Chiều tối 24.5, Bộ Y tế thông báo ca tử vong thứ 44 là bệnh nhân nữ có mã số BN4807. Điều đáng chú ý là bệnh nhân này tuổi đời còn trẻ và không mắc bệnh nền trước đó.
Tại sao người trẻ lại tử vong nhanh khi mắc COVID-19 trong đợt dịch thứ 4 này?
Theo Bộ Y tế, bệnh nhân tử vong thứ 44 có triệu chứng sốt, ho, rát họng, mệt mỏi; được làm xét nghiệm có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, được nhập viện điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang) ngày 17.5. Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân có dấu hiệu suy hô hấp. Tối 22.5, bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang trong tình trạng: ho, tức ngực, khó thở, đau rát họng, phổi thông khí giảm hai bên. Chẩn đoán khi vào viện: Viêm phổi do COVID-19 biến chứng suy hô hấp. Bệnh nhân được xử trí thở oxy mặt nạ, điều trị kháng sinh, kháng viêm.
Khoảng 12 giờ ngày 23.5, bệnh nhân diễn biến nặng hơn, tức ngực khó thở nhiều, chụp X-quang cho thấy phổi tổn thương lan tỏa hai bên, được cấp cứu thở oxy dòng cao HFNC. Đến 22 giờ cùng ngày, bệnh nhân suy hô hấp nặng hơn. Bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy, tiếp tục hồi sức. Nhưng tình trạng của bệnh nhân diễn biến xấu hơn, ngừng tuần hoàn, cấp cứu ngừng tuần hoàn không có kết quả. Bệnh nhân tử vong lúc 4 giờ 30 ngày 24.5. Bệnh nhân được chẩn đoán tử vong do sốc nhiễm khuẩn trên nền bệnh viêm phổi do SARS-CoV-2, biến chứng suy hô hấp tiến triển ARDS. Như vậy, chỉ trong vòng 7 ngày phát hiện bệnh thì bệnh nhân đã tử vong, mặc dù còn khá trẻ (sinh năm 1983), sức khỏe tốt, không có tiền sử bệnh nền.
Trao đổi với phóng viên, PGS-TS Lương Ngọc Khuê cho biết biến chủng Ấn Độ đã khiến nước ta ghi nhận một số ca tử vong, điều đáng lo lắng là các ca bệnh diễn biến nhanh, các bệnh nhân dù trẻ tuổi nhưng diễn tiến bệnh nặng. Rút kinh nghiệm từ những ca bệnh này, ông Khuê cho hay ngành y tế đang xây dựng phần mềm nhằm phát hiện sớm người có nguy cơ cao, dễ diễn biến nặng. "Bệnh nhân nhiễm bệnh nhẹ, nhưng bệnh lại diễn biến nhanh là điều gây khó khăn cho các y bác sĩ khi điều trị. Trong khi đó, tỷ lệ bệnh nhân nặng trong đợt dịch này gần như ít thay đổi so với đợt trước vì các lần trước hầu hết ca tử vong đều là người cao tuổi, có nhiều bệnh nền. Chính vì thế với đợt dịch này mọi người nên hết sức cảnh giác. Trên thế giới biến chủng Ấn Độ lây lan nhanh, thời gian ủ bệnh, lây truyền phức tạp, khó xét nghiệm phát hiện".
Theo GS-TS-BS Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, chủng vi rút Ấn Độ là những biến thể làm lây lan nhanh hơn vì nó có đặc tính của chủng biến thể ở Anh và có dấu hiệu làm giảm tác dụng của vắc xin (là đặc tính của chủng Nam Phi) nên được gọi là chủng vi rút biến thể kép, vì vậy nó đặc biệt nguy hiểm.
“Qua theo dõi các chùm ca bệnh có thể thấy tốc độ lây nhiễm rất nhanh. Trong báo cáo của Bộ Y tế, có những người mới tiếp xúc ca bệnh 1-2 ngày đã có triệu chứng bệnh. Bên cạnh đó, nồng độ vi rút trong dịch họng hầu đã nhân lên đủ để xét nghiệm dương tính, hơn nữa qua theo dõi cho thấy tỷ lệ biến chứng liên quan đến phổi khá cao. Vì thế, chúng ta phải hết sức cảnh giác vì tỷ lệ tử vong qua báo cáo của nước ngoài với chủng này cao nhiều lần với các chủng trước đó. Sự lây nhiễm nhanh, dễ lây làm can thiệp phòng chống trở nên khó khăn hơn rất nhiều, rất cần ý thức người dân thực hiện nguyên tắc 5K phòng bệnh. Dù chưa có đủ cơ sở để đánh giá chủng Ấn Độ biến đổi độc lực hơn nhưng tốc độ lây lan nhanh là điều chúng ta cần chú ý”, GS Tuấn nói.
