Bạo lực súng đạn vẫn đang là vấn đề của nước Mỹ và gần đây nó ngày càng trở nên nghiêm trọng, khi mỗi năm súng cướp đi mạng sống của số lượng người đủ để tạo thành một sư đoàn lính.
Thế nhưng, ngăn chặn súng đạn quả là điều khó khi hiến pháp của Mỹ quy định "quyền tự do" sở hữu súng của người dân. Kết quả là trong dư luận Mỹ đang tạo ra 2 phe đối lập trong cách giải quyết vấn đề bạo lực súng đạn.
Một phe, trong đó có sự ủng hộ của bà Hillary Clinton, muốn súng phải được kiểm soát nghiêm ngặt hơn để tránh các tình huống đáng tiếc có thể xảy ra. Phe còn lại đứng đầu là Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA) và ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump lại muốn "lấy độc trị độc" để kiểm soát bạo lực súng đạn.
Theo đó, hồi năm 2012, Phó chủ tịch điều hành NRA ông Wayne Lapierre đã nói rằng: "Cách duy nhất để ngăn chặn một kẻ xấu được trang bị súng là một người tốt cũng có súng trong tay".
Quan điểm của ông Wayne Lapierre được "nâng cấp" lên từ phát ngôn của ông Donald Trump khi cho rằng, đáng lý ra các giáo viên phải được trang bị súng và mọi người nên đi vào các quán bar với một khẩu súng trên tay. Với sự phòng hờ "tuyệt đối" kể trên, theo ông Trump những vụ việc như xả súng tại trường học hay mới đây nhất là vụ tấn công quán bar ở Orlando, Florida sẽ không diễn ra, hoặc ít nhất là có diễn ra nhưng thiệt hại ít hơn vì kẻ thủ ác sẽ bị ngăn chặn kịp thời.
Quan điểm của ông Trump lẫn những người đứng đầu NRA là không mới, nhất là với những người nghiện các bộ phim bom tấn của Hollywood khi những anh hùng được vũ trang tận răng diệt trừ kẻ ác trước sự chứng kiến của cảnh sát.
Mới đây nhất, vụ tấn công tại Dallas cũng cho thấy một thực tế là cảnh sát được vũ trang khó lòng có thể tiêu diệt một kẻ được trang bị vũ khí tốt. Vụ việc chỉ kết thúc khi kẻ tấn công bị tiêu diệt bằng một robot mang bom được điều khiển từ xa sau nhiều giờ đấu súng với cảnh sát, để lại thiệt hại lớn là 5 sĩ quan cảnh sát chết, 7 cảnh sát khác bị thương và 2 dân thường bị thương nhẹ.
Những người ủng hộ ý tưởng "lấy độc trị độc" thường có khuôn mẫu trong thực tế để chứng minh luận điểm của mình. Ví dụ năm 2007, một tay súng giết chết 4 người tại một nhà thờ ở Colorado Springs, bang Colorado và bị "vô hiệu hóa" bởi Jeanne Assam - một người đang làm bảo vệ an ninh và cựu sĩ quan cảnh sát có mặt trong nhà thờ khi vụ xả súng xảy ra.
Một ví dụ khác vào năm 1997, một vụ xả súng tại một trường trung học ở Pearl, bang Mississippi đã kết thúc nhờ vào một phụ tá của hiệu trưởng ngôi trường trên, vốn là một quân nhân dự bị.
Tóm lại, đôi khi có những vụ xả súng tại Mỹ được kết thúc nhờ nỗ lực của những thường dân có vũ trang mà thông thường đã được đào tạo kỹ năng quân sự. Dù vậy, những trường hợp trên theo FBI chỉ là ngoại lệ, sau một nghiên cứu về những vụ xả súng từ năm 2000 đến năm 2013 trên khắp nước Mỹ.
Theo báo cáo của FBI, một vụ xả súng thông thường sẽ được kết thúc bởi chính kẻ thực hiện vụ tấn công. Trong 160 trường hợp xả súng được ghi nhận, có tới 90 vụ việc (56,3%) đã kết thúc khi thủ phạm tự sát, đầu hàng hoặc chạy trốn.
