Các DNNN sẽ vẫn được thừa nhận là động lực giữ vai trò quan trọng nhất trong phát triển kinh tế ở Trung Quốc, và được tiếp tục được nhận thêm ưu đãi bất chấp biệt danh “xác sống” (zombie) mà ngày càng nhiều DNNN đang phải chấp nhận.

Cải cách dưới thời ông Tập Cận Bình khó thành giữa vòng vây 'xác sống'

10/07/2016, 06:13

Các DNNN sẽ vẫn được thừa nhận là động lực giữ vai trò quan trọng nhất trong phát triển kinh tế ở Trung Quốc, và được tiếp tục được nhận thêm ưu đãi bất chấp biệt danh “xác sống” (zombie) mà ngày càng nhiều DNNN đang phải chấp nhận.

Phân nửa thời gian của năm 2016 đã trôi qua, và những người vẫn kỳ vọng sẽ được chứng kiến những bước đi đầu tiên của một cuộc cải cách kinh tế diễn ra ở Trung Quốc trong năm 2016 có lẽ đang rất thất vọng. Cuộc chiến chống tham nhũng rầm rộ ở Trung Quốc vẫn đang tiếp tục diễn ra, trong khi đó dấu hiệu dù là nhỏ nhất về cải cách kinh tế của chính phủ nước này thì vẫn hoàn toàn vắng bóng.

Tất cả những gì quan trọng nhất diễn ra trong nền kinh tế Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2016, đang cho thấy một xu hướng rất rõ rệt: thay vì chọn cách dần chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chính phủ Trung Quốc đang làm mọi cách để mô hình kinh tế dựa vào xuất khẩu và đầu tư công hiện nay tiếp tục tồn tại. Thời gian dành cho Trung Quốc không còn nhiều, nhưng có lẽ quốc gia này sẽ không thể cải cách kinh tế dưới thời của chủ tịch Tập Cận Bình.

Sáu tháng đầu năm 2016 chắc chắn là một khoảng thời gian thất bại với kinh tế Trung Quốc, ít nhất là trên khía cạnh chuyển đổi mô hình kinh tế mà chính phủ nước này đã đề ra, từ mô hình kinh tế dựa vào xuất khẩu và đầu tư công sang mô hình tăng trưởng dựa vào tiêu dùng nội địa.

Sáu tháng đầu năm 2016 là khoảng thời gian mà thế giới lần đầu chứng kiến cơn lũ hàng hóa Trung Quốc tràn ra, xâm nhập và nhấn chìm rất nhiều nền kinh tế trên khắp thế giới thông qua con đường xuất khẩu một cách dữ dội đến thế. Đứng trước sức ép từ tình trạng dư thừa công suất, Trung Quốc đã tìm mọi cách để bán tống những sản phẩm dư thừa trong các ngành sản xuất của mình, từ thép cho đến các sản phẩm dệt may.

Vào thời điểm mà cả thế giới đều tưởng rằng Trung Quốc sẽ chuyển sang mô hình dựa vào tiêu dùng nội địa, thì cũng là lúc cơn bão xuất khẩu của Trung Quốc đạt mức cực đại.

Một điều chắc chắn rằng, Trung Quốc đã gần như không có một động thái mang tính cải cách kinh tế nào trong 6 tháng đầu năm 2016. Trong phần lớn khoảng thời gian đó, mọi nỗ lực quy mô nhất của chính phủ nước này đều được tập trung cho các chính sách hỗ trợ hàng hóa xuất khẩu để giải quyết tình trạng dư thừa công suất. Các doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm nhận được ngày càng ít vốn đầu tư từ các ngân hàng hơn, trong khi lại được chủ tịch Tập Cận Bình thường xuyên nhắc nhở cần trung thành với Nhà nước và chính phủ.

Trong khi đó, dòng vốn hỗ trợ cho khu vực kinh tế quốc doanh bao gồm các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vốn có hiệu năng kém thì lại tiếp tục gia tăng mạnh. Những tin đồn về việc quyền điều hành nền kinh tế từ chính phủ của thủ tướng Lý Khắc Cường đang được chuyển sang các ủy ban điều hành kinh tế trực thuộc chủ tịch Tập Cận Bình có vẻ như ngày càng có nhiều cơ sở hơn.

Những gì đang diễn ra trong khu vực kinh tế quốc doanh như một nỗ lực cải cách các tập đoàn và DNNN của Trung Quốc đang thể hiện rất rõ xu hướng này. Chính sách mới nhất của Tập Cận Bình đối với đòi hỏi cải cách các DNNN do sự yếu kém của khu vực này, là gia tăng sự kiểm soát của Đảng như một biện pháp chính trị, thay vì tái cấu trúc và tăng cường hiệu quả hoạt động của các DNNN này như những giải pháp mang tính điều hành.