Bộ Y tế đánh giá diễn biến dịch COVID-19 đợt này hết sức phức tạp, xuất hiện nhiều chùm ca bệnh trong cộng đồng tại nhiều địa phương, đặc biệt đã xuất hiện các biến chủng vi rút mới lây nhiễm nhanh hơn, mạnh hơn và có khả năng làm tình trạng bệnh nặng lên. GS-TS Nguyễn Quang Tuấn cũng cho rằng việc một số bệnh viện trung ương phong tỏa, cách ly y tế là do có sự lây nhiễm trong bệnh viện, lây nhiễm từ bên ngoài vào bệnh viện, nguy cơ này là hiện hữu với bất cứ bệnh viện nào, kể cả các bệnh viện tuyến đầu.
Tại sao COVID-19 biến chứng lại nguy hiểm?
Còn theo GS Nguyễn Gia Bình - Tổ trưởng Tổ điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, hiện nay các bác sĩ vẫn hội chẩn liên tục vì có các ca bệnh nặng, so với những làn sóng trước thì đợt dịch này đã xuất hiện các bệnh nhân trẻ nhưng diễn biến bệnh khá nặng. Thời gian từ khi mắc vi rút tới xuất hiện triệu chứng nhanh hơn và có vẻ độc lực vi rút mạnh hơn. Trước chỉ có người già, người có bệnh lý nền dễ diễn biến xấu nhưng hiện tại thì người trẻ cũng diễn tiến xấu. Khi vi rút vào trong cơ thể nó không chỉ ảnh hưởng tới cơ quan hô hấp mà tấn công vào tất cả các cơ quan trong cơ thể như mắt, tim, não, thận, hệ thần kinh, đặc biệt có nguy cơ gây rối loạn đông máu.
Ông Bình cũng cho rằng vi rút làm máu trở nên đặc hơn và tạo ra những cục máu đông trong tĩnh mạch, các cục máu đông có thể vỡ ra và di chuyển đến phổi và não gây tắc mạch phổi, tắc mạch máu não... Trong khi đó hệ thống miễn dịch của bệnh nhân có tình trạng hoạt động quá tải để chống lại sự nhiễm trùng. Phản ứng này được gọi là hội chứng giải phóng cytokine, có thể gây ra những tác động tiêu cực dẫn đến tình trạng viêm nhiễm nặng và suy nội tạng… Rất nhiều biến chứng chết người ở bệnh nhân COVID-19 biến thể này khiến chúng ta không thể chủ quan. "Một bệnh nhân bị biến chứng phải chạy ECMO 3 tuần để cầm cự nhưng khi bị COVID-19 thì khả năng lây nhiễm vi rút, vi khuẩn sẽ cao hơn và bệnh nhân diễn tiến nặng, cơ thể suy sụp nhanh hơn, dễ dẫn đến tử vong" - BS Bình cho hay.
Còn theo ý kiến của BS Nguyễn Trung Cấp – Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, chúng ta đang đối mặt với làn sóng dịch thứ 4, chủ yếu do chủng vi rút Ấn Độ gây ra. Đợt dịch này có quy mô và tính phức tạp cao hơn các đợt dịch trước, bùng phát cả trong bệnh viện, nơi có nhiều người bệnh nặng, nhiều bệnh lý nền, cả trong cộng đồng nhiều địa phương, cả trong các khu công nghiệp lớn. Đặc điểm diễn biến bệnh do chủng vi rút mới này còn đang cần nghiên cứu tiếp, nhưng bác sĩ Cấp cho rằng các cơ sở y tế không nên chỉ quan tâm người có bệnh nền, người già mắc COVID-19 mà người trẻ cũng cần được lưu tâm, đặc biệt các địa phương cần dự trù thiết bị để sẵn sàng tiếp nhận những ca COVID-19 để bệnh nhân không bị biến chứng quá nặng. Một điểm chung là người nhiễm bệnh có thể lây truyền vi rút khi họ có hay không xuất hiện triệu chứng. Điều nguy hiểm nhất là mầm bệnh rất dễ lan ra xung quanh, lây cho những người tiếp xúc gần, vì vậy, cần xác định người mắc COVID-19 bằng cách xét nghiệm".
