Để đảm bảo đạt mục tiêu tăng trưởng 12 - 14% trong năm 2014 mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đề ra, ngay từ đầu năm nhiều ngân hàng trong nước đã đẩy mạnh việc giảm lãi suất cho vay để thu hút khách hàng.
Trong một buổi họp báo thường kỳ vào cuối tháng 2.2014, NHNN đưa ra định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2014 phải đạt từ 12 - 14%.
Hiểu rõ những thách thức được đặt ra đối với mỗi ngân hàng và toàn bộ hệ thống nên ngay từ những tháng đầu năm 2014, một số ngân hàng đẩy mạnh cho vay, đưa ra nhiều chương trình lãi suất ưu đãi để thu hút khách hàng.
Có thể lấy ví dụ như vào ngày 24.2 vừa qua, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã đưa ra chương trình ưu đãi giải ngân 5.000 tỷ đồng dành cho các khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh vay sản xuất kinh doanh với mức lãi suất cạnh tranh để khách hàng có thể lựa chọn: lãi suất 8%/năm trong 1 tháng đầu tiên; lãi suất 9,5%/năm trong 3 tháng đầu tiên...
Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB) cũng tăng cường cho vay, giảm lãi suất với việc triển khai gói 2.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi cá nhân với mức lãi suất từ 9,99%/năm không đổi trong 12 tháng đầu của khoản vay hoặc 7,77%/năm trong 3 tháng đầu.
Lãnh đạo một chi nhánh của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng cho biết sẽ cho khách hàng vay với lãi suất 5%/năm với nếu các doanh nghiệp xuất khẩu phải chuyển 50-70% dòng tiền mua bán hàng hóa thông qua ngân hàng, đồng thời cam kết bán ngoại tệ cho ngân hàng.
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) triển khai gói tín dụng dành riêng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và hộ kinh doanh cá thể với tổng số tiền lên tới 4.000 tỉ đồng, lãi suất cho vay tối thiểu từ 8,5%/năm.
Tương tự, tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng có chương trình "Tiếp cận nhanh - lãi suất thấp" dành cho khách hàng vay hiện hữu khi vay thêm số tiền tối thiểu 200 triệu đồng cho mục đích sản xuất kinh doanh, vay mua nhà, sửa chữa nhà để ở, với mức lãi suất 8%/năm cố định một tháng hoặc 9%/năm cố định 3 tháng...
“Tình trạng thừa tiền, thiếu vốn trong suốt năm 2013 vẫn còn tiếp tục chứ chưa thể chấm dứt được khi mà nợ xấu-điểm nghẽn của hấp thụ tín dụng, vẫn chưa giải quyết được căn bản. Bên cạnh đó, khả năng phục hồi thị trường và sức mua trong giai đoạn đầu năm là chưa thể phục hồi nhanh được. Khi hai yếu tố này vẫn còn thì khả năng hấp thụ và cơ hội tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp vẫn còn hạn chế” - Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch nhận xét.
Duyên Duyên