Các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng được chuẩn bị rất công phu, bài bản, chu đáo, qua nhiều lần, nhiều vòng...

Các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng được chuẩn bị rất công phu, bài bản

PV | 25/01/2021, 06:00

Các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng được chuẩn bị rất công phu, bài bản, chu đáo, qua nhiều lần, nhiều vòng...

>> 25.1 là ngày làm việc đầu tiên của Đại hội XIII

Từ ngày 25.1-2.2.2021 tại Thủ đô Hà Nội sẽ diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trên Báo điện tử Đảng Cộng sản, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, cho biết các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng bao gồm: Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm, cùng với các báo cáo chuyên đề là Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Theo ông Võ Văn Thưởng, các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng được chuẩn bị rất công phu, bài bản, chu đáo, qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn thiện; quát triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển...

Về nhận thức, dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII lần này đã phân tích, đánh giá, tạo sự thống nhất cao trong nhận định về những kết quả, thành tựu đã đạt được, những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm được rút ra từ tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020.

Về tầm nhìn, dự thảo Văn kiện đã cập nhật kịp thời những diễn biến mới nhất của tình hình trong nước và thế giới, phân tích, dự báo có cơ sở khoa học về tình hình và xu hướng phát triển của thế giới và đất nước trong giai đoạn mới, tạo cơ sở cho việc xác định các mục tiêu phát triển trong 5 năm, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045.

Về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, dự thảo Báo cáo chính trị lần này dành ra một mục riêng là quan điểm chỉ đạo với 5 nội dung quan trọng, có bổ sung, làm rõ hơn một số nội dung của các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo mà Đảng ta đã đề ra và từng bước hoàn thiện qua các kỳ Đại hội. Đặc biệt, đã nhấn mạnh không chỉ “kiên định và vận dụng” mà còn phải phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; khẳng định cần phải “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc…, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam”…

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp, dự thảo đã đề ra 12 định hướng phát triển đất nước trong thời kỳ chiến lược 10 năm 2021 – 2030, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược và các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đổi mới, phát triển các ngành, lĩnh vực cụ thể với những nội dung mới, quan trọng. Dự thảo lần này đã điều chỉnh, xác định rõ, chuẩn xác hơn mối quan hệ giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Đồng thời bổ sung mối quan hệ mới là giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Dự thảo lần này đã bổ sung, cụ thể hóa ba đột phá chiến lược do Đại hội XI, XII của Đảng xác định cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới.

Sáng nay (25.1.2021), tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thủ đô Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng bắt đầu ngày làm việc đầu tiên.

Đầu giờ sáng nay (25.1), các đại biểu đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam. Tiếp đó, đoàn đại biểu tham dự Đại hội cũng đến đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.

Theo ông Mai Văn Chính, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, trong số 1.587 đại biểu về dự Đại hội, số đại biểu đương nhiên chiếm tỷ lệ 12,04%, đại biểu được bầu tại các đại hội Đảng bộ trực thuộc Trung ương chiếm tỉ lệ 87,02%, đại biểu chỉ định chiếm tỷ lệ 0,95%, đại biểu nữ chiếm tỷ lệ 13,99%, đại biểu là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 11,03%...

Theo chương trình của Đại hội, Đại hội lần này sẽ tập trung kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng gắn với đánh giá kết quả 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020; đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045; kiểm điểm công tác xây dựng Đảng và sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, xác định phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ mới; đánh giá việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XII; bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Công tác tổ chức, phục vụ Đại hội lần này có một số điểm mới và được bổ sung để phù hợp với tình hình dịch COVID-19. Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, toàn bộ các đại biểu tham dự Đại hội và khách mời được bố trí ăn, nghỉ theo đoàn, tập trung trong suốt quá trình diễn ra Đại hội tại các khách sạn, nhà khách gần địa điểm tổ chức hội nghị (Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình, Hà Nội). Đại biểu không ăn, nghỉ ở bên ngoài hoặc nhà riêng, trừ một số trường hợp có quy định riêng.

Công tác chăm sóc sức khỏe đại biểu cũng được Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội đặc biệt quan tâm; Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội đã xây dựng các phương án chi tiết, cụ thể về y tế để bảo đảm cao nhất an toàn sức khỏe của đại biểu và khách mời dự Đại hội. Bên cạnh đó, Tiểu ban cũng đã chỉ đạo chuẩn bị chu đáo các phương án bố trí các phòng chức năng, hội trường phục vụ Đại hội trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19; bảo đảm trang thiết bị, máy tính, máy in, máy photocopy phục vụ tài liệu cho đại biểu tại Hội trường Đại hội; tổ chức phương tiện kỹ thuật để hỗ trợ việc kiểm phiếu; bảo đảm an toàn hệ thống thiết bị điện, phòng, chống cháy nổ; hệ thống an ninh mạng công nghệ thông tin...

Theo ông Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung tâm báo chí phục vụ Đại hội XIII của Đảng bảo đảm tốt nhất các điều kiện cho gần 500 phóng viên, kỹ thuật viên của 191 cơ quan báo chí trong nước; hơn 60 phóng viên của 26 hãng thông tấn, báo chí nước ngoài tác nghiệp trực tiếp và gần 100 phóng viên của 84 hãng thông tấn, báo chí nước ngoài tác nghiệp trực tuyến, theo dõi và đưa tin về Đại hội.

Theo chương trình, Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng sẽ diễn ra từ ngày 25.1 đến 2.2.2021.

TTXVN


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng được chuẩn bị rất công phu, bài bản