Trong "Gia Định Thành thông chí' của Trịnh Hoài Đức có nhắc đến "cây bần", gọi là thủy liễu, trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có rất nhiều loại cây này.
Giai thoại kể rằng, khi chúa Nguyễn Ánh bôn tẩu đến vùng đất Trấn Giang, có đi thuyền trên sông. Ông thấy cây bần xanh tươi và dáng thướt tha như cây liễu ngài đặt cho nó cái tên là thủy liễu. Cũng có một giai thoại khác, khi chúa Nguyễn Ánh bôn tẩu đến sông Hàm Luông, tỉnh Bến Tre, lúc đó ông đã có dịp ăn món bần chua với mắm. Cũng như giai thoại đầu, Nguyễn Ánh đã đặt tên cho cây bần này là "thủy liễu" vì dáng vẻ thướt tha của nó, nghĩa là cây "liễu nước".
Bần là loài cây sống ở vùng nước ngọt, vùng ngập mặn và nhiều nhất ở khu vực Đông Nam Á. Ở nước ta bần thường mọc ở các rừng ven biển, ven sông, cửa sông và bãi bồi. Một số khu vực có nhiều loài cây này là Tây Nam Bộ...
Cây bần không chỉ có giá trị sinh thái, ẩm thực, kinh tế mà còn có giá trị y học.
Ở khu vực ĐBSCL hiện nay, có hai loại bần phổ biến là bần chua và bần ổi. Cây “bần chua” (Sonneratia caseolaris) thường mọc ở ven sông, có trái tròn dẹt (hay còn gọi là bần dĩa, bần sẻ, thủy liễu).
Cây “bần ổi” (Sonneratia ovata) có trái hơi tròn gần giống như trái ổi (hay còn gọi là bần trứng, bần hôi).
Từ ngàn xưa người dân đã biết ăn trái bần và sử dụng nó như một vị thuốc nam.
Bần có thể ăn chín hoặc trái non thì ăn với muối. Người ta còn ăn bần chua với mắm sống.
Về cách chế biến, từ rất xa xưa người dân Nam Bộ thường dùng bần chín, loai bần dĩa nấu canh chua hoặc kho lạt ăn rất ngon. Một số người còn dùng nước cốt bần pha với chút đường, đá lạnh để làm nước giải khát và giúp thanh nhiệt.
Bà Lê Thị Thoa, Giám đốc Công ty Vạn Thắng, một đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm từ bần cho biết: "Bần được người dân ĐBSCL chế biến ra nhiều món. Trước kia, bần là món ăn phổ biến của các gia đình nghèo nhưng ngày nay, bần đã vào quán ăn đặc sản và các khu du lịch".
Trong các món ngon có thể kể đến là lẩu cá sông nấu bần là món ngon đặc sản ĐBSCL hiện nay. Món lẩu bần thường sử dụng các loại cá sông như: cá tra, ba sa, cá bông lau, cá ngát. Lẩu bần có thể nấu với rau cù nèo, điên điển, rau nhút, bông súng, bắp chuối. Rau nêm có lá quế, ngò om, ngò gai. Món lẩu cá sông nấu bần được thực hiện rất nhanh và đơn giản như sau: Khi nồi nước nẩu sôi lên người ta pha chế nước bần trước. Sau đó cho cho cá vào nước đang sôi, hớt bọt. Tiếp theo là cho rau vào nồi, nêm gia vị, ngò om, rau cần dày lá, một chút ớt là đã có nồi lẩu thơm nức.
Lẩu ăn với bún, nước chấm là mắm hoặc muối ớt.
Bần không chỉ dùng để chế biến món ăn mà còn dùng để trị bệnh.
Bác sĩ Chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ cho biết, theo Đông y, trái bần dù sống hay chín thì đều có vị chua và chát, tuy nhiên, khi chín thì bần có thêm mùi thơm dễ chịu. Nhờ trái có vị chua và tính mát nên trái bần có tác dụng tiêu viêm, giảm đau. Lá có tác dụng chữa bí tiểu tiện và cầm máu.
Nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy, chiết xuất từ cây bần có tác dụng chống oxy hóa, hạ đường huyết và kháng khuẩn. Dịch chua từ trái bần có tác dụng bảo vệ tế bào gan, gây độc đối với ấu trùng muỗi và chống viêm. Chiết xuất từ bần có tác dụng ức chế ung thư vú, ung thư phổi và ung thư biểu mô.
Ngoài trái bần, hoa của loài cây này cũng có thể ăn được như một loại rau. Theo mô tả, hoa bần có vị chát, tốt cho người mắc bệnh tiểu đường và phòng ngừa bệnh này.
Như vậy, bần là một loài cây dược liệu quý phát triển mạnh ở nước ta, từ xưa đến nay nó gắn bó với đời sống người dân ở miền Tây Nam Bộ và một số tỉnh thành ở miền Bắc. Bần góp phần bảo vệ môi trường, chống sạt lở trong biến đổi khí hậu.
Theo bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, khi chiết xuất từ lá, trái, thân cây, rễ cây bần người ta phát hiện ra nó tiềm ẩn nhiều dược liệu quý. Tuy nhiên, những tính dược học từ bần chưa được quan tâm khai thác đúng mức để phục vụ y học và con người.