Trong những ngày qua, dư luận đang xôn xao xung quanh việc xây dựng nhà hát ước tính 1.500 tỉ tại Thủ Thiêm. Chưa biết nhà hát có được xây dựng giữa những luồng dư luận trái chiều hay không nhưng giả sử nếu hoàn thành thì nên chăng diễn vở kịch Vũ Như Tô ở đó?

Cái kết buồn đau của người xây Cửu Trùng đài xa hoa giữa lúc dân sống khổ

12/10/2018, 14:06

Trong những ngày qua, dư luận đang xôn xao xung quanh việc xây dựng nhà hát ước tính 1.500 tỉ tại Thủ Thiêm. Chưa biết nhà hát có được xây dựng giữa những luồng dư luận trái chiều hay không nhưng giả sử nếu hoàn thành thì nên chăng diễn vở kịch Vũ Như Tô ở đó?

Hình tượng Cửu trùng đài

Vũ Như Tô là vở kịch 5 hồi nổi tiếng do nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết năm 1941. Đây có thể coi là vở kịch kinh điển trong lịch sử sân khấu nước ta, đáng được diễn ở những nơi trang trọng nhất. Nội dung vở kịch này có lẽ nhiều người biết cả và cũng được từng trích trong SGK như sau:

Vũ Như Tô, một kiến trúc sư thiên tài, bị hôn quân Lê Tương Dực bắt xây dựng Cửu Trùng Đài để làm nơi hưởng lạc, vui chơi với các cung nữ. Vốn là một nghệ sĩ chân chính, gắn bó với nhân dân, cho nên mặc dù bị Lê Tương Dực doạ giết, Vũ Như Tô vẫn ngang nhiên chửi mắng tên hôn quân và kiên quyết từ chối xây Cửu Trùng Đài – (hồi I).

Đan Thiềm, một cung nữ đã thuyết phục Vũ Như Tô chấp nhận yêu cầu của Lê Tương Dực, lợi dụng quyền thế và tiền bạc của hắn, trổ hết tài năng để xây dựng cho đất nước một toà lâu đài vĩ đại “bền như trăng sao”, có thể “tranh tinh xảo với hoá công” để cho dân ta nghìn thu còn hãnh diện. Theo lời khuyên, Vũ Như Tô đã thay đổi thái độ, chấp nhận xây Cửu Trùng Đài. Từ đó, ông dồn hết tâm trí và bằng mọi giá xây dựng toà đài sao cho thật hùng vĩ, tráng lệ.

Ông đã vô tình gây biết bao tai hoạ cho nhân dân: Để xây dựng Cửu Trùng Đài, triều đình ra lệnh tăng thêm sưu thuế, bắt thêm thợ giỏi, tróc nã, hành hạ những người chống đối. Dân căm phẫn vua làm cho dân cùng, nước kiệt; thợ oán Vũ Như Tô bởi nhiều người chết vì tai nạn, vì ông cho chém những kẻ chạy trốn. Công cuộc xây dựng càng gần kề thành công thì mâu thuẫn giữa tập đoàn thống trị sống xa hoa, truỵ lạc với tầng lớp nhân dân nghèo khổ, giữa Vũ Như Tô với những người thợ lành nghề và người dân lao động mà ông hằng yêu mến càng căng thẳng, gay gắt (hồi II, III, IV). Lợi dụng tình hình rối ren và mâu thuẫn ấy, Quận công Trịnh Duy Sản – kẻ cầm đầu phe đối lập trong triều đình – đã dấy binh nổi loạn, lôi kéo thợ làm phản, giết Lê Tương Dực, Vũ Như Tô, Đan Thiềm. Cửu Trùng Đài bị chính những người thợ nổi loạn đập phá, thiêu huỷ.

