Các doanh nghiệp thủy sản cho biết không biết phải "bơi" làm sao vì các hãng tàu giờ đây được xem như "thượng đế".

Các hãng tàu như 'thượng đế', doanh nghiệp như 'cá nằm trên thớt'

Tuyết Nhung | 26/03/2021, 19:52

Các doanh nghiệp thủy sản cho biết không biết phải "bơi" làm sao vì các hãng tàu giờ đây được xem như "thượng đế".

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa cho biết giá trị xuất khẩu thủy sản thời gian qua tăng so với cùng kỳ vì cấu thành trong giá xuất khẩu, giá cước tàu biển đã tăng và chiếm tỷ trọng không nhỏ trong đó.

gia-cuoc-tau-tang-manh(1).jpg
Giá cước tàu với các chuyến đi Mỹ "căng thẳng" khiến nhiều doanh nghiệp lao đao - Ảnh: Internet

Một số doanh nghiệp thủy sản cho biết những khó khăn này đang là gánh nặng đè lên các doanh nghiệp trong thời gian này. Ngoài việc chi phí giá thành cho sản xuất tăng chóng mặt ngay từ đầu năm thì cước vận tải biển đang là vấn đề "nóng" đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Theo một số doanh nghiệp, giá cước tàu đi tuyến châu Âu vừa mới hạ nhiệt thì giá các tuyến đi Mỹ lại rất căng thẳng. Hiện nay, chỗ trống cho hàng đông lạnh đi Mỹ của hầu hết các hãng tàu đều rất ít vì các hãng tàu ưu tiên cho hàng khô vì giá cước có lợi hơn.

Vasep cho biết, trong tháng 1.2021, giá cước tàu biển đi Mỹ tiếp tục tăng. Cụ thể, giá đi các cảng bờ Tây tăng 14%, từ 3.500 USD/cont lên 4.000 USD/cont; đi bờ Đông tăng từ 14-19%, từ 4.900 USD/cont lên 5.600-5.850 USD/cont.

Một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ở Cần Thơ cho biết: "Với giá cước tàu cho tuyến đi Mỹ thì doanh nghiệp như cá nằm trên thớt vì đặt được chuyến đã là may mặc dù vẫn chưa biết giá cước bao nhiêu. Các hãng tàu thậm chí còn báo giá rất trễ và hiệu lực cũng chỉ từ 10 đến 15 ngày. Thậm chí doanh nghiệp đã đặt được chỗ nhưng vì một lý do nào đó mà không thể xuất như lịch trình. Điều này khiến doanh nghiệp mất hơn 1.500 USD/container. Hiện nay, doanh nghiệp thủy sản không biết phải bơi làm sao khi các hãng tàu được xem như thượng đế".

Hãng tàu MSC cho biết từ tháng 4.2021 sẽ cắt toàn bộ hàng đông lạnh đi Mỹ. Điều này được cho là sẽ làm tăng tải cho các tuyến khác vốn đã quá tải trong nhiều tháng nay. Hơn nữa, rất nhiều hãng tàu không cho đặt chỗ trước, nếu chờ đến ngày xuất hàng mới đặt thì lại không còn chỗ.

Liên quan đến việc tăng giá cước vận tải container, đại diện các hãng tàu lý giải do ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến việc giải phóng hàng và quay vòng container rỗng bị kéo dài. Thêm vào đó, lượng hàng xuất đi châu Âu, Mỹ tăng đột biến dẫn tới thiếu container rỗng đóng hàng.

Một số hãng tàu cho biết không cắt giảm chuyến đi từ Việt Nam, thậm chí còn tăng chuyến, nhưng do lượng container thiếu hụt trầm trọng nên dẫn tới tình trạng hiện nay. Các hãng tàu cũng cho biết tình hình này ít nhất kéo dài đến hết tháng 3.2021, thậm chí có thể đến quý 2/2021 nếu dịch bệnh vẫn còn phức tạp.

Trước tình hình trên, Cục Hàng hải Việt Nam đã có văn bản đề nghị các hãng tàu phải minh bạch thông tin về giá, cũng như có sự điều chỉnh phù hợp để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên. Tuy nhiên cho tới nay. tình trạng tăng giá container vẫn diễn ra phổ biển, khiến nhiều ngành hàng xuất khẩu rơi vào thế khó.

Bài liên quan
Chính phủ yêu cầu 2 bộ vào cuộc vụ giá thuê container, cước tàu tăng phi mã
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công Thương và Bộ GTVT kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật trong việc tăng giá thuê container và cước tàu (nếu có).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các hãng tàu như 'thượng đế', doanh nghiệp như 'cá nằm trên thớt'