Tuần qua Apple khai trương cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam – một dấu hiệu nữa cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của các thị trường mới nổi đối với hãng sản xuất iPhone.

Các thị trường mới nổi là tương lai của Apple

Cẩm Bình | 20/05/2023, 15:00

Tuần qua Apple khai trương cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam – một dấu hiệu nữa cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của các thị trường mới nổi đối với hãng sản xuất iPhone.

Cửa hàng trực tuyến trên cho phép người tiêu dùng ở Việt Nam có thể mua trực tiếp bất cứ sản phẩm nào của Apple. Trước đó không lâu hãng đã mở cửa hàng đầu tiên tại Ấn Độ.

Các thị trường như Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia đang trở nên quan trọng với Apple khi tốc độ tăng trưởng ở loạt thị trường phát triển chẳng hạn như Trung Quốc chậm lại.

000.jpg

Suốt nhiều thập niên Trung Quốc đóng vai trò trung tâm trong con đường trở thành công ty có giá trị nhất thế giới của Apple - cả ở phương diện sản xuất lẫn tiêu dùng. Dù quốc gia tỷ dân hiện giữ vị thế chủ chốt, hãng sản xuất iPhone cần đa dạng hóa để giảm thiểu rủi ro.

Giám đốc điều hành Tim Cook chỉ ra tương lai công ty nằm ở các nền kinh tế mới nổi, gọi các thị trường này là điểm sáng trong kết quả tài chính của Apple. Ông đặc biệt hài lòng với tình hình kinh doanh quý 1/2023 tại thị trường mới nổi.

“Apple đạt kỷ lục mọi thời đại ở Mexico, Indonesia, Philippines, Ả Rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), cũng như đạt kỷ lục quý kết thúc vào tháng 3 tại một số thị trường trong đó có Brazil, Malaysia, Ấn Độ”, Giám đốc Tim Cook nói với giới phân tích.

Thành tích trên đạt được trong bối cảnh Apple ghi nhận tổng doanh số giảm 2 quý liên tiếp, làm dấy lên lo ngại nhu cầu sụt giảm do kinh tế bất ổn.

Theo Giám đốc điều hành Công ty tài chính Wedbush Securities Daniel Ives: “Rõ ràng tốc độ tăng trưởng toàn cầu đã chậm lại làm tăng thêm áp lực buộc Apple theo đuổi các thị trường mới nổi”. Ông dự báo vài năm tới Indonesia, Malaysia, Ấn Độ sẽ chiếm tỷ lệ lớn hơn trong doanh số hãng.

Giám đốc Ives lưu ý rằng, Apple thường bắt đầu bán hàng trực tuyến trước khi mở cửa hàng truyền thống ở một quốc gia nào đó. Chiến lược này từng được thực hiện tại Ấn Độ.

Nhà phân tích Chiew Le Xuan (Công ty tư vấn Canalys) nhận định, cửa hàng trực tuyến mở tại Việt Nam tuần qua phản ánh rõ Apple đang củng cố hơn nữa sự hiện diện tại các thị trường mới nổi, đặc biệt là các quốc gia Đông Nam Á.

Tiềm năng phát triển hiện rất lớn. Hiện tại hãng chỉ mới điều hành chuỗi cửa hàng riêng ở một số nền kinh tế phát triển trong khu vực như Singapore, Thái Lan. Ngay cả ở Indonesia - thị trường điện thoại thông minh lớn thứ 6 thế giới - vẫn chưa có cửa hàng Apple nào.

Theo dữ liệu Canalys, thị phần Apple tại Indonesia năm 2022 chỉ mới là 1%.

Thách thức vẫn còn

Nhiều năm qua, thương hiệu cao cấp như Apple rất chật vật tại thị trường mới nổi vì giá cao. Hãng chọn phân phối thông qua đơn vị bán lẻ thay vì mở cửa hàng riêng.

Nhà phân tích Chiew lấy ví dụ một chiếc iPhone thường có giá 470 USD đến 1.100 USD - quá đắt với người tiêu dùng ở các nước Đông Nam Á kém phát triển hơn. Sản phẩm điện thoại thông minh tại đây thường chỉ khoảng 200 USD.

Mỗi khi Apple ra mắt iPhone mới, người tiêu dùng Việt Nam hay Campuchia thường bay sang Singapore hay Malaysia mua hàng rồi đem về bán lại.

Giám đốc Ives dự báo sắp tới Apple sẽ dùng các chiến lược định giá khác nhau từng thành công ở Trung Quốc để mở rộng hệ sinh thái lẫn năng lực tiếp cận khách hàng ở các thị trường mới nổi.

Nhưng nhà phân tích Chiew lưu ý đến một thách thức khác mà Apple phải đối mặt: yêu cầu nghiêm ngặt với doanh nghiệp nước ngoài của một số quốc gia Đông Nam Á. Chẳng hạn Indonesia quy định 35% thành phần trong hàng điện tử bán tại nước này phải được sản xuất tại địa phương - đòi hỏi hãng sản xuất iPhone phải hợp tác với nhiều đối tác khác.

Chính quy định về tỷ lệ nội địa hóa đã ngăn Apple mở cửa hàng ở Ấn Độ trong nhiều năm cho đến khi chúng được nới lỏng vào năm 2019.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các thị trường mới nổi là tương lai của Apple