Catfishing là hành vi tạo danh tính trực tuyến giả nhằm mục đích chơi khăm, quấy rối hoặc lừa đảo người khác. Nó thường xuất hiện trên mạng xã hội hoặc nền tảng hẹn hò đang phổ biến để thiết lập quan hệ phục vụ ý đồ sai trái.
Khoa học - công nghệ

Cảnh báo nạn catfishing trên mạng

Cẩm Bình 02/02/2024 16:58

Catfishing là hành vi tạo danh tính trực tuyến giả nhằm mục đích chơi khăm, quấy rối hoặc lừa đảo người khác. Nó thường xuất hiện trên mạng xã hội hoặc nền tảng hẹn hò đang phổ biến để thiết lập quan hệ phục vụ ý đồ sai trái.

Đối tượng tạo danh tính giả còn có thể lấy được hình ảnh thân mật của nạn nhân hòng tống tiền, hoặc sử dụng thông tin cá nhân đánh cắp danh tính.

Thuật ngữ “catfishing” được cho bắt nguồn từ bộ phim tài liệu Catfish năm 2010, kể về chàng trai trẻ Nev Schulman bắt đầu mối quan hệ trực tuyến với một cô gái tên “Megan” nhưng hóa ra lại là phụ nữ lớn tuổi. Ở cuối phim, chồng người phụ nữ chia sẻ câu chuyện cá tuyết sống Alaska từng được xuất khẩu cùng cá da trơn (catfish) để giữ cho cá tuyết luôn hoạt động và cảnh giác - giống như ngoài đời mọi người phải không ngừng cảnh giác với người khác.

nan.jpg

Vì sao tạo danh tính giả?

Tổ chức Cybersmile Foundation cho biết có rất nhiều lý do, nhưng lý do phổ biến nhất là thiếu tự tin. Một người không hài lòng với bản thân có thể cảm thấy hạnh phúc hơn khi đóng giả thành người hấp dẫn hơn trong mắt người khác. Không loại trừ khả năng họ làm vậy nhằm chơi khăm, dấn thân vào một mối quan hệ khác ngoài mối quan hệ hiện tại, quấy rối hoặc tống tiền. Vài trường hợp còn vì muốn khám phá sở thích tình dục.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra đối tượng tạo danh tính giả thường là nam giới có học thức. Theo một nghiên cứu năm 2022 thì kẻ giả danh có thể theo tôn giáo nào đó, muốn xây dựng các mối quan hệ trực tuyến không bị ràng buộc bởi quá nhiều quy tắc trong cuộc sống thực.

Trong một nghiên cứu khác công bố năm ngoái, giảng viên tâm lý Evita March (Đại học Liên bang Úc) phát hiện người sở hữu đặc điểm tính cách mạnh mẽ như thích bạo dâm, biến thái nhân cách, ái kỷ thường tạo danh tính giả trên mạng cao hơn người bình thường.

Tại Mỹ lừa đảo tình cảm liên quan đến catfishing thuộc nhóm hành vi phạm tội trực tuyến gây thiệt hại tài chính lớn nhất. Trong năm 2022 tổng cộng 19.050 người Mỹ trình báo mất gần 740 triệu USD vào tay đối tượng lừa đảo hình thức này.

Tại Anh, Cục Thông tin lừa đảo quốc gia trong năm 2022 nhận hơn 8.000 trình báo về lừa đảo tình cảm với tổng thiệt hại 92 triệu bảng Anh (116,6 triệu USD). Mức thiệt hại trung bình là 11.500 bảng Anh (14.574 USD) mỗi nạn nhân.

Tại Singapore, lừa đảo tình cảm nằm trong số 10 hình thức lừa đảo được trình báo nhiều nhất. Số tiền đối tượng tạo danh tính giả lừa được tăng hơn 30% từ 33,1 triệu SGD (24 triệu USD) năm 2020 lên 46,6 triệu SGD (34 triệu) năm 2021.

Lực lượng Cảnh sát quốc tế (Interpol) ghi nhận quy mô catfishing ngày càng lớn do sự gia tăng của các “trung tâm lừa đảo trực tuyến” liên quan đến nạn buôn người ở Đông Nam Á. Nạn nhân buôn người bị ép trở thành kẻ lừa đảo, tạo danh tính giả tiếp cận nạn nhân mới.

Nạn nhân catfishing

Cybersmile Foundation cho biết trước đây catfishing thường xảy ra ở người trưởng thành thông qua các nền tảng hẹn hò, nhưng hiện tại lại trở nên phổ biến không kém ở thanh thiếu niên.

Nghiên cứu do ứng dụng nhắn tin Snapchat thực hiện năm 2023 với hơn 6.000 thanh thiếu niên Gen Z (sinh từ năm 1995 đến 2012) ở Úc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Anh, Mỹ cho kết quả 2/3 trong số họ hoặc bạn bè từng bị kẻ giả danh hoặc tin tặc nhắm đến hòng lấy cắp hình ảnh riêng tư phục vụ âm mưu tống tiền.

Người lớn tuổi dễ mất tiền do lừa đảo liên quan đến catfishing hơn. Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ ghi nhận trong năm 2021 số lượt trình báo bị lừa đảo của nhóm tuổi 18 - 29 tăng gấp 10 lần, tuy nhiên nhóm tuổi trên 70 lại mất nhiều tiền hơn.

