Những dòng này được viết ra sau khi chiếc xe tang chở ông Phan Văn Khải từ từ lăn bánh rời khỏi thềm dinh Thống Nhất về nơi ông yên nghĩ lâu dài...
Cũng ngộ, là người có cảm tình với ông Phan Văn Khải, có nhiều nữa, mà nghe tin ông mất nỗi buồn trong tôi chỉ nhẹ nhẹ như nắng mai rơi trên lá sáng!
Đang coi truyền hình trực tiếp, bà xã tôi thốt lên: "Một đời ổng vinh quang quá!"
Đúng, theo ý nghĩa thông thường, ông Khải đã trải một cuộc đời vinh quang. Liên tục trong 30 năm ông thăng tiến từ vị trí cao cấp thành phố tới cấp trung ương để rồi là 15 năm làm Phó thủ tướng thường trực và Thủ tướng. Nhưng mà, ông có hiểu vinh quang theo ý nghĩa thông thường đó không?
Tôi nhìn vinh quang của ông Khải nằm ở chỗ, trong những người làm việc chung cơ quan với ông từ hồi ở thành phố hay lúc ra trung ương, rất nhiều người có kỷ niệm tốt với ông, về ông. Trong lòng họ là một anh, một chú Sáu Khải có trước có sau và tốt bụng!
Vinh quang của ông nằm ở chỗ nhiều người nhìn nhận rằng trong lãnh vực nào ông chịu trách nhiệm, ông cũng tận tụy. Ông cũng gợi ra các đổi mới theo hướng ủng hộ sự phát triển mạnh hơn và giảm phiền hà cho dân chúng, cho doanh nghiệp. Ông luôn lắng nghe, học hỏi.
Vinh quang của ông nằm ở chỗ những người có trách nhiệm nhìn nhận ông luôn suy nghĩ và làm việc cho sự phát triển quốc gia và bảo toàn lãnh thổ, và trong sự nghiệp đó ông có phần góp sức có ý nghĩa. Vẫn có những điều nhỏ và lớn ông không được như ý, nhưng tấm lòng và ý nguyện của ông hướng về đó. Khi ông lui bước, nền kinh tế Việt Nam có nhiều khoảng tự do phát triển cho kinh tế tư nhân; năm 2007 nền kinh tế Việt Nam có dự trữ ngoại hối 23 tỉ đô la Mỹ, nếu tính theo giá trị thuần với 6% một năm, và nếu đà tăng trưởng dự trữ này được tiếp tục trên nền tảng đó, dự trữ ngoại hối hiện nay có thể đã lên trên hai trăm tỉ đô la Mỹ. Khi ông lui bước, bộ máy hành chánh công ông để lại là một bộ máy nhìn chung dù chưa chắc có chuyên môn quản trị cao nhưng còn nhiều người trung thực, hoài bão phụng sự, được tuyển chọn độc lập với các mối quan hệ gia đình, thân tộc, phe nhóm... Những nhận xét này được chép lại không chỉ từ các người có vị trí trong chính quyền, mà cả từ những thầy cô giáo, công chức bình thường tại Hóc Môn mà người viết có dịp chuyện trò.
Vinh quang của ông nằm ở nơi cách ông sống khi về hưu. Cuộc sống giản dị, vẫn đóng góp mà né tránh xuất hiện không cần thiết trước đám đông. Hiển hiện nơi nụ cười hiền lành, cái bắt tay nồng ấm rồi siết một chút của lòng ân cần, chăm sóc...
Là người dân thường, hòa trong đám đông thầm lặng, tôi cảm nhận tình cảm nhiều người dân dành cho ông. Xin mời quý độc giả ở xa về thăm đất Củ Chi, nhất là vùng Tân Phú Trung, Tân Thông Hội để lắng nghe, để thấm cái gọi là lòng dân với một người thuận lẽ xuất xử. Từ anh xe ôm, nhà giáo, ông làm vườn, chủ trại rau... người nào biết tên ông đều mến thương. Một lần tìm mua miếng đất vườn Củ Chi, hai anh chị cò sau khi chỉ chọt một vài nơi giới thiệu tôi miếng đất khoảng 300 m2 kế nhà ông.
- Bác mua miếng kế bên nhà ông Khải đi. Mắc chút mà êm lắm!
- Thôi ông ơi, gần nhà ổng chắc có công an coi chừng, bảo vệ phiền phức, mình mất tự do...
- Bác tới đó rồi biết. Người ta làm thủ tướng tới chừng về nhà sống như dân. Đi chơi hàng xóm, ra đình uống nước. Ai cũng quý... Bác về đó ở lâu lâu qua nhà nói chuyện với ổng chơi...
Vậy đó, tôi thật lòng không quá buồn với tin ông Khải mất, khi hình bóng ông đã thành một phần bàng bạc trong nắng gió Củ Chi. Khi trong vinh quang của ông có những con đường tráng nhựa hay bê-tông, những luống đất rợp bóng hàng cau, giàn trầu, mái đình, vườn rau sạch... ấm áp nụ cười thân hữu, xóm giềng...
Lê Học Lãnh Vân (ngày 22 tháng 3 năm 2018)