Dự án Formosa có thể xem là một thảm họa điển hình về môi trường mà chúng ta phải trả giá. Việc các cấp, các ngành đã và đang tiến hành xử lý kỷ luật những người có trách nhiệm trong cả quá trình dựng nên dự án thật sự cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho mỗi cá nhân có trách nhiệm tham gia các khâu để hình thành nhà máy luyện thép nói trên.
Có lẽ mức kỷ luật cho các quan chức từng liên quan đến dự án Formosa gây ra thảm họa môi trường ở 4 tỉnh miền Trung cũng đã rõ ràng và khá nghiêm khắc khi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã họp và ra kết luận hôm mới đây sau thời gian dài chờ đợi, bức xúc của nhiều đảng viên và quần chúng nhân dân.
Do phân cấp quản lý cán bộ, có một số trường hợp nguyên là cán bộ do Ban bí thư, Bộ Chính trị quản lý nên phải có cuộc họp hôm 21.4 dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Kết luận cũng rất nghiêm khắc và Ban bí thư đã bỏ phiếu xử lý như báo chí đã đưa.
Thông tin hôm mới đây từ Văn phòng Quốc hội cũng cho biết, về phía Quốc hội, tại phiên họp gần nhất (kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá 14), việc bỏ phiếu bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội của ông Võ Kim Cự cũng đã có trong chương trình nghị sự; về phía Liên minh các Hợp tác xã Trung ương, tôi tin rằng rồi Ban chấp hành cũng sẽ họp để xử lý tiếp bước cuối cùng khi ông Cự còn tư cách đương kim Chủ tịch Liên minh; và về phía địa phương , tôi nghĩ các quan chức khác có liên quan rồi cũng vậy, giống như phía Bộ Tài nguyên Môi trường đã và đang triển khai cũng như chỉ đạo.
Cứ theo kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, trong vụ Formosa Hà Tĩnh, sự tổn thất về cán bộ quả là một con số lớn, chẳng kém gì so với vụ việc bị bung bét ra từ chuyện lãng xẹt "chiếc xe biển xanh" của cựu Phó chủ tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh để rồi cả Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC), cả ngành Dầu khí cũng như Công Thương bị tổn thất nặng nề, nhiều người đã bị tạm giam để điều tra. Vậy là hàng loạt cán bộ dính dáng (kể cả vài ngành khác như Tổ chức Đảng, Nội vụ, Thi đua khen thưởng) đã phải chịu kỷ luật...
Việc sai phạm trong quá trình lập dự án và giám sát thi công nhà máy luyện thép Formosa Hà Tĩnh đã mang lại rất nhiều bài học. Bài học lớn nhất trong vụ Formosa có lẽ chính là: kể từ nay, chúng ta không thể vì phát triển và tăng trưởng kinh tế mà đánh đổi môi trường để "đầu tư bằng mọi giá". Thứ nữa, là không thể lơi lỏng, chủ quan trong khâu giám sát kỹ thuật công nghệ khi họ đầu tư tại Việt Nam... Chỉ cần mất cảnh giác (hoặc chủ quan, xem nhẹ, hoặc biết nhưng nhắm mắt làm ngơ vì lợi ích cá nhân hoặc nhóm) đều sẽ để lại hậu quả khôn lường kiểu như ở Hà Tĩnh.
Có lần ông Võ Kim Cự, người từng đảm trách nhiều cương vị có liên quan đến xây dựng dự án Formosa, thậm chí cả ở cương vị đứng đầu tỉnh, đã... "cự" lại báo chí trước áp lực dư luận khi sự cố xảy ra. Ông bảo, nếu Hà Tĩnh có muốn làm đến mấy nhưng các bộ ngành và cấp trên không đồng tình, không ủng hộ thì tỉnh ông làm sao dám cấp phép và có thể làm nổi khi dự án này có tổng mức đầu tư trong 2 giai đoạn sẽ lên tới cả chục tỉ đô la. Song, theo nhiều thông tin mà báo Tuổi trẻ tìm hiểu thì ông Cự vốn được coi là lãnh đạo Hà Tĩnh có nhiều việc làm bạo tay, dạng "tiền trảm hậu tấu" rất kỳ lạ.
Về thẩm định, cho ý kiến về dự án hồ sơ kỹ thuật, tôi nghĩ vai trò của các bộ, ngành là rất quan trọng, tỉnh làm sao nắm được về kỹ thuật khi mà họ chưa bao giờ có dự án sản xuất thép lớn đến thế. Thế nhưng, ngoại trừ Bộ Tài nguyên Môi trường có một số cán bộ lãnh đạo bị kỷ luật, tôi thấy có gì đó chưa ổn khi mà khâu thẩm định công nghệ của dự án còn có sự tham gia của cả Bộ Khoa học Công nghệ mà lại không thấy hề hấn một ai? Nhưng có lẽ trong chuyện này, Uỷ ban Kiểm tra cũng đã cân nhắc thế nào đó mà chúng tôi không am tường nên không đưa ra xem xét, xử lý thêm. Dù sao, đây cũng là bài học lớn cho các cơ quan bộ, ngành với vai trò là đơn vị thẩm định, tham mưu cho Chính phủ để ra quyết định cho hoạt động hay không.
