Năm 2020, các trường ĐH mở rộng thêm các phương thức xét tuyển mới, đồng thời tăng chỉ tiêu của các phương thức xét tuyển khác ngoài điểm thi tốt nghiệp THPT.

Các trường ĐH mở rộng phương thức tuyển sinh, trường CĐ nghề lo lắng

14/05/2020, 10:02

Năm 2020, các trường ĐH mở rộng thêm các phương thức xét tuyển mới, đồng thời tăng chỉ tiêu của các phương thức xét tuyển khác ngoài điểm thi tốt nghiệp THPT.

Kỳ thi THPT 2020 các trường ĐH mở rộng phương thức xét tuyển

Các trường ĐH mở rộng xét tuyển, trường nghề lo lắng

Năm nay, các thí sinh vẫn được đăng ký xét tuyển ĐH không giới hạn nguyện vọng. Trong khi đó, các trường cũng đưa ra rất nhiều phương thức tuyển sinh để các thí sinh lựa chọn. Đa phần các trường có 3-5 phương thức xét tuyển như: xét tuyển thẳng, xét học bạ và xét kết quả thi tốt nghiệp.

Việc bổ sung thêm hình thức học bạ hay tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng hình thức này sẽ tạo nhiều cơ hội trúng tuyển cho thí sinh. Tuy nhiên, việc xét tuyển bằng hình thức này vẫn còn nhiều băn khoăn bởi chất lượng đào tạo ở bậc phổ thông còn chưa được kiểm soát chặt chẽ, cách xét tuyển như vậy có thể tạo ra sự mất công bằng.

Trao đổi với báo chí, TS Lê Lâm - Hiệu trưởng trường CĐ nghề Đại Việt Sài Gòn cho biết, khó khăn trong vấn đề tuyển sinh năm 2020 mà các trường nghề phải đối mặt là việc lo không tuyển đủ chỉ tiêu.

"Xu hướng lựa chọn vào các trường CĐ nghề trong những năm gần đây của các em học sinh được định hình rõ nét hơn nhưng xét theo bối cảnh chung thì đa số các em vẫn ưu tiên đăng ký vào các trường ĐH trước. Nếu không trúng tuyển vào trường nào mới rẽ hướng sang trường nghề. Nhu cầu thị trường lao động hiện nay cần đủ các trình độ từ sơ cấp, trung cấp, CĐ đến ĐH... và các em nên lựa chọn bậc học nào phù hợp với mình để có thể trở thành một lao động có tri thức, có kỹ năng cần thiết trong xã hội hiện đại".

Trong thời gian qua, các trường nghề đã cố gắng “làm mới” mình bằng việc đẩy mạnh chất lượng đào tạo. Một số trường còn mở rộng liên kết với các trường quốc tế, nhập khẩu chương trình đào tạo theo chuẩn nghề của khu vực ASEAN và thế giới, cam kết đầu ra việc làm với sinh viên... Nhưng khó khăn trong nguồn tuyển vẫn là mối lo chung của nhiều trường, đặc biệt khi các hình thức tuyển sinh của các trường ĐH được mở rộng ra bằng hình thức xét tuyển học bạ.

Các trường ĐH tổ chức nhiều đợt tư vấn để các học sinh hiểu rõ hơn về môi trường học

Các trường ĐH cẩn trọng với việc xét tuyển học bạ

Đưa ra quan điểm về việc các trường ĐH sử dụng phương thức xét tuyển học bạ, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng không nên hoàn toàn tin vào trình độ học của học sinh qua quá trình xét tuyển học bạ.

"Nhiều địa phương vẫn ưu tiên việc cho điểm học sinh cao với mục đích dành cho kỳ thi tốt nghiệp nhưng thực chất khả năng của học sinh đó không đúng như vậy. Các trường nên chuẩn bị thêm các phương án so sánh giữa học bạ và phổ điểm để lựa chọn chính xác các thí sinh thật sự có năng lực thông qua kỳ thi tốt nghiệp năm 2020".

GS Trần Thị Vân Hoa, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho biết trường dành nhiều chỉ tiêu để tuyển thẳng, xét tuyển thí sinh tham gia thi học sinh giỏi quốc gia, cấp tỉnh, thành phố và hệ chuyên. Những thí sinh này đều thuộc tốp đầu nên có thể tự tin về chất lượng. Trường cũng xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập THPT dành cho hệ chuyên và hệ không chuyên, xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả kỳ thi THPT quốc gia.

Khẳng định các trường ĐH tốp đầu vẫn có thể tuyển được đủ thí sinh thông qua nhiều hình thức khác nhau, GS.TS Tạ Thành Vân - Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội cho biết: "Kỳ thi diễn ra an toàn và nghiêm túc thì các trường có thể sử dụng kết quả thi một cách an tâm. Năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT giao trách nhiệm cho địa phương nên cần tăng cường giám sát để phòng ngừa những điều không mong muốn xảy ra. Các trường xét học bạ cũng cần dựa trên phổ điểm thi, đồng thời sử dụng thêm các hình thức khác để lựa chọn các thí sinh phù hợp với tiêu chí của mình".

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang lên các phương án cụ thể để giám sát chặt chẽ các khâu của kỳ thi, đặc biệt là công tác coi thi, chấm thi tại các địa phương. Năm nay Bộ sẽ đối sánh kết quả thi tốt nghiệp với điểm trong học bạ của học sinh, qua đó có thể đánh giá đúng hơn chất lượng giáo dục phổ thông và tính trung thực trong tổ chức kỳ thi của địa phương.

Đề thi năm nay vẫn sẽ có sự phân hóa phù hợp để phân loại đối tượng học sinh giỏi, khá, trung bình, yếu. Tuy phân hóa mức độ khó có giảm so với các năm trước nhưng vẫn bảo đảm được phân loại học sinh nên các trường ĐH, CĐ có thể sử dụng kết quả để tuyển đầu vào, đặc biệt đối với các trường sử dụng kết quả học bạ làm phương thức tuyển sinh.

Bài và ảnh: Dạ Thảo

Bài liên quan
Bộ GD-ĐT dự kiến siết xét tuyển đại học bằng học bạ
Ngày 22.11, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó, có nhiều điểm mới về xét tuyển sớm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
2 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các trường ĐH mở rộng phương thức tuyển sinh, trường CĐ nghề lo lắng