Hóa ra, cho dù cây cầu nghĩa cử đóng góp với thành phố Cảng đã thông xe, nhưng sự phát triển của doanh nghiệp Sơn Trường, cùng các doanh nghiệp tư nhân khác trong cả nước, vẫn còn phải chờ đợi để được bước qua “cây cầu xin - cho” muôn thuở…

Cây cầu 'ông Thắng' và nỗi niềm xin - cho

10/07/2017, 06:02

Hóa ra, cho dù cây cầu nghĩa cử đóng góp với thành phố Cảng đã thông xe, nhưng sự phát triển của doanh nghiệp Sơn Trường, cùng các doanh nghiệp tư nhân khác trong cả nước, vẫn còn phải chờ đợi để được bước qua “cây cầu xin - cho” muôn thuở…

Cây cầu bắc qua sông Tam Bạc do ông Tạ Quyết Thắng xây tặng Hải Phòng

Cầu “ông Thắng”

Cuối cùng thì tôi cũng đứng tại cây cầu bắc ở ngã ba sông Tam Bạc và sông Thượng Lý (Hải Phòng) đang làm dư luận xã hội mấy hôm nay quan tâm, bàn luận với nhiều thiện cảm. Không thiện cảm sao được khi đây là cây cầu của một doanh nghiệp tư nhân - Công ty TNHH Sơn Trường do ông Tạ Quyết Thắng làm giám đốc, xây để tặng cho người dân thành phố.

Cây cầu có chiều dài toàn tuyến 174m, trong đó chiều dài cầu 130m, chiều rộng 26,4m, vốn đầu tư 78 tỉ đồng. Buổi sáng cây cầu được cắt băng khánh thành, thì buổi chiều tôi đã gặp ở đây rất nhiều gương mặt người dân thành phố Cảng. Họ có thể chỉ là những cán bộ, công chức đã nghỉ hưu đi bộ, tập thể dục, hay bà nội trợ đưa con cháu đến thăm cây cầu mới. Họ gặp giám đốc Tạ Quyết Thắng, chúc mừng và cảm ơn ông đã làm một công việc có ý nghĩa vì cộng đồng. Hay có khi chỉ là đơn giản muốn chia sẻ cùng ông chỗ này, chỗ kia… ra sao.

Còn với ông Tạ Quyết Thắng, chuyện xây cầu đầy cảm hứng và cũng giản dị: với ông, làm ra tiền là phải “cho đi” - đóng góp cho cộng đồng và xã hội. Có vậy, đồng tiền mới có ý nghĩa. Dù kiếm đồng tiền ở ông là đổ mồ hôi sôi nước mắt, đầy thăng trầm, dâu bể, thành công nhiều mà thất bại cũng không ít.

Đó là khi ông nghe tin quận Hồng Bàng có một dự án xây cầu cho người đi bộ. Ông nghĩ, thời buổi này nếu đã xây cầu thì sao không xây cho cả ô tô chạy? Ông xin được xem hồ sơ. Hồ sơ cho thấy cây cầu dự định chỉ rộng 6m, dài 70m, nhưng tiền đầu tư 88 tỉ đồng. Ông ngỏ ý xây “từ thiện” dù lúc đầu dự kiến là hai bên (thành phố và doanh nghiệp cùng đóng góp). Ông Chủ tịch quận hỏi xây có đến một năm không? Ông bảo chỉ 6 tháng. Nhưng thực tế từ lúc khởi công cho đến lúc khánh thành, có thể thông xe, chỉ có… 50 ngày. Không chỉ có người đi bộ, mà để nghiệm thu có 6 xe loại 50 tấn chạy qua chạy lại để thử độ bền cây cầu.