Có người nói với tôi rằng, trong "nước cờ" đầu tư Formosa Hà Tĩnh này, một phần cũng là do chủ quan, địa phương thấy món hời lớn quá, dự án cũng lớn quá mà dễ gì đến tỉnh nghèo mình được ngó đến. Chưa nói đến việc khi dự án đi vào hoạt động, Hà Tĩnh có nguồn thu lớn mà chỉ nội tiền thuế thu được trong việc Formosa nhập khẩu trang thiết bị (của một dự án lên tới cả chục tỷ đô la) thì Hà Tĩnh đã "ngây ngất" với mớ tiền từ thu thuế quá lớn, cứ như trong mơ. Và đó cũng là một trong nhiều nguyên nhân Hà Tĩnh trong quá trình đi vận động, thuyết phục trung ương ủng hộ dự án mà họ đưa ra dễ được ủng hộ (?).
Rồi cũng do "thương" tỉnh nghèo "khúc ruột miền Trung", những người có trách nhiệm ở các cơ quan trung ương cũng đã niệm tình bỏ qua cho Hà Tĩnh, dễ cho qua những gì còn bất ổn mà lẽ ra, bằng nghiệp vụ chuyên môn của các chuyên gia, họ phải phát hiện, khuyến cáo cấp trên của họ để ngăn chặn kịp thời.
Ai ngờ nhờ tài của địa phương, chỉ trong có 6 tháng trời xem xét, bàn thảo, góp ý và lo giấy tờ, dự án đã được phê duyệt. Về một góc độ nào đó, việc thủ tục được chấp nhận nhanh như vậy cũng là điều tích cực trong môi trường mời gọi đầu tư. Song có lẽ trong câu chuyện này, cũng do nhanh chóng mặt nên có những khâu đã thẩm định sơ sài, giản đơn quá chăng nếu không nói là họ "qua mặt" dễ dàng đến vậy.
Tôi có đọc một bài viết của tác giả Tô Văn Trường, tiến sỹ khoa học, ông nhận xét rằng cánh báo chí như chúng tôi và ngay cả một số nhà khoa học hẳn hoi gần đây đang mắc một thói quen khi sử dụng sai thuật ngữ khoa học khi phán xét rằng, đến nay Formosa đã khắc phục được 52/53 lỗi. Lỗi duy nhất còn lại sẽ là chuyển công nghệ luyện cốc ướt sang luyện cốc khô. Việc này dự kiến hoàn thành vào năm 2019...
Tìm hiểu thêm, tôi được biết, tuy "chỉ còn 1 trong 53 lỗi", nhưng lỗi này lại là một trong 2 lỗi chí mạng để đến nỗi gây ra ô nhiễm biển 4 tỉnh miền Trung năm ngoái. Vẫn theo tác giả Tô Văn Trường, một nhà máy luyện thép thì việc đầu tư cho công nghệ tắt khô tốn kém hơn tắt ướt. Nếu tính riêng cho một nhà máy thép chỉ 2 triệu tấn/năm, cần đầu tư khoảng 5 triệu euro cho xưởng sắt ướt nhưng nếu là xưởng tắt khô, nó ngốn những 100 triệu euro. Trong khi đó, Formosa Hà Tĩnh có công suất giai đoạn 1 đã là 7,5 triệu tấn/năm. Tức là sẽ tốn vô cùng so với công nghệ tắt ướt hiện nay.
Trong cách thẩm định này, chúng ta bị họ qua mặt. Lỗi cơ bản do đâu, tôi chưa rõ nhưng có lẽ cũng không phải là lỗi của địa phương hoàn toàn vì trình độ họ cũng hạn chế như đã đề cập ở trên, làm sao có kiến thức bằng các chuyên gia của các bộ?
Dư luận rất tán đồng với ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tạm dừng triển khai dự án thép Cà Ná ở Ninh Thuận bởi tính thuyết phục của dự án chưa cao khi đặt tại một vùng biển đầy tiềm năng về du lịch. Đây chính là quan điểm rất sáng suốt khi đầu tư một lĩnh vực dễ ảnh hưởng đến môi trường mà trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hơn một lần cảnh báo, chúng ta sẽ không đánh đổi bằng mọi giá môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế.
Dự án Formosa có thể xem là một thảm họa điển hình về môi trường mà chúng ta phải trả giá. Việc các cấp các ngành đã và đang tiến hành xử lý kỷ luật những người có trách nhiệm trong cả quá trình dựng nên dự án thật sự cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho mỗi cá nhân có trách nhiệm tham gia các khâu để hình thành nhà máy luyện thép nói trên. Dù chỉ là người thay mặt cho một bộ, ngành nào nhận xét, thẩm định hay giám sát thi công cũng đều phải toàn tâm toàn ý, công tâm và không vụ lợi trong nhiệm vụ mà họ được nhà nước giao phó. Bên cạnh đó, cần thiết phải mạnh tay kỷ luật nếu họ vi phạm. Nếu không nghiêm khắc, chúng ta sẽ còn mất mát nhiều cán bộ kiểu như vụ Formosa, ngoài tổn thất về kinh tế cho đất nước.
Quốc Phong