Nhân vật Vũ Như Tô không phải hư cấu và sự kiện xây Cửu trùng đài cũng được ghi trong lịch sử. Vũ Như Tô (1476-1517) là một người thợ xây dựng tài ba thời Lê. Ông được cho là tác giả phác thảo kiến trúc của Cửu Trùng Đài và cung điện trăm nóc, một công trình kiến trúc cực kỳ tráng lệ trong Hoàng Thành Thăng Long, được mô tả là "tuy chưa hoàn thành mà bóng rợp nửa hồ Tây. Chỉ khác so với kịch là trong sử không ghi chép gì đến thái độ chống đối ban đầu của Vũ Như Tô mà chỉ nêu vai trò chủ đạo của Vũ Như Tô trong việc thiết kế và thi công Cửu trùng đài cũng như xây cung điện.

Khâm Định Việt sử thông giám cương mục chép "Trước đây, Vũ Như Tô một người thợ ở Cẩm Giàng, xếp cây mía làm thành kiểu mẫu cung điện lớn trăm nóc, dâng lên nhà vua; nhà vua bằng lòng phong cho Như Tô làm đô đốc đứng trông nom việc dựng hơn trăm nóc cung điện lớn có gác, lại khởi công làm Cửu trùng đài".

Nhưng dù Tô miễn cưỡng hay hào hứng xây công trình thì cũng đẩy người dân thời đó vào cảnh khổ thêm khổ. Đại Việt sử ký toàn thư bình luận: "Người thợ Vũ Như Tô làm điện lớn hơn trăm nóc, dùng hết tiền của và sức dân trong nước" và mô tả "Dân chúng đau khổ, binh lính mệt nhọc. Quân năm phủ đắp thành chưa xong được, đến đây lại có lệnh bắt các nha môn ở trong ngoài kinh thành phải làm, tập hợp nhau lấy hồ, khiêng đất. Vua hàng ngày bất thần ngự chơi các nơi, chỗ nào vừa ý thì thưởng cho bài vàng, bài bạc. Có chỗ đã làm xong lại phải làm lại, sửa đổi xây đắp lại, hết năm này qua năm khác, liên miên không dứt. Quân lính đắp thành mắc chứng dịch lệ đến một phần mười".

Binh lính và dân chúng đói khổ, các đại thần cũng nhiều người bất mãn. Nhân cơ hội, Trịnh Duy Sản giả mượn tiếng đi đánh giặc, mờ sáng ngày 7.4 âm lịch năm 1516, đem binh vào cửa Bắc Thần giết vua Tương Dực. Lúc đó, Nguyễn Hoằng Dụ đóng quân ở Bồ Đề, được tin Duy Sản giết vua, liền đem quân qua sông, đốt hết phố xá trong kinh thành. Điện, đài đều thành tro.

Vua Tương Dực cũng là vua giỏi nên mới từ chỗ lao tù để lật ngược thế cờ, phá bỏ ách thống trị của Uy mục đế bạo ngược. Nhưng đến khi lên ngôi thì chính Tương Dực lại mắc phải sai lầm của Uy Mục khi sống xa hoa, đẩy dân chúng vào thế khốn cùng. Sử chép bối cảnh khi đó tuy ngắn nhưng lại rất đắt qua 2 dòng:

Hạn hán; dân bị nạn đói to.

Khởi công dựng đại điện và cửu trùng đài

Việc xây Cửu trùng đài nếu trong lúc nước giàu dân mạnh thì không nói làm chi nhưng dân chúng đang khổ sau cái nạn Uy Mục mà lại phải khổ tiếp vì chuyện thổ mộc thì chẳng khác gì người chưa ốm dậy lại bắt đi gánh nước, không dùng đòn gánh chống lại thì cũng ngã quỵ mất. Chỉ vì Tương Dực không hiểu điều đó nên chịu kết cục đau thương.

Và đáng thương cho cả Vũ Như Tô trong vụ dân binh nổi loạn. Cương mục chép: “Nguyễn Hoằng Dụ đóng quân ở Bồ Đề, được tin Duy Sản bạo nghịch giết vua, liền đem quân qua sông, đốt hết phố xá trong kinh thành, chém Vũ Như Tô ở ngoài cửa thành. Lúc ấy Như Tô đương coi làm mấy nóc nhà đại điện chưa xong thì bị giết, mọi người đều chỉ trích chê cười, có người nhổ nước bọt vào thây của hắn”.

