Các di tích của Hà Nội đã đón hàng vạn lượt khách dịp Tết Giáp Thìn 2024.
Du lịch

Các di tích của Hà Nội đón hàng vạn lượt khách dịp Tết Nguyên đán

Bài bà ảnh: Tuyết Nhung 14/02/2024 20:27

Các di tích của Hà Nội đã đón hàng vạn lượt khách dịp Tết Giáp Thìn 2024.

Các di tích thu hút khách

Trong 3 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các di tích của Hà Nội đã đón hàng vạn lượt khách đến tham quan, trong đó có khá đông khách quốc tế. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho ngành du lịch thủ đô, hứa hẹn một năm khởi sắc.

Bắt đầu mở cửa từ ngày mùng 2 Tết, đến nay Khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã đón khoảng 5 vạn lượt khách. Trong Tết năm nay, lần đầu tiên, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội giới thiệu tới du khách bộ phim 3D tái hiện nghi lễ Chính đán thời Lê, với lễ thiết triều đầu tiên của năm mới, thể hiện mong muốn một năm quốc thái, dân cường.

86a7af99-7905-4a57-98e1-33ccd9cedf99.jpeg
Rất đông du khách tới Văn Miếu - Quốc Tử Giám dịp tết

Khách tham quan đến với khu di sản Hoàng thành Thăng Long được hòa mình trong không gian phong tục tết truyền thống của Thăng Long - Hà Nội. Ngoài ra, du khách cũng có thể tham quan di tích cách mạng Nhà D67 và Hầm D67 nằm ở khu A Sở chỉ huy Bộ Quốc phòng, trong khuôn viên di tích nền điện Kính Thiên.

Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng là một trong những điểm di tích thu hút đông khách tham quan, trải nghiệm trong kỳ nghỉ tết.

Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám thông tin, tính trong 4 ngày nghỉ tết (từ mùng 1 đến mùng 4 tháng giêng), khu di tích quốc gia đặc biệt này đã đón khoảng 90.000 lượt khách tham quan.

Đặc biệt, từ ngày mùng 1 Tết, lượng khách đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám xếp hàng mua vé khá đông. Người dân và du khách đến Văn Miếu không chỉ tham quan, cầu mong cho việc học hành hanh thông mà còn được trải nghiệm các hoạt động triển lãm, xin chữ đầu năm tại Hội chữ Xuân.

Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, mặc dù lượng khách đông nhưng đến nay, công tác tổ chức của Văn Miếu khá tốt, du khách khá hài lòng về các hoạt động trải nghiệm.

Tại làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, 4 ngày nghỉ tết ước đón hơn 1,5 vạn khách, thành cổ Sơn Tây và phố đi bộ đón khoảng 2,5 vạn khách, trong đó có 600 lượt khách nước ngoài. Đáng chú ý, trong ngày mùng 1 Tết, làng cổ Đường Lâm đã đón 36 vị khách từ Đan Mạch và Na Uy “xông đất”.

Trưởng ban Quản lý làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo cho biết các homestay ở làng cổ Đường Lâm đều kín khách quốc tế và khách miền Nam lưu trú. Trong dịp tết, làng cổ Đường Lâm tổ chức các trò chơi dân gian tại cổng làng và đình làng; nhiều không gian sáng tạo, điểm chụp ảnh check-in được tổ chức tại các điểm di tích, nhà cổ để thu hút du khách. Khu vực thành cổ Sơn Tây trưng bày sinh vật cảnh với hơn 400 tác phẩm và hơn 60 bức ảnh nghệ thuật; tổ chức các giải đá cầu, kéo co, cờ người...

Tại Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn, từ ngày mùng 2 Tết, mỗi ngày chùa Hương đón hàng vạn lượt khách. Trưởng ban Quản lý khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn Nguyễn Bá Hiển cho biết mặc dù ngày mùng 6 tháng giêng mới là ngày khai hội nhưng từ trong Tết, khách đến chùa Hương đi lễ và trẩy hội đã rất đông. Đến nay, công tác tổ chức vẫn bảo đảm đáp ứng lượng khách dự hội, không có hiện tượng chèo kéo, dẫn khách từ xa như nhiều năm trước.

