Quy định "Cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe" của dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đã thu hút và gây nhiều tranh cãi trong dư luận thời gian qua.
Theo dòng thời sự

'Cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe' có hợp lý hay quá nghiêm khắc?

Tú Viên 03/12/2023 17:14

Quy định "Cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe" của dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đã thu hút và gây nhiều tranh cãi trong dư luận thời gian qua.

Trước đó, ngày 10.11, Bộ trưởng Công an Tô Lâm thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Điều 8 dự luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có "điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Đây cũng là căn cứ để lực lượng chức năng dừng phương tiện để kiểm tra, kiểm soát.

Tuy nhiên, theo một số thành viên Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội, việc cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở khi điều khiển xe là "quá nghiêm khắc và chưa phù hợp".

Vậy về phía người dân, họ nói sao về quy định này?

Trên Facebook cá nhân, luật sư Nguyễn Kiều Hưng chia sẻ “Ai sinh sống ở miền Nam nhiều năm, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng "văn hóa" ăn nhậu ở miền này. Vui cũng nhậu, buồn cũng nhậu, không buồn không vui cũng nhậu... Cứ có cớ là nhậu, ghiền quá, thì nghĩ ra cớ gì đó để nhậu. Nói chung, dân mà đã ghiền nhậu, thì một tuần không có cữ nào, chắc chết... Nhậu, tác hại của nó lớn lắm, kinh khủng lắm. Nguy cơ gây tai nạn giao thông chỉ là chuyện nhỏ, lớn hơn phải kể đến: phát sinh bệnh tật, lãng phí thời gian, tiêu tiền vô bổ, lao động làm ăn giảm năng suất, ảnh hưởng hạnh phúc gia đình...

m-.png
Kiểm tra nồng độ cồn đối với người đang lái xe - Ảnh: CTV

Tuy nhậu cũng có nhiều cái được, chẳng hạn giúp ngân sách có thêm khoản thu lớn từ rượu bia, thực phẩm, giải quyết công ăn việc làm..., nhưng cái hại rõ là nhiều hơn, lớn hơn. Thay đổi thói quen ăn nhậu là chủ trương đúng đắn. Chiến dịch kiểm tra nồng độ cồn đang cho thấy tình trạng nhậu nhẹt giảm hẳn, bằng chứng là nhà hàng, quán nhậu đói meo... Nếu vẫn duy trì đều đặn kiểu kiểm tra nồng độ cồn như hiện nay, một thời gian sau, chắc chắn sẽ có sự thay đổi lớn về "văn hóa" ăn nhậu.

Ông Hưng lấy dẫn chứng, Việt Nam đã từng có những chủ trương kinh điển, không ai nghĩ sẽ làm được, nhưng đã làm được, điển hình là cấm đốt pháo, buộc đội mũ bảo hiểm. Cấm cầm lái sau ăn nhậu, hiển nhiên là không khó.

"Tôi ủng hộ chủ trương này, dù là bản thân cũng thích chén chú chén anh, nói chuyện trên trời dưới đất, giải stress sau căng thẳng... Nhậu, chắc chắn sẽ khó bỏ. Nhưng thói quen ăn nhậu sẽ thay đổi. Nhậu sẽ phải có kế hoạch, có suy nghĩ, có cân nhắc, chứ không bừa bãi nữa. Nhà hàng rồi sẽ đông đúc lại thôi. Tin tôi đi. Đã thấy bạn bè tôi bắt đầu có những thay đổi dần dần. Mọi lý do lý trấu phản biện lại chủ trương tổng kiểm tra nồng độ cồn đều ngụy biện", ông Hưng nhấn mạnh.

Anh Vũ Nam làm nghề kinh doanh lại cho rằng việc chặn buộc thổi nồng độ cồn bừa bãi rất phản cảm, làm phiền người dân và khách du lịch. Đúng ra việc này chỉ nên làm khi tài xế có triệu chứng say xỉn, đi không vững hay mặt đỏ, hoặc có nguồn tin thông báo là tài xế vừa uống rượu bia. Nguồn tin có thể mai phục ở quán nhậu, đám cưới... rồi báo lại.

Theo anh Nam, việc cần làm hơn là đánh thuế cao đối với bia rượu, thuốc lá để giảm sự tiêu thụ đi. Đồng thời phải kiểm soát rượu do dân tự nấu để tránh đưa ra thị trường rượu kém chất lượng. Đỡ mất thời gian nhậu, tốn tiền, cũng tự khắc giảm tài xế say rượu lái xe.

Về phía chuyên gia giao thông, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho hay, thực tế hiện nay trên thế giới có nhiều quy định khác nhau về nồng độ cồn. Trong đó, có nước cấm tuyệt đối nhưng có nước vẫn cho một tỷ lệ giới hạn nhất định.

"Tôi cũng thích uống chút rượu, bia trong bữa ăn, liên hoan, nhưng quan điểm của tôi là phải cấm tuyệt đối tài xế uống rượu bia, có nồng độ cồn khi lái xe. Chỉ cần xác định nồng độ cồn phải xử lý và tùy theo nồng độ bao nhiêu sẽ phạt các mức khác nhau.

Thực tế, có những nước, nếu tài xế có nồng độ cồn vượt ngưỡng, dù chưa gây tai nạn, hậu quả nghiêm trọng vẫn có thể bị phạt rất nặng, thậm chí tái phạm sẽ bị phạt tù", ông Thanh nói, và chỉ rõ cần tiếp tục kiên trì làm quyết liệt vấn đề này.

Một người khác làm về lĩnh vực vận tải cũng đề nghị nên có mức giới hạn về nồng độ cồn với từng loại xe, nhưng cần thấp hơn quy định trước đây, bởi có trường hợp uống từ hôm trước, sáng hôm sau bị thổi thì vẫn khó về bằng 0.

Ngày 2.12, TP.HCM thông báo sẽ ra quân kiểm tra nồng độ cồn cả ngày lẫn đêm từ nay đến giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó giám đốc Công an TP.HCM thông tin đây là kế hoạch chủ động trước thời điểm Noel, Tết dương lịch, Tết Nguyên đán; lượng người, lượng xe tham gia giao thông chắc chắn tăng cao. Do vậy, TP.HCM chủ động lên kế hoạch triển khai sớm.

Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng PC08 cho biết kế hoạch nhằm hạn chế các vụ tai nạn giao thông và các vụ sử dụng chất kích thích khi tham gia giao thông gây hậu quả nghiêm trọng.

Thực hiện kế hoạch nói trên, từ ngày 24.11, CSGT lập các chốt kiểm tra nồng độ cồn bất kể ngày đêm. Nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn đã bị CSGT phát hiện.

Bài liên quan
Người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn tăng cao ở TP.HCM
Chỉ trong 3 tháng, lực lượng CSGT TP.HCM đã phát hiện và xử lý 45.557 trường hợp người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe' có hợp lý hay quá nghiêm khắc?