Kết cục vở kịch Vũ Như Tô

Lớp V

Vũ Như Tô - Đan Thiềm

ĐAN THIỀM - Ông Cả! Ông chạy đi! Ông có nghe tiếng gì không? Quân giặc đang tìm ông đấy, trốn đi!
VŨ NHƯ TÔ - Họ tìm tôi, nhưng có lý gì họ giết tôi. Tôi có gây oán gây thù gì với ai?
ĐAN THIỀM - Ông đừng mơ mộng nữa. Dân chúng nông nổi, dễ sinh tàn ác. Họ không hiểu công việc của ông. Tránh đi! Trốn đi! Đợi thời là thượng sách. Đừng để phí tài trời. Trốn đi!
VŨ NHƯ TÔ - Còn bà?
ĐAN THIỀM - Tôi ở đây. (Có tiếng quân reo dữ dội: Giết chết Vũ Như Tô, giết chết lũ cung nữ).
VŨ NHƯ TÔ, thản nhiên - Bà ở đây. Vậy tôi cũng ở đây, nguy biến ta cùng chịu.
ĐAN THIỀM - Không được! Tôi chết đi không thiệt hại cho đời. Còn ông, ông phải đi mới được. (Có tiếng nhà đổ, tiếng cửa đổ). Ông đi đi không thì không kịp (nàng chắp tay lạy). Tôi xin ông, ông nghe tôi trốn đi.
Có tiếng giày dép nhốn nháo. Bọn cung nữ hốt hoảng đi vào.

Lớp VI
Những người trên - Kim Phượng - Cung nữ

KIM PHƯỢNG , khóc lóc - Làm thế nào bây giờ? Cửa điện bị chúng phá rồi! Chúng đứng đầy ngoài sân (hỏi Đan Thiềm). Đây có cửa ra đằng sau không?
ĐAN THIỀM - Đến đây là đường cùng rồi! Đây là tử địa!
Cung nữ - Trời ơi!
ĐAN THIỀM, bảo Vũ Như Tô - Ông Cả ơi! Có trốn cũng không được nữa. Ông nguy mất (nàng khóc).
Quân khởi loạn kéo vào, gươm giáo sáng lòe.