Tại Úc, 1/3 số vụ lừa đảo tình cảm gây tổn thất tài chính, trong đó số tiền phụ nữ bị mất nhiều hơn nam giới, số tiền người lớn tuổi mất nhiều hơn người dưới 45 tuổi.

Theo chuyên gia công nghệ thông tin Ngô Minh Hiếu: “Lừa đảo tình cảm rất khó tránh. Đây là hành vi thao túng cảm xúc”.

Dấu hiệu catfishing

Dấu hiệu thứ nhất là kẻ giả danh bất ngờ liên lạc, trò chuyện thường xuyên và dành nhiều lời khen ngợi hòng nhanh chóng xây dựng mối quan hệ lẫn lòng tin. Chúng hiếm khi hoặc không bao giờ gọi điện hay thực hiện cuộc gọi video với nạn nhân. Tài khoản mạng xã hội của kẻ giả danh thường không có nhiều bạn bè và ít khi đăng bài. Tìm kiếm đối tượng giả danh bằng danh tính cho ra ít kết quả, câu chuyện chúng nói không nhất quán (chẳng hạn nơi sinh sống hoặc trường từng theo học thay đổi trong mỗi lần trò chuyện).

Một dấu hiệu điển hình khác là ai đó nói rằng đã sớm phải lòng bạn, đề nghị cung cấp hình ảnh nhạy cảm lẫn tiền bạc.

Nhiều kẻ thường sử dụng ảnh sẵn có của người khác để tạo danh tính giả. Mọi người có thể phát hiện bằng cách truy ngược nguồn ảnh. Trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển cho phép kẻ giả danh tạo ra hình ảnh riêng dùng làm ảnh đại diện, tuy nhiên do chúng vẫn dựa trên mẫu thiết kế sẵn nên loạt công cụ như AI-Generated Image Detector sẽ giúp phát hiện ra.

Nên làm gì nếu bị nhắm đến?

Giới chuyên gia khuyên không nên trực tiếp chất vấn kẻ giả danh, thay vào đó hãy hỏi tại sao không sẵn lòng nghe điện thoại hay gặp mặt trực tiếp, hoặc hỏi làm sao lại có thể phải lòng bạn nhanh như vậy.

Trong một nghiên cứu thực hiện năm 2020, giáo sư tội phạm mạng Fangzhou Wang (Đại học Texas) cùng đồng nghiệp gửi gần 200 tin nhắn răn đe đến những kẻ giả danh đang hoạt động. Tin nhắn khiến kẻ giả danh ít phản hồi hơn, thậm chí vài trường hợp thừa nhận hành vi sai trái.

Nạn nhân cũng nên cắt đứt liên lạc và ngừng gửi thêm tiền. Kẻ giả danh thường nhắm tới người tương tác nhiều.

Bảo mật tài khoản mạng đồng thời giữ kín thông tin cá nhân vô cùng quan trọng. Chuyên gia Hiếu khuyên nên đưa thông tin ngày sinh, số điện thoại, thư điện tử về chế độ riêng tư, dùng công cụ như Have I Been Pwned kiểm tra xem thư điện tử của mình từng bị xâm nhập hay chưa.

Catfishing không chỉ gây thiệt hại tài chính mà còn ảnh hưởng sức khỏe tâm thần, khiến nạn nhân thấy xấu hổ vì từng bị lừa hoặc không tin tưởng người khác nữa. Nếu bị tống tiền bằng hình ảnh nhạy cảm, nạn nhân sẽ luôn lo sợ hình ảnh bị phát tán trong tương lai.

Theo giảng viên March, nạn nhân catfishing nên tìm đến chuyên gia tâm lý hoặc nói chuyện với gia đình, bạn bè.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng nên bảo vệ con cái mình bằng cách cân nhắc khi đăng hình ảnh hoặc nội dung khác về con lên mạng xã hội, đặc biệt khi chúng chưa đủ tuổi thành niên.

Catfishing có phải hành vi phạm tội?

Catfishing không rõ ràng là hành vi phạm tội, nhưng đi kèm với nó là tống tiền hoặc lừa đảo.

Thách thức chính trong xử lý lừa đảo trực tuyến là vấn đề thẩm quyền. Cảnh sát hoạt động ở khu vực lãnh thổ nhất định nhưng tội phạm lại hoạt động xuyên biên giới.

Giáo sư Wang cũng chỉ ra mạng riêng ảo (VPN), thông tin xác thực giả mạo và phương thức liên lạc ẩn danh khiến nỗ lực truy lùng kẻ giả danh trở nên cực kỳ khó khăn. Lực lượng hành pháp còn còn khó thu thập bằng chứng khi các đối tượng biết lợi dụng AI cho mục đích xấu.

Tại Mỹ năm 2023, một phụ nữ tạo danh tính giả lừa nhiều người đàn ông giàu có đã bị kết án với tội danh tống tiền và quấy rối qua mạng.

Nước Anh không xem catfishing là tội hình sự, nhưng việc sử dụng danh tính giả tham gia hoạt động phi pháp vẫn có thể bị trừng phạt.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảnh báo nạn catfishing trên mạng