Vì sao người già lại dễ tử vong hơn, theo BS Cấp, trước hết là cơ địa, tuổi tác, các bệnh lý kèm theo và khả năng miễn dịch giúp cơ thể chống đỡ bệnh tật. Sau nữa, bệnh còn phụ thuộc vào diễn biến và độc lực của từng chủng vi rút. Ngoài ra, tỷ lệ này cũng phụ thuộc nhiều vào khả năng chẩn đoán, điều trị của các thầy thuốc, khả năng cung cấp về giường bệnh, nhân lực, oxy, thuốc men và trang bị hồi sức cấp cứu của hệ thống y tế. Người quá lớn tuổi có thể tự nhiên chết mà không do bệnh lý gì (chết già), vì vậy khi họ nhiễm COVID-19 cộng thêm chết do bệnh lý (chết bệnh) thì tỷ lệ tử vong đương nhiên sẽ cao hơn người trẻ. Hơn nữa diễn biến COVID-19 ở người già cũng phức tạp và điều trị khó khăn hơn người trẻ tuổi.
Biến thể chủng mới của Ấn Độ là gì, vì sao nó nguy hiểm?
Theo các chuyên gia y tế, biến thể B1617 của Ấn Độ đã được WHO xếp vào một trong 7 "biến thể cần quan tâm" vì đây là những biến thể đang được theo dõi, chúng cho thấy những đột biến liên quan đến dịch tễ học, chẳng hạn như khả năng lây truyền cao hoặc mức độ nghiêm trọng khi mắc bệnh. Biến thể B1617 của Ấn Độ có 3 biến chủng phụ là B16171, B16172 và B16173 và chúng có chung một số đột biến đặc trưng. Biến thể này còn được gọi là "chủng Bengal" vì nó được phát hiện lần đầu tiên ở khu vực Bengal ở Ấn Độ. B1617 cũng được gọi là biến thể nhân 3, mặc dù nó chứa tổng cộng 13 đột biến ở protein đột biến, nhưng có 3 đột biến đáng quan tâm nhất.
Tất cả 3 đột biến đã được phát hiện trong các biến thể đang lưu hành toàn cầu khác và các chuyên gia cho biết chúng đã tiến hóa một cách độc lập trong quá trình vi rút thích nghi để lây nhiễm tốt hơn cho con người. Một trong những đột biến - E484Q - rất giống với đột biến E484K được tìm thấy ở các biến thể Nam Phi và Brazil, còn được gọi là "đột biến đào thoát". Theo lý giải của Giáo sư Dale Fisher (Trường y NUS Yong Loo Lin), loại biến thể này dường như thoát được khả năng miễn dịch từ vắc xin hoặc từ những lần nhiễm vi rút trước nên tốc độ lây lan nhanh và thời gian phát hiện ra nó cũng lâu hơn 14 ngày, vì thế những người tiếp xúc cũng cần được cách ly một cách nghiêm ngặt lên tới 21 ngày để ngăn chặn sự lây lan của vi rút ra cộng đồng.
Trước đó, thống kê của WHO trên 64.781 bệnh nhân mắc COVID-19 nặng tại 592 bệnh viện tại Mỹ năm 2020 cho thấy tỷ lệ tử vong chung ở các bệnh nhân mắc COVID-19 nặng khoảng 20,3%. Trong khoảng 100 bệnh nhân mắc COVID-19 nặng, trẻ, khỏe thì có khoảng 20 người tử vong. Nhưng với nhóm 100 bệnh nhân trên 80 tuổi thì tỷ lệ tử vong sẽ là khoảng 66%. Cùng lứa tuổi, nhóm bình thường tử vong 20% thì nhóm có bệnh tiểu đường sẽ tử vong khoảng 32%. Như vậy có thể thấy, bất cứ ai hay lứa tuổi nào đều có khả năng bị lây bệnh và tử vong. Đó là minh chứng lớn nhất để ngành y tế của nước ta không thể chủ quan và người dân nên tuân thủ nguyên tắc 5K để hạn chế tối đa việc lây lan dịch bệnh thời điểm này.