Các nhà nghiên cứu Diego Rosselli ở Đại học Giáo hoàng Bogota, Colombia và James K Wetterer ở Đại học Florida Atlantic, Mỹ, vừa công bố một bài viết trên tạp chí Journal of Medical Entomology khẳng định rằng từ lâu những thổ dân da đỏ ở Colombia đã biết nguyên nhân gây ra các bệnh về mắt, điều vẫn làm các nhà khoa học đau đầu hơn 3 thập kỷ nay.
Những tổn thương cho giác mạc, gây ra các đốm trắng nhỏ trên mắt được Noel Rice, một bác sĩ người London di cư từ West Indies tới, mô tả lần đầu tiên vào năm 1969.
Noel Rice kết luận rằng những vết trắng trên mắt là do tổn thương giác mạc. Sau đó, một hiện tượng tương tự đã xảy ra với các cư dân của Florida, West Indies, miền Bắc Nam Mỹ, cũng như với những người sống ở các phần khác nhau của vùng nhiệt đới, trải dài đến quần đảo Solomon.
Bệnh lý này được gọi với các tên khác nhau là bệnh giác mạc Florida, bệnh giác mạc Caribbean, keratomas Rice, bệnh đốm Florida.
Những lý do gây bệnh được lý giải là nhiễm virus và vi khuẩn, cũng như ảnh hưởng của giun ký sinh Onchocerca volvulus, gây ra một căn bệnh được biết đến là bệnh mù lòa đường sông.
Năm 2005, Léonard Theron thuộc Đại học Liège, Bỉ đã xác định rằng bệnh giác mạc Caribbean là do loài kiến lửa nhỏ Wasmannia auropunctata đốt.
Quê hương của loài kiến lửa này là ở Trung và Nam Mỹ, nhưng như một loài xâm lấn, nó được lan truyền rộng rãi trên khắp thế giới. Các quần thể kiến lửa này phổ biến ở vùng nhiệt đới châu Phi, Đông Nam nước Mỹ, Israel, trong các đảo của Thái Bình Dương và ở bang Queensland, Úc.
Loài kiến lửa này có thể sống trong rừng, trong các cánh đồng và trong nhà của người dân. Chỉ có khí hậu lạnh giá mới ngăn được bước tiến của nó, mặc dù một số ổ kiến lửa đã được tìm thấy ngay cả ở Anh và Canada trong nhà kính.
Những vết đốt của kiến lửa nhỏ khá đau và gây ngứa nghiêm trọng. Nếu kiến trên bề mặt của mắt con người hoặc động vật, nó gây nháy mắt và khi đốt vào mắt, gây bệnh giác mạc. Những người bị ảnh hưởng nhiều nhất là những người làm lao động nông nghiệp.
Các tác giả Diego Rosselli và James K Wetterer đã lưu ý rằng trong các tạp chí khoa học chuyên ngành đã có những mô tả của các nhà nhân chủng học cho thấy từ lâu những người da đỏ sống ở Caqueta, Putumayo và Vaupes, Colombia đã biết việc kiến lửa đốt gây những vết trắng ở mắt. Ở các vùng đó, loài kiến này có tên gọi là "Machinya".
Năm 1977, nhà nhân chủng học Goratsio Kalle, người đã làm việc ở Caqueta, đã viết rằng các cư dân địa phương giải thích rằng các "đám mây nhỏ màu trắng" là do kiến lửa đốt. Các nhà nhân chủng học khác cũng viết về điều đó, nhưng những chi tiết này không được các bác sĩ, bác sĩ thú y và các nhà côn trùng học biết đến, vì thông tin chỉ được công bố trên các tạp chí nhân tộc học chuyên ngành.
Vũ Trung Hương