Đó là phát biểu của ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ TT-TT trong phiên khai mạc tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2023 vào sáng 18.5 tại Hậu Giang.
Theo ông Nguyễn Huy Dũng, Hậu Giang là vùng đất rất đặc biệt, nơi có điểm hội tụ của 7 tuyến sông vô cùng độc đáo. Ông Dũng hy vọng rằng Hậu Giang cũng trở thành điểm hội tụ của chuyển đổi số (CĐS), của công nghiệp công nghệ số, của đổi mới sáng tạo, để kết nối với các địa phương trong khu vực trở thành trung tâm mới về công nghệ trên cả nước.
Nói về khó khăn của các tỉnh miền Tây trong CĐS, Thứ trưởng Bộ TT-TT cho rằng khó khăn lớn nhất là thay đổi thói quen và có nhận thức đúng để CĐS có thể được nhân rộng. Theo ông Dũng, sự kiện tuần lễ CĐS hôm nay cũng là cách để nâng cao nhận thức về CĐS. Ông hy vọng rằng đây sẽ tiếp tục là hoạt động thường niên để khu vực thúc đẩy việc nâng cao nhận thức và thói quen của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn về CĐS.
“Bộ TT-TT và cá nhân tôi sẽ luôn đồng hành, sát cánh cùng và các tỉnh miền Tây trong hành trình CĐS, thúc đẩy công nghiệp công nghệ số thời gian tới. Trong cuộc họp với lãnh đạo Sở TT-TT các tỉnh ĐBSCL hôm 17.5, Bộ và các Sở TT-TT đã thống nhất 23 điểm để đẩy mạnh CĐS ở các tỉnh trong năm 2023 và các năm tiếp theo. Mỗi năm sẽ có cuộc họp kiểm điểm và sơ kết công việc CĐS để thấy được những việc làm được, chưa được và rút kinh nghiệm trên đường phát triển của các tỉnh trong vùng”, Thứ trưởng Bộ TT-TT khẳng định.
Phát biểu khai mạc tuần lễ CĐS, ông Đồng Văn Thanh, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: “Tiếp nối những thành công trong năm 2022, hôm nay, UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp với Hội Tin học TP.HCM long trọng tổ chức tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2023. Với sự tham dự của 25 tỉnh/thành phố; sự có mặt của nhiều chuyên gia, diễn giả, đại biểu đến từ các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo của các tỉnh, thành phố; đặc biệt là sự có mặt của hàng trăm doanh nghiệp cho thấy quyết tâm phối hợp của lãnh đạo tỉnh Hậu Giang và các tỉnh trong CĐS”.
Theo ông Thanh, tỉnh Hậu Giang đã hoàn thành và đưa vào vận hành hiệu quả các nền tảng dùng chung thiết yếu. Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh, Ứng dụng di động Hậu Giang (Hau Giang App) được nhiều người dân sử dụng và đánh giá cao. Tỉnh đã thành lập hơn 600 tổ công nghệ số cộng đồng tại tất cả các ấp, khu vực trên địa bàn tỉnh với hơn 4.000 thành viên tham gia để hỗ trợ cho người dân tham gia CĐS.
Đặc biệt, Hậu Giang đã thành lập Khu công nghệ số tỉnh với quy mô 28,5ha… Qua đó đã tạo nhiều chuyển biến tích cực trong công tác quản lý điều hành của 3 cấp chính quyền; tạo môi trường giao tiếp khoa học và hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước với nhau, cũng như giữa người dân và doanh nghiệp với chính quyền; góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch và tăng mức độ hài lòng của người dân với chính quyền. Từ đó đã tăng đáng kể các chỉ số về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh và CĐS của tỉnh.
Tính đến chiều 18.5, tuần lễ CĐS và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Hậu Giang đã thu hút hàng ngàn lượt khách tham dự. Ngoài lượng khách tham quan, khách mời của sự kiện còn có hơn 60 chuyên gia, diễn giả hàng đầu về CĐS, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến từ các bộ ngành trung ương; các cơ quan quản lý nhà nước; các hiệp hội, hội ngành nghề; các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang, TP.HCM và các tỉnh thành khác.
Khu trải nghiệm, trưng bày CĐS và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là hoạt động được diễn ra xuyên suốt trong 2 ngày với gần 90 gian hàng (tăng gấp 4 lần so với năm 2022). Cụ thể, có 40 gian hàng trưng bày các sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các sản phẩm OCOP; gần 50 gian hàng giới thiệu các thiết bị công nghệ, các sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số uy tín đến từ các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp khắp cả nước.
Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM (HCA) chia sẻ: “Qua một năm đồng hành cùng tỉnh Hậu Giang, HCA hiểu thêm và thấy được sự quyết tâm, khát vọng của lãnh đạo tỉnh trong việc thúc đẩy các hoạt động CĐS nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Đặc biệt là doanh nghiệp, người dân đã bắt đầu có ý thức, mong muốn được tham gia vào quá trình CĐS. Chính những kết quả bước đầu này đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển các thành phần kinh tế của tỉnh nhà. Hậu Giang là một tỉnh còn rất nhiều khó khăn nhưng đã đạt được nhiều kết quả đáng trân trọng thông qua tăng trưởng vượt bậc về GRDP và các chỉ số kinh tế xã hội”.