Trong phần luận tội, Viện kiểm sát (VKS) đã nêu quan điểm giải quyết yêu cầu của các bị hại khi họ rất mong muốn nhận lại được cả tiền gốc và lãi.
Theo dòng thời sự

Các bị hại đòi Tân Hoàng Minh trả cả gốc và lãi, VKS đề nghị giải quyết thế nào?

Nhã Thanh 22/03/2024 14:10

Trong phần luận tội, Viện kiểm sát (VKS) đã nêu quan điểm giải quyết yêu cầu của các bị hại khi họ rất mong muốn nhận lại được cả tiền gốc và lãi.

Ngày 22.3, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Tân Hoàng Minh. Cả 15 bị cáo, trong đó có bị cáo Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) bị đưa ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo đó, trong những ngày xét hỏi vừa qua, nhiều bị hại cho biết họ đã đầu tư số tiền tương đối lớn để mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh, đến nay mong muốn được sớm nhận lại tiền gốc và lãi ngay sau phiên tòa sơ thẩm để có một khoản trang trải cuộc sống…

Về yêu cầu nhận lại số tiền gốc theo hợp đồng mua bán trái phiếu của bị hại với Tân Hoàng Minh, theo VKS, con số này được xác định là số tiền chiếm đoạt do hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các bị cáo, nên VKS thấy có căn cứ để chấp nhận.

2.-3-.jpg
Quang cảnh phiên tòa - Ảnh: N.A

Đối với yêu cầu của một số bị hại liên quan đến khoản lãi theo hợp đồng mua bán trái phiếu, tiền lãi phạt chậm trả, VKS xét thấy việc phát hành 9 gói trái phiếu của Tân Hoàng Minh và bán ra cho các nhà đầu tư được xác định là vi phạm pháp luật nên 9 gói trái phiếu này đã bị hủy theo quy định của pháp luật. "Do vậy, hợp đồng mua bán trái phiếu giữa các bị hại với Tân Hoàng Minh là vô hiệu và cần giải quyết theo quy định của đối với giao dịch dân sự vô hiệu", VKS nêu rõ.

Đối với hành vi sai phạm của các bị cáo, VKS xét thấy quá trình điều tra, truy tố cũng như tại phiên tòa, các bị cáo đã thành khẩn, khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố.

Trong đó, theo VKS, hai bị cáo Đỗ Anh Dũng, Đỗ Hoàng Việt cùng với sự giúp sức, thông đồng của các bị cáo khác đã thực hiện nhiều thủ đoạn gian dối để phát hành 9 gói trái phiếu trái phép; lấy danh nghĩa Tập đoàn Tân Hoàng Minh để khiến các bị hại tin tưởng tham gia mua trái phiếu rồi bị chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn là hơn 8.600 tỉ đồng.

Theo VKS, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân được pháp luật và nhà nước bảo vệ. Các bị cáo là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, có chuyên môn nghiệp vụ, hiểu biết pháp luật nhưng do động cơ tư lợi vẫn cố ý thực hiện, để chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn.

2.-cac-bi-cao-tai-toa.jpg
Phiên tòa dự kiến kéo dài 20 ngày - Ảnh: N.A

Trong phần luận tội, VKS cho biết Tập đoàn Tân Hoàng Minh hoạt động với hình thức công ty gia đình, trong đó Đỗ Anh Dũng là Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc, đại diện pháp luật của Công ty Tân Hoàng Minh, là người điều hành, chỉ đạo, quyết định cao nhất đối với các hoạt động kinh tế tại Công ty Tân Hoàng Minh và hệ thống các công ty thuộc tập đoàn.

Bị cáo Dũng với vai trò chỉ đạo xuyên suốt toàn bộ hoạt động kinh doanh của tập đoàn. Ngoài ra, theo chỉ đạo của ông Dũng, Đỗ Hoàng Việt được bổ nhiệm ở vị trí Phó tổng giám đốc Công ty Tân Hoàng Minh, phụ trách toàn bộ hoạt động tài chính của tập đoàn, tuân thủ sự chỉ đạo, chịu trách nhiệm và báo cáo Đỗ Anh Dũng về toàn bộ hoạt động của tập đoàn.

Trong vụ án này, bị cáo Đỗ Anh Dũng bị VKS xác định là người giữ vai trò chỉ đạo toàn bộ hoạt động phát hành 9 gói trái phiếu để huy động tiền trái pháp luật cho Tập đoàn Tân Hoàng Minh thông qua Đỗ Hoàng Việt với vai trò là người tham mưu đề xuất, thực hành theo chỉ đạo, giúp sức tích cực cho Đỗ Anh Dũng để chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của các bị hại.

433725755_766494951817547_6927743360905894750_n.jpg
15 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" - Ảnh: N.A

Nội dung vụ án thể hiện do gặp khó khăn về tài chính..., từ tháng 6.2021 đến tháng 3.2022, Đỗ Anh Dũng đã thống nhất chủ trương và thông qua Đỗ Hoàng Việt chỉ đạo, ủy quyền cho các bị cáo đồng phạm dưới quyền, sử dụng pháp nhân 3 công ty (Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung điện Mùa Đông), phát hành 9 gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, với tổng trị giá phát hành 10.030 tỉ đồng để huy động tiền cho Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Để phát hành được trái phiếu, các bị cáo đã thông đồng thực hiện nhiều hành vi, thủ đoạn gian dối, hợp thức điều kiện, hồ sơ phát hành không có thật giữa nội bộ các công ty thuộc tập đoàn; thông đồng với các bị cáo thuộc các đơn vị kiểm toán, hợp thức số liệu báo cáo tài chính của 3 công ty phát hành, đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần để hợp thức các công ty này có đủ điều kiện phát hành trái phiếu.

Các bị cáo còn ký hợp đồng “giả cách” chuyển nhượng trái phiếu, chạy dòng tiền khống thể hiện việc Công ty Tân Hoàng Minh thanh toán tiền mua trái phiếu và dòng tiền từ 3 công ty phát hành theo các hợp đồng hợp tác đầu tư; tạo lập giá trị ảo các gói trái phiếu, hợp thức trái chủ cho Công ty Tân Hoàng Minh.

Ngoài ra, các bị cáo sử dụng tài sản của chính hợp đồng hợp tác đầu tư khống làm tài sản bảo đảm cho trái phiếu, từ đó tạo niềm tin, sử dụng pháp nhân, thương hiệu Công ty Tân Hoàng Minh để huy động, chiếm đoạt của 6.630 nhà đầu tư, với tổng số tiền là hơn 8.600 tỉ đồng, sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng mục đích phát hành.

Bài liên quan
Luật sư nói về sự ăn năn, dám nhận trách nhiệm của Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh
Theo luật sư, số tiền khắc phục hậu quả là lớn nhất từ trước đến nay trong các vụ án xâm phạm quyền sở hữu. Ngoài ra, nó còn thể hiện sự ăn năn hối hận, dám nhận trách nhiệm của ông Đỗ Anh Dũng đối với những sai phạm của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các bị hại đòi Tân Hoàng Minh trả cả gốc và lãi, VKS đề nghị giải quyết thế nào?