Lớp VII
Những người trên.
Thêm Ngô Hạch và quân khởi loạn

Quân khởi loạn - Đây rồi! Vũ Như Tô! Lũ cung nữ!
NGÔ HẠCH - Quân bay, vào bắt lũ cung nữ trước.
Cung nữ, quỳ xuống - Trăm lạy tướng quân, trăm lạy tướng quân.
NGÔ HẠCH - Ta vâng tướng lệnh vào bắt các ngươi.
KIM PHƯỢNG , quỳ xuống - Chị em chúng tôi không có tội gì. Xin tướng quân sinh phúc. (Đan Thiềm bĩu môi thở dài). Kẻ hay xúc xiểm vua là ả kia (chỉ Đan Thiềm). Chính nó mê hoặc vua. Chính nó dan díu với Vũ Như Tô, làm uế tạp nơi cung cấm, chính nó là thủ phạm.
Cung nữ - Chính nó là thủ phạm.
ĐAN THIỀM - Lũ yêu quái không được đặt để nên nhời, tướng quân nên thấu cho. Tôi không sợ chết, nguyện xin được chết. Nhưng tôi không phải là con người bất chính, tôi nói thế không hổ với quỷ thần hai vai, không hổ với thanh thiên bạch nhật.
Cung nữ - Chính con Đan Thiềm là thủ phạm. (Nhìn lẳng lơ, bọn quân sĩ như bị quyến rũ).
NGÔ HẠCH - Ta đã biết! Quân bay vào bắt lấy gian phu dâm phụ.
ĐAN THIỀM - Tướng quân không nên nói thế.
VŨ NHƯ TÔ - Giết thì cứ giết, nhưng đừng nghi oan.
ĐAN THIỀM - Tướng quân nghe tôi. Bao nhiêu tội tôi xin chịu hết. Nhưng xin tướng quân tha cho ông Cả. Ông ấy là một người tài...
Quân khởi loạn, cười ầm - Thế mà còn mở mồm cãi. Mày chết để chồng mày sống à.
ĐAN THIỀM - Các ngươi chỉ nghĩ những điều quá quắt.
Quân khởi loạn - Chúng ông chỉ có thế, con đĩ già câm miệng.
NGÔ HẠCH - Trói cổ nó lại.
ĐAN THIỀM, quỳ xuống - Tướng quân tha cho ông Cả. Nước ta còn cần nhiều thợ tài để tô điểm.
NGÔ HẠCH, cười ha hả - Cần thợ tài để tô điểm. Để hao hụt công khố, để dân gian lầm than.
VŨ NHƯ TÔ - Đan Thiềm, bà đứng dậy. Sao bà lẩn thẩn thế, lạy cả một đứa tiểu nhân?
ĐAN THIỀM, đứng dậy - Tướng quân hãy nghe tôi, đừng phạm vào tội ác. Đừng giết ông Cả. Kẻo tướng quân mang hận về muôn đời! Tha cho ông Cả. Tôi xin chịu chết.
NGÔ HẠCH, truyền - Trói cổ con đĩ già lại.
ĐAN THIỀM - Tướng quân tha...
Quân khởi loạn, xúm vào trói nàng - Đừng nói nữa vô ích, con dâm phụ.
ĐAN THIỀM - ... Tha cho ông Cả.
NGÔ HẠCH, thấy Như Tô chạy lại - Trói thằng Vũ Như Tô lại. (Quân sĩ xông vào trói chàng có vẻ đắc ý).
ĐAN THIỀM, thất vọng - Chỉ tại ông không nghe tôi, dùng dằng mãi. Bây giờ... (nói với Ngô Hạch) Xin tướng quân...
NGÔ HẠCH - Dẫn nó đi, không cho nó nói nhảm nữa, rờm tai. (Quân sĩ dẫn nàng ra).
ĐAN THIỀM - Ông Cả! Đài lớn tan tành! Ông Cả ơi! Xin cùng ông vĩnh biệt. (Họ kéo nàng ra tàn nhẫn).