Hà Nội đón 653.000 lượt du khách dịp nghỉ Tết Nguyên đán

Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (từ ngày 8 - 14.2, tức từ ngày 29 tháng chạp đến hết ngày 5 tháng giêng), thủ đô Hà Nội ước đón 653.000 lượt khách, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, khách du lịch quốc tế tiếp tục tăng trưởng mạnh, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ 2023 với gần 103.000 lượt khách (các thị trường khách chủ yếu là Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ, Ấn Độ, Pháp, Anh, Đức, Nhật Bản....); khách du lịch nội địa tăng khá 12,2% với 550.000 lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch đạt 2.350 tỉ đồng, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Về hoạt động kinh doanh khách sạn, các trung tâm thương mại dịch vụ mua sắm và ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, theo số liệu báo cáo, trong 7 ngày tết, công suất bình quân khối khách sạn ước đạt 59,6%, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách du lịch quốc tế tăng trưởng mạnh, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ; thị trường khách lưu trú chủ yếu đến từ các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ, Ấn Độ...

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết công tác tổ chức đón khách du lịch đến thủ đô dịp nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tại các khu, điểm tham quan du lịch tiếp tục diễn ra sôi động, hấp dẫn thu hút nhiều du khách đến tham quan và trải nghiệm. Các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh hoạt động du lịch trên địa bàn đã chủ động nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, xây dựng các sản phẩm mới phù hợp nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch; đồng thời tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách.

Đáng chú ý, nét mới hấp dẫn thu hút sự quan tâm đông đảo của nhân dân và du lịch Tết năm nay là vào đúng đêm 30 Tết, tại khu vực hồ Tây (phố Nguyễn Đình Thi - Trích Sài), UBND quận Tây Hồ chủ trì, phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình Lễ hội ánh sáng nghệ thuật Hà Nội “Rực rỡ Thăng Long” với màn trình diễn ánh sáng nghệ thuật bằng 2.024 thiết bị bay không người lái (drone) với chủ đề “Một ngày kinh đô - Ngàn năm lịch sử”.

Cũng vào dịp Tết Nguyên đán, các khu, điểm tham quan du lịch trên địa bàn TP tiếp tục tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật sôi động, hấp dẫn để thu hút khách du lịch.

Theo số liệu cung cấp từ các điểm đến di tích, bảo tàng, công viên, khu sinh thái, nghỉ dưỡng du lịch trên địa bàn, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024: Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn đón 80.600 lượt khách (tính riêng ngày 13.2 tức mồng 4 Tết đón 35.000 lượt khách); khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón hơn 106.000 lượt khách; khu di tích Hoàng thành Thăng Long đón hơn 48.700 lượt khách; khu di tích Cổ Loa đón 25.000 lượt khách; điểm du lịch làng cổ Đường Lâm đón khoảng 15.000 lượt khách; điểm Chùa Tây Phương đón trên 32.000 lượt khách; điểm Đền Hai Bà Trưng đón 16.000 lượt khách; điểm di tích Nhà Tù Hỏa Lò đón 13.000 lượt khách; khu di tích Thành Cổ Sơn Tây và phố đi bộ đón khoảng 25.000 lượt khách; điểm du lịch Hạ Mỗ đón 8.026 lượt khách; điểm di tích chùa Thầy đón 3.600 lượt khách; điểm di tích đền Đức Thánh Cả đón 1.250 lượt khách; liểm làng nghề tăm hương Cầu Bầu - Quảng Phú Cầu đón 1.200 lượt khách; Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đón 3.000 lượt khách; vườn thú Hà Nội đón 31.143 lượt khách; vườn quốc gia Ba Vì đón 10.391 lượt khách; 3 điểm du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm: Bát Tràng, Dương Xá, Phù Đổng đón 18.500 lượt khách; các điểm du lịch, di tích trên địa bàn huyện Thanh Trì: Tân Triều, Thanh Liệt, Ngọc Hồi ước đón 9.000 lượt khách/ngày…

Bài liên quan
TP.HCM: Đề xuất xếp hạng di tích cơ sở cách mạng Biệt động Sài Gòn và tổ chức tọa đàm khoa học
Theo thông tin từ Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) TP.HCM, đơn vị này sẽ tổ chức tọa đàm khoa học di tích lịch sử Nhà số 499/20 đường CMT8, P.13, Q.10 vào ngày 20.12 và dự kiến ngày 28.12.2022, Sở sẽ trình UBND TP xem xét quyết định xếp hạng di tích.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
một giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các di tích của Hà Nội đón hàng vạn lượt khách dịp Tết Nguyên đán