Các chất gây rối loạn nội tiết cũng chưa được đánh giá, kiểm soát chặt chẽ, và rất ít tài liệu công bố về mức độ hiện diện và độc tính của nó trong môi trường ở Việt Nam. 

Các chất gây rối loạn nội tiết dù hàm lượng rất nhỏ nhưng cực độc

Một Thế Giới | 25/09/2014, 12:22

Các chất gây rối loạn nội tiết cũng chưa được đánh giá, kiểm soát chặt chẽ, và rất ít tài liệu công bố về mức độ hiện diện và độc tính của nó trong môi trường ở Việt Nam. 


Nguy hiểm nhất là, các chất gây rối loạn nội tiết hiện diện trong môi trường dù rất nhỏ, mọi người có thể không để ý, nhưng nó gây ảnh hưởng không thể sửa chữa được (irreversible) về mặt di truyền cho thế hệ này và thế hệ sau, nhiều nhất là ảnh hưởng lên hệ sinh dục, gây các bất thường như lưỡng tính,... Trong khi đó, vì tránh gây “hoang mang” cho cộng đồng, hầu hết các chất gây rối loạn nội tiết không được công bố rộng rãi ở Việt Nam tại thời điểm này.
Trao đổi với Một Thế Giới, PGS.TS Đỗ Hồng Lan Chi, trưởng phòng Độc học môi trường, viện Môi trường và tài nguyên, ĐH Quốc gia TP.HCM đã cho biết như trên.   

Vừa qua, Một Thế Giới đã thông tin với bạn đọc vấn đề chất lượng nước sông Sài Gòn – Đồng Nai nói chung và chất lượng nước máy nói riêng có các chất gây rối loạn nội tiết. 

Theo nhận định nghiên cứu của nhóm tác giả PGS.TS Nguyễn Phước Dân (ĐH Bách khoa TP.HCM) và PGS.TS Đỗ Hồng Lan Chi (ĐH Quốc gia TP.HCM), ở Việt Nam, vì tránh gây “hoang mang” cho cộng đồng, hầu hết các chất gây rối loạn nội tiết không được công bố rộng rãi tại thời điểm này.

Các chất gây rối loạn nội tiết cũng chưa được đánh giá, kiểm soát chặt chẽ, và rất ít tài liệu công bố về mức độ hiện diện và độc tính của nó trong môi trường ở Việt Nam. 

PGS.TS Lan Chi cho biết:
Cac chat gay roi loan noi tiet du ham luong rat nho nhung cuc doc
PGS.TS Đỗ Hồng Lan Chi
Hiện tại có hơn 500 chất gây rối loạn nội tiết đã được xác định. Từ năm 1930, các nhà khoa học đã xác định được lượng tồn dư của các hợp chất này trong đất, nước, không khí, các động vật thân mềm, giáp xác, chim,… và trong cả cơ thể con người. 

Các chất gây rối loạn nội tiết rất đa dạng, có thể là các hợp chất hoá học tự nhiên hoặc tổng hợp. Chúng có ở những sản phẩm phổ biến trong đời sống hàng ngày như: dược phẩm, các sản phẩm chăm sóc cá nhân (kem chống nắng, nước hoa, mỹ phẩm…), các sản phẩm tẩy rửa, xà phòng, nước rửa toilet, nước lau kiếng, dầu gội, các phụ phẩm trong sản phẩm nhựa.

Ở những sản phẩm hoá học chuyên biệt cũng có các chất gây rối loạn nội tiết: thuốc bảo vệ thực vậy, trừ cỏ, chất chống cháy, dung môi công nghiệp, thuốc khử trùng, chất hoá dẻo,… 

Con người vô tình hay cố ý cho thẳng xuống cống sau khi sử dụng xong mà không biết nó có thể theo dòng vận chuyển trở về chính cơ thể con người.

Việc “chuyển hoá” của các chất này ra môi trường và cơ thể con người như thế nào, thưa bà? 

Hầu hết các hợp chất này chưa được quy định, nhưng đã có đủ dữ liệu để chứng minh chúng có tác hại đối với sức khoẻ con người.

Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, một số chất gây rối loạn nội tiết có trong sản phẩm chăm sóc con người phân huỷ nhanh chóng, nhưng còn hiện diện trong môi trường do việc sử dụng rộng rãi và liên tục của chúng. 

Còn ở trong một số chất khác như kháng sinh, thuốc tránh thai, thuốc cho gia cầm, thì các chất gây rối loạn nội tiết có tính bền vững. Thông thường, ước tính khoảng 50-90% liều lượng thuốc vẫn không chuyển hoá khi thải ra khỏi cơ thể và có thể tồn tại trong nhiều năm trong môi trường xung quanh.
Cac chat gay roi loan noi tiet du ham luong rat nho nhung cuc doc
 Nước sinh hoạt sau xử lý ở nhà máy nước Tân Hiệp và trong mạng nước phân phối đã phát hiện có các chất gây rối loạn nội tiết. Ảnh: Tuổi Trẻ

Thưa, đã có nhiều nghiên cứu trên thế giới về các ảnh hưởng của nó tới động vật hoang dã lẫn con người? 