Lớp VIII
Những người trên, trừ Đan Thiềm

VŨ NHƯ TÔ - Xin đa tạ tấm lòng tri kỷ. Đan Thiềm, xin cùng bà vĩnh biệt. (Buồn rầu, trấn tĩnh ngay). Đời ta chưa tận, mệnh ta chưa cùng. Ta sẽ xây một đài vĩ đại để tạ lòng tri kỷ.
NGÔ HẠCH, chỉ bọn cung nữ bảo mấy tên quân - Dẫn họ về dinh ta đợi lệnh.
Mấy tên quân - Xin vâng lệnh (dẫn cung nữ ra).
VŨ NHƯ TÔ, khinh bỉ - Mi thực là một tên bỉ ổi. Sao trời lại để cho mi sống làm nhục cương thường!
NGÔ HẠCH - Dẫn thằng này về trình chủ tướng.
VŨ NHƯ TÔ, đầy hy vọng - Dẫn ta ra mắt An Hòa hầu, để ta phân trần, để ta giảng giải, cho người đời biết rõ nguyện vọng của ta. Ta tội gì. Không, ta chỉ có một hoài bão là tô điểm đất nước, đem hết tài ra xây cho nòi giống một tòa đài hoa lệ, thách cả những công trình sau trước, tranh tinh xảo với Hóa công. Vậy thì ta có tội gì? Ta xây Cửu trùng đài có phải đâu để hại nước? Không, không, Nguyễn Hoàng Du sẽ biết cho ta, ta không có tội và chủ tướng các người sẽ cởi trói cho ta để ta xây nốt Cửu trùng đài, dựng một kỳ công muôn thuở...
Quân sĩ, cười ầm - Câm ngay đi. Quân điên rồ, câm ngay đi không chúng ông vả vỡ miệng bây giờ. Mày không biết mấy nghìn người chết vì Cửu trùng đài, mẹ mất con, vợ mất chồng vì mày đó ư? Người ta oán mày hơn oán quỷ. Câm ngay đi.
VŨ NHƯ TÔ - ... Vài năm nữa, đài Cửu trùng hoàn thành, cao cả, huy hoàng, giữa cõi trần lao lực, có một cảnh Bồng lai...
Quân sĩ - Câm mồm!
VŨ NHƯ TÔ - ... xuất hiện...
Quân sĩ - Câm mồm! (Họ xúm vào vả miệng Vũ Như Tô).
VŨ NHƯ TÔ - Ta có thù oán gì với các ngươi?
NGÔ HẠCH - Dẫn nó ra pháp trường. Không để nó nói nhảm trước mặt chủ tướng mất thì giờ.
Quân sĩ - Ra pháp trường!
VŨ NHƯ TÔ - Không, dẫn ta ra mắt chủ tướng. Ta muốn nói chuyện với An Hòa hầu. Các người không hiểu được ta. (Có tiếng ầm ầm như long trời lở đất).
Mọi người - Cái chi nghe kinh người?
Một lũ quân vào.

Lớp IX
Những người trên. Thêm một lũ quân

NGÔ HẠCH - Chúng bay đi đâu?
Lũ quân - Bẩm tướng quân! Kinh thành phát hỏa!
NGÔ HẠCH - Ai ra lệnh ấy?
Một tên quân - Chính An Hòa hầu!
VŨ NHƯ TÔ - Chính An Hòa hầu! Thế Cửu trùng đài?
Lũ quân - Cửu trùng đài ư? Dã tràng xe cát! Cửu trùng đài sắp là một đống tro tàn!
VŨ NHƯ TÔ - Vô lý! Vô lý!
NGÔ HẠCH - Rõ quân ngu muội! Đến đầu mày chả chắc, nói chi đến Cửu trùng đài mà còn tin tưởng.
VŨ NHƯ TÔ - Đời ta không quý bằng Cửu trùng đài.
Quân sĩ - Giống vật không biết nhục.
NGÔ HẠCH - Dẫn nó đi. (Chợt có ánh lửa, sáng rực cả tàn than, bụi khói bay vào).
VŨ NHƯ TÔ, nhìn ra, rú lên - Đốt thực rồi! Đốt thực rồi! Ôi đảng ác! Ôi muôn phần căm giận! Trời ơi! Phú cho ta cái tài làm gì? Ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm! Ôi Cửu trùng đài! (Có tiếng hô vui vẻ: “Cửu trùng đài đã cháy!”).
Quân sĩ - Thực đáng ăn mừng.
VŨ NHƯ TÔ, chua chát - Thôi thế là hết. Dẫn ta đến pháp trường!

trích Vũ Như Tô (Nguyễn Huy Tưởng)

Anh Tú

Đọc thêm

Thử minh oan cho Trần Thủ Độ trong vụ thảm sát người họ Lý

Về lời nguyền của Lý Huệ Tông với nhà Trần: Giai thoại vụng về?

Nhà Trần ép người họ Lý đổi sang họ Nguyễn có thỏa đáng không?

Nhà Lê buộc họ Trần phải đổi sang họ Trình, khôi phục họ Lý

Bất hòa giữa Quách Quỳ và Triệu Tiết khiến quân Tống bại trận trên đất Việt

Sai lầm của vua Tống khi để Quách Quỳ làm chánh tướng

Quách Quỳ đã nướng quân chỉ vì thủy binh câu giờ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
18 phút trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cái kết buồn đau của người xây Cửu Trùng đài xa hoa giữa lúc dân sống khổ