Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, để khắc phục được hạn chế cần đặt ra yêu cầu phải xây dựng Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia nhằm xây dựng các quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để bảo đảm sở hữu trí tuệ thực sự trở thành công cụ đóng góp vào các mục tiêu phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương và cả quốc gia.
Tại buổi tọa đàm “Vai trò của sở hữu trí tuệ với phát triển kinh tế - xã hội” do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) tổ chức ngày 9.5, theo Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh, hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng với một nền tảng pháp luật về sở hữu trí tuệ về cơ bản phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng của Việt Nam trong thời gian qua.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng hệ thống sở hữu trí tuệ còn chưa tiếp cận được với cách thức mới là một cấu phần quan trọng trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế này, trong đó nguyên nhân nổi bật là chưa gắn kết được một cách chặt chẽ vấn đề sở hữu trí tuệ trong các chính sách, hoạt động của các ngành, lĩnh vực KT-XH. Kinh nghiệm của một số quốc gia cho thấy nội dung sở hữu trí tuệ luôn là một bộ phận không thể thiếu trong chính sách phát triển các ngành KT-XH, từ công nghiệp, nông nghiệp, văn hóa đến y tế, giáo dục, môi trường...
Ông Ian Heath, chuyên gia tư vấn xây dựng của WIPO (Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới) cũng cho rằng thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam cần dựa trên 3 trụ cột, bao gồm Tài chính, R&D, đào tạo. Để thế kiềng 3 chân vững chắc cần có vai trò của Chính phủ nhằm cải thiện Chiến lược sở hữu trí tuệ Việt Nam trong điều phối liên ngành, tạo một mảnh ghép hoàn chỉnh.
Ông Ian Heath cũng gợi ý những vấn đề trong Chiến lược Sở hữu trí tuệ để biến thành công cụ phát triển KT-XH. Cụ thể, cần xây dựng cơ chế tham vấn mạnh mẽ giữa các bên liên quan; Phải đảm bảo hệ thống luật pháp ổn định, thường xuyên rà soát cập nhật. Có Chương trình hỗ trợ khối tư nhân, bởi không thể có hệ thống sở hữu trí tuệ tốt khi không có sự tham gia của khối này và cần xây dựng kế hoạch và thực thi kế hoạch một cách chi tiết.
Cuối cùng khâu quan trọng nhất, theo vị chuyên gia đó là điều phối giữa các bên liên quan, đặc biệt trong bối cảnh cụ thể của Việt Nam để đảm bảo tốt thực hiện Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia.
Về phía Bộ KH-CN, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, để khắc phục được hạn chế nêu trên và đặc biệt, từ yêu cầu phát triển KT-XH trong điều kiện mới đặt ra yêu cầu phải xây dựng Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia nhằm xây dựng các quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để bảo đảm sở hữu trí tuệ thực sự trở thành công cụ đóng góp vào các mục tiêu phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương và cả quốc gia.
Cần có chính sách hỗ trợ, tạo ra nhu cầu tự thân của doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực tiếp thu, ứng dụng và đổi mới công nghệ, cao hơn là khả năng nghiên cứu để phát triển các sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Nhà nước cũng có vai trò quan trọng trong việc tạo lập và phát triển các định chế trung gian, các chính sách kinh tế, thị trường cùng với đó là các thiết chế tài chính Quỹ KH-CN của doanh nghiệp, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, các quỹ đầu tư mạo hiểm có vai trò thúc đẩy mạnh mẽ…
Thu Anh