Không thu được đồng nào, nhưng mỗi tháng phải gánh hàng chục tỉ chi phí, ngân hàng không cho vay thêm…
“Việc ngừng thu phí nếu tiếp tục kéo dài và Nhà nước chưa có các chính sách hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp sẽ đẩy dự án đến bờ vực phá sản”, ông Trần Viết Công, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư QL91 Cần Thơ - An Giang than vãn với PV.
Theo ông Công, dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL91 đoạn Km14+000-Km50+889 theo hình thức hợp đồng BOT được Bộ GTVT quyết định cho thu phí hoàn vốn tại 2 trạm là Trạm T1 (Km16+905) thuộc địa phận Q.Ô Môn và Trạm T2 (Km50+050) thuộc địa phận Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ.
Dự án này có tổng vốn đầu tư 1.588 tỉ đồng, đưa vào hoạt động và tổ chức thu phí từ năm 2016.
“Tuy nhiên đến nay các nhà đầu tư chưa nhận được một đồng lợi nhuận nào do doanh thu không đủ cho các chi phí thường xuyên và trả lãi”, ông Công nói. Nhất là vào tháng 5.2019, cơ quan Nhà nước đã cho tạm dừng thu phí tại Trạm T2 do một số tài xế phản đối, làm mất trật tự an ninh tại Trạm T2.
Việc dừng thu phí Trạm T2 khi đó đã dẫn đến doanh thu của dự án giảm khoảng 50% và không đủ trả lãi vay ngân hàng, Để doanh nghiệp không phải chuyển đổi nhóm nợ, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp đã phải đi vay vốn khác để trả lãi và gốc theo đúng kế hoạch trả nợ của ngân hàng.
Và nay, vì dịch COVID-19, dự án này cũng đã phải ngừng thu phí hoàn toàn. Theo ông Công, doanh nghiệp của ông gặp vô vàn các khó khăn từ việc ngừng thu phí như hiện nay, dù biết rằng đó là việc bất khả kháng do dịch bệnh.
“Khi dừng thu phí thì doanh thu của dự án bằng 0 đồng. Tuy nhiên các chi phí thường xuyên như duy tu bảo dưỡng, sửa chữa đột xuất, lương cho 60 cán bộ công nhân viên, trả lãi vay ngân hàng vẫn phát sinh”, ông nói.
Trước mắt để giải quyết việc không thu nhưng các chi phí cứng vẫn phát sinh, doanh nghiệp này đã phải gồng mình tiếp tục đi vay nguồn vốn khác để chi trả khi dừng thu phí trong 2 tháng qua. Bởi ngân hàng hiện không cho vay thêm.
Ông Công cho biết, trong 2 tháng qua, chỉ riêng tiền lãi vay ngân hàng, bình quân mỗi tháng công ty phải gánh 10,2 tỉ đồng. May là theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước VN về cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn lãi vay do ảnh hưởng dịch COVID-19, tiền lãi này chưa nộp, chờ xem xét.
“Trong trường hợp dự án BOT QL91 nói riêng và các dự án BOT trong vùng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, rất mong Chính phủ có phương án hỗ trợ các chi phí phát sinh trong thời gian dừng thu phí”, ông đề xuất.