Có một câu hỏi rằng tại sao tổ tiên của chúng ta hàng triệu năm trước bỗng nhiên chuyển sang di chuyển bằng hai chân, trong khi nhiều loài vượn khác vẫn tiếp tục đi bằng bốn chân.
Từ lâu, nhiều khoa học tin rằng các vụ sét đánh cách đây hàng triệu năm, làm thay đổi môi trường sống của vượn người nguyên thủy khi những cánh rừng bị cháy khiến con người phải chuyển sang di chuyển bằng hai chân thay vì bốn chân. Cụ thể, khi cánh rừng bị thay thế bằng đồng cỏ, tổ tiên của chúng ta phải di chuyển từ cây này sang cây khác bằng cách đứng thẳng để có thể quan sát động vật ăn thịt đang rình rập trong những đám cỏ cao.
Nhờ di chuyển bằng hai chân, loài vượn người đã đạt được hàng loạt tiến hóa trong trí thông minh để sinh tồn và trở thành chúng ta ngày nay.
Tuy nhiên, nguyên nhân của việc xuất hiện nhiều tia sét hàng triệu năm trước hiện vẫn chưa rõ và giờ đây các nhà khoa học đã đưa ra một lý thuyết giải thích cho hiện tượng này.
Theo một nhóm nhà khoa học Mỹ thì hàng triệu năm trước, một loạt các ngôi sao ở góc dải Ngân hà của chúng ta đã phát nổ vào khoảng 7 triệu năm trước và kéo dài chu kỳ này trong hàng triệu năm tiếp theo. Các siêu tân tinh này tạo ra những làn sóng bức xạ khổng lồ và Trái đất phải nhận một phần số bức xạ này. Theo các số liệu, mức bức xạ cao đến Trái đất đạt đỉnh vào khoảng 2,6 triệu năm trước.
Theo các nhà khoa học Mỹ, khi các tia vũ trụ đập vào trái đất, chúng làm ion hóa bầu khí quyển và khiến nó trở nên dẫn điện hơn. Điều này có thể đã làm tăng tần suất của các vụ sét đánh, tạo ra các đám cháy dữ dội hoành hành khắp các khu rừng châu Phi và mở đường cho đồng cỏ phát triển mạnh, họ viết trên Tạp chí khoa học Địa chất (Journal of Geology).
Việc ít cây hơn, khiến tổ tiên chúng ta khó khăn hơn trong việc di chuyển từ cây này sang cây khác và chúng đã phải tiến hóa bằng cách đi thẳng để có thể di chuyển nhanh hơn, nhìn thấy được kẻ thù từ xa hơn để sinh tồn.
Điều này phù hợp với việc loài vượn người đầu tiên được tìm thấy có niên đại ít nhất 6 triệu năm là loài Sahelanthropus, được phát hiện ở Chad.
Một trong những tác giả của nghiên cứu, ông Adrian Melott từ Đại học Kansas cho hay là bà con xa của chúng ta trước đó đã có đứng thẳng, nhưng tác động biến đổi khí hậu từ những vụ nổ siêu tân tinh khiến tổ tiên của chúng ta phải tăng cường di chuyển bằng hai chân nhiều hơn và dần chỉ di chuyển bằng hai chân như ngày nay.
Theo tính toán, một ngôi sao phát nổ cách Trái đất khoảng 164 năm ánh sáng sẽ làm tăng sự ion hóa của khí quyển gấp 50 lần. Việc bầu khí quyển bị ion hóa cao độ hơn khiến sét dễ hình thành hơn rất nhiều.
Thiên Hà (theo The Guardian)