Vâng. Đối với động vật hoang dã, đã có nhiều nghiên cứu và bằng chứng cho thấy các chất gây rối loạn nội tiết tác động tiêu cực đến khả năng sinh sản, tăng trưởng và phát triển, như: giảm khả năng sinh sản, gia tăng các bệnh về đường sinh sản, dậy thì sớm ở các cá thể cái, giảm số lượng sinh các cá thể đực, dị dạng cơ quan sinh dục ở các cá thể đực, một số chất thì lại có thể kìm hãm sự phát triển của hệ thống thần kinh và hệ thống miễn dịch.

Tôi ví dụ, sau thập kỉ 50, loài chim cắt ở Anh, rồi lan sang Châu Âu, Bắc Mỹ, Úc Châu đột ngột dừng tăng trưởng do một hợp chất gây rối loạn nội tiết gây ra. Hay loài cá sấu chúa trong khu bảo tồn hồ Apoka (Florida, Mỹ) nằm trong sách đỏ của Mỹ thì giảm dần số lượng, không do nguyên nhân gì khác ngoài bị ảnh hưởng bởi các chất gây rối loạn nội tiết - từ hoạt động nông nghiệp chảy vào hồ. Nghiên cứu cho thấy buồng trứng của cá sấu cái và tinh hoàn cá sấu đực không bình thường, khiến 80-90% trứng đã thụ tinh không thể nở… 

Còn với con người?

Với con người, các nghiên cứu cho thấy, việc nhiễm các chất gây rối loạn nội tiết có thể gây hậu quả ở mức độ khác nhau, tuỳ vào các giai đoạn của vòng đời hoặc theo mùa. Chẳng hạn nhiễm các chất này trong giai đoạn phát triển ban đầu (trong dạ con, khi mới đẻ…) có thể gây ra những hậu quả suốt đời. 

Trẻ sơ sinh, trẻ em đang phát triển cơ quan sinh dục dễ bị nhiễm các chất gây rối loạn nội tiết hơn cả, vì những chất này tác động đến sự phát triển của những bộ phận quan trọng nhất của cơ thể và hệ thống sinh sản sinh hormone.

Tương tự đối với Diethylstilbesterol (một chất gây rối loạn nội tiết), sự nhiễm độc của bố mẹ có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc với con cái họ, thậm chí hàng chục năm sau. Ngược lại, nhiễm các chất gây rối loạn nội tiết trong giai đoạn trưởng thành ít để lại hậu quả rõ rệt. 

Những ảnh hưởng của các chất gây rối loạn nội tiết đến hệ thống nội tiết có thể dẫn đến sự thay đổi sức khoẻ của chính con người, hoặc ảnh hưởng đến thế hệ sau.

Các tác động đến sức khoẻ con người bao gồm những bất thường trong sinh sản, ảnh hưởng đến tỉ lệ nam/nữ, giảm số lượng cà chất lượng tinh trùng, các vấn đề sinh sản ở cả nam và nữ (chức năng sinh sản, sẩy thai, thai ngoài tử cung, thai chết lưu, sinh non), và sự gia tăng một số bệnh ung thư ở nam và nữ (ung thư tinh hoàn, ung thư tiền tuyến liệt, ung thư vú), ảnh hưởng đến não và hành vi…
Cac chat gay roi loan noi tiet du ham luong rat nho nhung cuc doc
Các chất gây rối loạn nội tiết ở nước sông hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai đặc biệt ở mức nghiêm trọng khi cho thấy đã hiện diện ở một số nguồn cấp nước như trạm bơm Hoá An, trạm bơm Bình An, nhà máy nước Biên Hòa và trạm bơm Hòa Phú. Trong ảnh: Cửa thu nước thô trạm bơm Hóa An - Ảnh: Tuananhpri

Hiện nay thông tin về các chất gây rối loạn nội tiết ở Việt Nam còn chưa được minh bạch, lẫn chưa được quan tâm đúng mức. Theo bà, lúc này nên bắt đầu từ đâu?

Như đề xuất nghiên cứu mà chúng tôi đã đưa ra (Một Thế Giới đã thông tin ở những bài trước – PV), trước mắt Nhà nước cần tiến hành đặt hàng ngay các nhà khoa học làm nghiên cứu để đưa ra các quy chuẩn về các chất gây rối loạn nội tiết với nước uống, nước xả thải ra môi trường nói riêng, và tiêu chuẩn ở những sản phẩm khác nói chung. 

Hiện nay do còn hạn chế về các thiết bị, kĩ thuật phân tích hoá học lẫn chi phí, nên có thể những nghiên cứu phát hiện được của các nhà khoa học Việt Nam thời gian qua còn chưa đầy đủ, có thể là nhẹ hơn thực tế. (Tại Việt Nam, đã có nhiều nghiên cứu cho thấy có sự hiện diện của các chất gây rối loạn nội tiết trong trầm tích và nước mặt ở nhiều vùng miền trong cả nước – PV)

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng: các chất gây rối loạn nội tiết hiện diện trong môi trường dù rất nhỏ, mọi người có thể không để ý, nhưng nó gây ảnh hưởng không thể sửa chữa được (irreversible) về mặt di truyền cho thế hệ này và thế sau, nhiều nhất là ảnh hưởng lên hệ sinh dục, gây các bất thường như lưỡng tính,... như tôi đã trao đổi ở trên. 

Cám ơn bà!

Lê Quỳnh (thực hiện)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
2 giờ trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các chất gây rối loạn nội tiết dù hàm lượng rất nhỏ nhưng cực độc