Cụ thể, một số tập đoàn và DNNN lớn nhất Trung Quốc đang bắt đầu sửa đổi điều lệ của mình để các quan chức được ủy nhiệm của CPC (đảng Cộng sản Trung Quốc) tăng khả năng giám sát tại chỗ, điển hình là tập đoàn sản xuất ô tô FAW Car Co., tập đoàn sản xuất sợi Sinoma Science&Technology Co., và tập đoàn khai khoáng Tibet Mineral Development Co. Trong đó, các giám đốc điều hành của những tập đoàn này sẽ phải trình bày các vấn đề quản lý công ty trước đảng ủy nội bộ công ty, và lắng nghe những sự góp ý từ phía phái viên được ủy nhiệm đến giám sát từ CPC.

Xu hướng gia tăng quyền kiểm soát, lãnh đạo và điều hành của CPC trong các vấn đề quản lý và điều hành các DNNN như một biện pháp để tăng cường hiệu quả hoạt động của các tập đoàn và DNNN, đã được các quan chức cấp cao của Trung Quốc thừa nhận.

Xu Baoli, một quan chức cao cấp của Ủy ban nhà nước về giám sát và quản trị tài sản quốc gia, tuyên bố: “Các quan chức của CPC đang tăng cường can thiệp vào hoạt động của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước”. Xu Baoli cũng cho biết thêm: “Trước đây có khá nhiều trường hợp các tập đoàn và DNNN từ chối sự can thiệp thô bạo này, nhưng giờ thì tình hình đã khác, và tôi nghi ngờ điều đó có thể tiếp tục duy trì trong tương lai”.

Thực tế là hầu hết các tập đoàn và DNNN ở Trung Quốc những năm qua đều thiết lập những ủy ban, trong đó người lãnh đạo tập đoàn và DNNN thường là bí thư của ủy ban này, nhưng việc trung ương đích thân giới thiệu các quan chức đến can thiệp vào hoạt động của tập đoàn và DNNN là điều hiếm khi xảy ra, và các giám đốc vẫn có những quyền độc lập nhất định trong điều hành và quản lý công ty. Nhưng điều này giờ đây đã thay đổi.

Việc cử những giám sát viên được ủy nhiệm đến ủy ban điều hành của các tập đoàn và DNNN của Tập Cận Bình vì thế đang được xem như một vấn đề chính trị, trong đó sự gia tăng kiểm soát của CPC với các tập đoàn và DNNN, thay vì tái cấu trúc hoạt động các doanh nghiệp này theo hướng tăng hiệu quả kinh tế. Shen Jianguang, kinh tế trưởng tại khu vực châu Á của Mizuho Securities Asia Ltd, cho biết về động thái mới nhất này của chính phủ Trung Quốc: “Lợi ích chính trị quốc gia vẫn đang được ưu tiên hơn là lợi ích kinh tế”.

Đây có thể được xem như bước đi tiếp theo trong việc thâu tóm quyền lực của Tập Cận Bình trong lĩnh vực kinh tế quốc doanh với các tập đoàn và DNNN, sau khi đã làm điều tương tự thông qua chiến dịch chống tham nhũng rầm rộ và quy mô của mình.

Chắc chắn một điều rằng, ý tưởng về cải cách kinh tế Trung Quốc của Tập Cận Bình không bao gồm việc giảm vai trò chi phối nền kinh tế của khu vực kinh tế quốc doanh. Trong bài phát biểu hôm 8.7 ở hội nghị về cải cách doanh nghiệp nhà nước, ông Tập đã tuyên bố thẳng thừng: “Doanh nghiệp nhà nước là động lực chính để thúc đẩy sức mạnh toàn diện của đất nước và bảo vệ lợi ích chung của nhân dân. Chúng ta nên khiến nó trở nên lớn hơn, tốt hơn và mạnh mẽ hơn với sự tin tưởng tuyệt đối”.

Và ngay sau hội nghị, chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố sẽ xem xét cung cấp một gói hỗ trợ tài chính mới cho khoảng 10 tập đoàn và DNNN lớn nhất, trong đó có tập đoàn thép Trung Quốc SinoSteel Corp. Nói cách khác, Trung Quốc sẽ không đi theo một chính sách cải cách hướng về phía kinh tế thị trường, trong đó giảm vai trò của các DNNN và buộc khu vực kém hiệu quả này phải tái cấu trúc để tăng cường hiệu quả hoạt động. Thay vào đó, các DNNN sẽ vẫn được thừa nhận là động lực giữ vai trò quan trọng nhất trong phát triển kinh tế ở Trung Quốc, và được tiếp tục được nhận thêm ưu đãi bất chấp biệt danh “xác sống” (zombie) mà ngày càng nhiều DNNN đang phải chấp nhận.

Việc vẫn duy trì vị trí và quyền lợi của các DNNN có thể xem như một sự tuyên bố dứt khoát của ông Tập về chính sách kinh tế của Trung Quốc trong thời gian sắp tới: sẽ chẳng có một cuộc cải cách kinh tế hướng đến kinh tế thị trường nào hết. Có lẽ đã đến lúc người Trung Quốc buộc phải thừa nhận một sự thật cay đắng: quốc gia này sẽ không thể có một cuộc cải cách kinh tế nào hết dưới thời Tập Cận Bình. Và thời gian của kinh tế Trung Quốc thì dường như không còn nhiều.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
8 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cải cách dưới thời ông Tập Cận Bình khó thành giữa vòng vây 'xác sống'