Đáng ngạc nhiên là số vụ xả súng được ngăn chặn bởi những dân thường không có vũ trang lại lên tới 21 vụ (13,1%) nhiều hơn gấp 4 lần số vụ được ngăn chặn bởi những thường dân có vũ trang (5 vụ, 3,1%). Đặc biệt, có 2 vụ xả súng (1,3%) mà thủ phạm tấn công bị thường dân có vũ trang tiêu diệt.
Chỉ có 45 vụ xả súng (28,1%) kết thúc bằng một màn đấu súng giữa các lực lượng thực thi pháp luật và thủ phạm. Trong đó, 34 trường hợp đấu súng kết thúc với việc thủ phạm bị giết chết hoặc bị thương, 9 trường hợp thủ phạm tự tử trước khi bị tiêu diệt và 2 trường hợp đầu hàng.
Rõ ràng theo báo cáo của FBI, những kẻ xấu với khẩu súng của mình hiếm khi bị ngăn chặn bởi người tốt có súng. Thậm chí, đa số vụ xả súng xảy ra một cách đơn phương từ phía kẻ thủ ác và chỉ có khoảng 30% số vụ được ngăn chặn bằng một màn đấu súng.
Ông Lapierre và những người ủng hộ lập luận rằng, nếu nhiều thường dân có súng hơn, các vụ xả súng sẽ nhanh chóng kết thúc hơn và do đó số nạn nhân sẽ giảm. Thực tế lại khác, thậm chí với những người đã được đào tạo bài bản như lực lượng SWAT việc gây thương tích cho dân thường trong những vụ xả súng là không thể tránh khỏi. Ví dụ trong vụ xả súng tại Orlando có khá nhiều nạn nhân bị chết do cảnh sát bắn trúng.
Thế nên, việc một người dân thường có súng nhưng thiếu luyện tập hoặc không được luyện tập đấu súng với những kẻ xả súng là điều cực kỳ nguy hiểm, khiến nhiều người có thể trở thành nạn nhân của pha đấu súng này.
Cuối cùng, đa số các nghiên cứu cho thấy rằng nhiều súng hơn đồng nghĩa với nhiều bất an hơn. Một nghiên cứu về hạn chế súng được thực hiện vào năm 2014 cho thấy việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát súng, cho phép người dân dễ dàng mua súng hơn không làm số lượng tử vong do súng giảm. Một nghiên cứu khác về số vụ tử vong liên quan tới súng tại 27 quốc gia được tiến hành vào năm 2013 cho thấy, nước nào có tỉ lệ sở hữu súng cao hơn thì có xu hướng chết vì súng đạn nhiều hơn. Tại Mỹ, các bang có tỉ lệ người sở hữu súng cao nhất cũng đồng thời là các bang có tỉ lệ người chết vì súng cao nhất.
Liza Gold - một giáo sư tâm thần học tại Đại học Georgetown nói rằng không có bằng chứng khoa học nào cho thấy phương cách "lấy độc trị độc" hiệu quả. "Nhiều giai thoại về việc thỉnh thoảng có một người nào đó ngăn chặn tội phạm bằng khẩu súng của mình. Ngược lại, nhiều bằng chứng mạnh mẽ rằng việc sở hữu một khẩu súng chỉ là tăng nguy cơ của những vụ giết người và tự tử cho các thành viên trong gia đình của chủ sở hữu khẩu súng gồm cả vợ và con người ấy", bà Gold nói.
Theo FBI, từ năm 2000 đến 2013 có tới 486 ca tử vong vì các vụ xả súng trên khắp nước Mỹ. Một con số đau lòng, nhưng lại quá nhỏ so với 13.286 trường hợp thiệt mạng do bạo lực súng đạn chỉ trong năm 2015. Hầu hết ca tử vong vì súng, lại là tự tử (chiếm 60%) và có tới 5% ca tử vong vì súng là do tai nạn.
Tóm lại, nhiều súng hơn không thể chặn bạo lực súng đạn tại Mỹ, điều này sẽ chỉ làm tăng các ca tử vong do súng tại nước này mà thôi.
Thiên Hà (theo QZ)