Các nhà nghiên cứu cho biết sự hiện diện của nhiều hạt nhựa nhỏ trong mây có nguy cơ gây ô nhiễm cho “mọi thứ chúng ta ăn và uống”.

Cảnh báo đáng sợ khi lần đầu tiên phát hiện ra hạt vi nhựa trong mây

Anh Tú | 26/10/2023, 19:55

Các nhà nghiên cứu cho biết sự hiện diện của nhiều hạt nhựa nhỏ trong mây có nguy cơ gây ô nhiễm cho “mọi thứ chúng ta ăn và uống”.

fuji.jpg
Mây ở núi Phú Sĩ có nhiều hạt vi nhựa

Hạt vi nhựa đã được phát hiện trong mây, điều mà các nhà khoa học cho rằng chúng có thể góp phần gây ra biến đổi khí hậu.

Một nhóm nghiên cứu đã xác định được một số loại polyme và cao su trong hơi nước ở mây xung quanh núi Phú Sĩ, ngọn núi lớn nhất Nhật Bản và núi Ōyama.

Nghiên cứu của họ, được công bố trên tạp chí Environmental Chemical Letters là bằng chứng mới nhất cho thấy cho thấy ô nhiễm nhựa đã xâm nhập vào hầu hết các hệ sinh thái trên Trái đất.

Những mảnh nhựa nhỏ hơn 5 mm (có kích thước bằng hạt vừng) đã được tìm thấy ở những nơi xa nhất trên hành tinh. Hạt vi nhựa cũng có ở hầu hết các bộ phận thiết yếu nhất của cơ thể con người, gồm cả máu, phổi thậm chí trong nhau thai của bà bầu.

Các nhà khoa học viết: “Theo hiểu biết của chúng tôi, đây là nghiên cứu đầu tiên phát hiện hạt vi nhựa trong mây ở cả tầng đối lưu tự do và lớp ranh giới khí quyển”. Điều này cho thấy mức độ ô nhiễm nhựa trên Trái đất đã đến mức đáng sợ như thế nào và nó còn liên quan đến biến đổi khí hậu trên hành tinh của chúng ta.

Hạt vi nhựa trong mây góp phần gây ra biến đổi khí hậu như thế nào?

Hơi nước trong mây được thu thập tại đỉnh của hai ngọn núi Nhật Bản ở độ cao từ 1.300-3.776 mét. Đỉnh núi Phú Sĩ nằm ở tầng đối lưu tự do, trong khi đỉnh núi Ōyama nằm ở tầng ranh giới khí quyển (phần thấp nhất của tầng đối lưu, nơi ma sát với bề mặt Trái đất ảnh hưởng tới luồng không khí) - cả hai đều nằm trong tầng thấp nhất của bầu khí quyển Trái đất.

Sau đó, các nhà khoa học đã sử dụng kỹ thuật hình ảnh tiên tiến để xác định xem có tồn tại vi nhựa trong mây ở 2 đỉnh núi hay không.

Họ đã tìm thấy 9 loại polyme khác nhau và một loại cao su tồn tại dưới dạng hạt vi nhựa trong hơi mây. Trong mỗi lít hơi mây chứa tới 14 mảnh nhựa có kích thước dao động từ khoảng 7 đến 95 micromet; trong khi đường kính trung bình của một sợi tóc người khoảng 80 micromet.

Nhóm tác giả giải thích: Nhựa vốn kỵ nước nhưng trở nên ưa nước sau khi tiếp xúc kéo dài với tia cực tím. Sự phong phú của các polyme trong một số mẫu cho thấy chúng có thể đã hoạt động như “hạt nhân ngưng tụ” của băng và nước trong đám mây. Hạt nhân ngưng tụ là những hạt nhỏ mà hơi nước bám vào ngưng tụ trong khí quyển, nghĩa là chúng rất cần thiết cho sự hình thành mây.

Các nhà khoa học viết: “Nhìn chung, những phát hiện của chúng tôi cho thấy các hạt vi nhựa ở độ cao có thể ảnh hưởng đến sự hình thành mây và do đó, có thể làm biến đổi khí hậu”.

Hiroshi Okochi của Đại học Waseda, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Các hạt vi nhựa trong tầng đối lưu tự do được chuyển động thoải mái và góp phần gây ô nhiễm toàn cầu”.

“Nếu vấn đề ‘nhựa gây ô nhiễm không khí’ không được giải quyết một cách tích cực, các rủi ro về biến đổi khí hậu và sinh thái có thể trở thành hiện thực, gây ra những thiệt hại môi trường nghiêm trọng và không thể khắc phục được trong tương lai”.

Làm thế nào hạt vi nhựa xâm nhập vào đám mây?

Hạt vi nhựa có rất nhiều nguồn phát thải - từ hạt vi nhựa trong mỹ phẩm đến phân bón và sự phân hủy của các vật thể lớn hơn như túi nhựa. Mặc dù đã có rất nhiều nghiên cứu về sự rò rỉ của những mảnh nhỏ này vào môi trường biển và cả trên mặt đất nhưng nghiên cứu về vi hạt nhựa trong không khí còn hạn chế hơn.

Có nhiều cách khác nhau để chúng có thể xâm nhập vào bầu khí quyển. Trên mặt đất thì bụi đường, bãi rác, lốp xe mòn và cỏ nhân tạo đều là những nguồn để vi nhựa xâm nhập vào không khí.

Đại dương cũng có thể đưa hạt vi nhựa lên không trung thông qua bốc hơi nước biển và các “quá trình hòa tan khí dung” khác – nơi hạt vi nhựa đủ nhẹ để có thể bay trong không khí.

Các tác giả từ Đại học Waseda khẳng định: “Điều này đã cho ta thấy hạt vi nhựa có thể đã trở thành một thành phần thiết yếu của các đám mây, làm ô nhiễm hầu hết mọi thứ chúng ta ăn và uống thông qua 'mưa nhựa'. Tầng đối lưu tự do là con đường quan trọng cho việc vận chuyển chất ô nhiễm không khí ở tầm xa nhờ gió mạnh”.

Chúng ta không thể cản được hạt vi nhựa bay khắp thế giới một khi thói quen dùng các sản phẩm polyme không dừng lại. Nhưng liệu có thể dừng thói quen này?

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
10 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảnh báo đáng sợ khi lần đầu tiên phát hiện ra hạt vi nhựa trong mây