng ngày dìu tôi ra phòng tắm, hoặc đi lại trong nhà. Suốt tháng trời, Giàu chăm tôi chẳng khác gì chị em ruột thịt.

Thời gian đó bỗng rộ lên tin đồn: Ái Vân đóng phim con heo. Không hiểu ở đâu ra. Cứ lao xao thế. Ở Việt Nam thì bảo bên Đức đang đồn ầm lên, bên Đức thì bảo nghe mấy người Việt Nam kháo nhau vậy. Ba tôi viết thư sang không dám nói rõ, chỉ hỏi con có khỏe không, có làm sao không. Tôi biết cả nhà đang lo lắng nhưng chẳng biết làm sao để chứng minh mình “vô tội”. Một hôm gặp cô phiên dịch, chúng tôi thân nhau lắm, cô túm tay tôi kể chuyện: “Dạo này có nhiều người đến trại hỏi thăm chị ghê. Hôm nọ có chú nhà văn Nguyễn Quang Sáng, chú hỏi rất nhiều, hỏi đi hỏi lại dạo này Ái Vân thế nào, trông có xanh xao không, có gầy không”. Em hỏi: “Sao chú hỏi thăm chị Ái Vân kỹ thế?”. Chú trầm ngâm một lúc rồi nói: “Tại chú nghe bên Việt Nam đồn là Ái Vân sang đây đóng phim cấp 3. Chú hỏi kỹ thì họ bảo có người xem được một đoạn phim thấy cái lưng giống cổ lắm”. Nghe thế tôi điên lắm. Tôi tuyên bố nếu ai tìm được cái băng ấy thì bao nhiêu tiền tôi cũng trả. Tóm lại đến tận bây giờ không có cái băng nào cả.

Lại có người về bảo ba tôi: “Vân giờ khổ lắm, mang cái thúng đi bán vịt lộn ở ngoài đường”. Tôi nghe mà cười phì. Cũng giống chị Vân Khánh mới sang Thụy Sĩ báo chí ta hồi đó nói Vân Khánh đi rửa bát kiếm sống khổ cực đủ đường. Chị Vân Khánh nghe vậy cũng cười phì. Vui vậy đó. Mà thôi, đó cũng là cái giá mình phải trả.

(Còn tiếp)

(Trích tự truyện Để gió cuốn đi, First News và NXB Hội Nhà văn ấn hành)

Kỳ trước:
>> Ca sĩ Ái Vân: Nỗi đau bị mất căn nhà yêu dấu
>> Ca sĩ Ái Vân:Hớt hải chạy show để trả nợ
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ca sĩ Ái Vân và tin đồn đóng phim 'con heo'