Ông Tạ Quyết Thắng trò chuyện với người dân trong ngày khánh thành cầu

Vừa qua, Thủ tướng yêu cầu ngành giao thông kiểm tra xem lại định mức xây dựng 1km đường là bao nhiêu so với khu vực và thế giới. Nếu ngành giao thông lấy cây “cầu ông Thắng” làm chuẩn để so sánh cả về độ bền đẹp và giá thành về xây dựng thì chắc khối anh không có “lỗ nẻ” để mà chui!

Một công việc mà như xã hội vẫn gọi là “từ thiện” tạm xong. Chỉ còn tên gọi cây cầu là gì vẫn chưa rõ. Tôi hỏi, ông bảo thành phố có nhã ý để ông đặt tên cầu, còn ông lại muốn để thành phố toàn quyền quyết định chuyện này. Gợi ý mãi thì ông đề xuất nên gọi là cầu “Tam Giang” (vì ở ngã ba sông). Thế nhưng ngay lúc đứng trên cầu ngắm nghía đã thấy mấy người đàn bà kháo nhau, cầu ông Thắng “hoành tráng” quá nhỉ. Bật cười. Người dân vốn công bằng và dân dã vậy đó.

Ừ, thì “cầu ông Thắng” - đặt tít bài viết là vậy!

Có gan làm giàu, nhưng…

Từ xa xưa, dân gian có một tổng kết rất chí lý: Có chí làm quan, có gan làm giàu. Tôi không biết Tạ Quyết Thắng có “thối chí” trên con đường hoạn lộ không, bởi từ những năm 70 ông đã là một trưởng phòng nông nghiệp huyện và từng được “cơ cấu” để trở thành một Phó chủ tịch huyện. Có một điều chắc chắn, ông có gan làm giàu. Ông dám tách ra khỏi cơ chế bao cấp, xin - cho để tự lo cơm áo cho gia đình mình từ những năm tem phiếu còn ngự trị như một ông hoàng, bắt cởi trần phải cởi trần/ cho may ô mới được phần may ô, hẳn việc làm đó đã phản chiếu một tố chất quyết liệt, can đảm và năng động - tố chất của một doanh nhân sau này, và ngày càng được khẳng định với đời sống thương trường.

Cách đây hai năm, người viết bài đã từng xuống tận khu nuôi tôm công nghệ cao của ông rộng tới gần 180 hecta ở xã Phù Long (huyện Cát Bà) và sửng sốt trước cơ ngơi rộng lớn. Toàn bộ đầm tôm và đường đi trong khu vực đầm đều được kè bằng xi măng. Khu đầm có nhà ăn, nhà ở cho công nhân khá chỉn chu và cung cách làm việc của mọi người mang phong cách công nghiệp rất rõ. Khi đó tôi chưa biết hết, đó thật ra chỉ là một góc nhỏ của “sự nghiệp” sản xuất và kinh doanh của Tạ Quyết Thắng.

Công ty Sơn Trường là một trong 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, tài sản hàng ngàn tỉ đồng với khoảng hai nghìn công nhân. Hàng năm công ty nộp ngân sách khoảng 20 tỉ, làm từ thiện cũng phải vài tỉ mỗi năm, mà làm rất lặng lẽ, âm thầm. Trong khi đó, bình quân thu nhập một người công nhân mỗi tháng khoảng 8 triệu đồng. Kinh doanh vốn là nghiệp khó nhọc, nhất lại là doanh nghiệp tư nhân tự bươn chải (không phải sân sau của bất cứ ai), mà lo cho hàng nghìn con người với thu nhập bình quân như vậy, hẳn tài năng kinh bang tế thế của Tạ Quyết Thắng cũng phải vào dạng… “không phải vừa đâu”, theo cách nói đùa dân dã của nhân gian.

Trong cái nghiệp sản xuất kinh doanh đồ sộ đó, thế mạnh của Tạ Quyết Thắng là gì? Đó chính là sản xuất bê tông đúc sẵn và xây dựng cầu cảng bởi Hải Phòng là đất biển. Chọn mặt hàng này để sản xuất, kinh doanh chứng tỏ Tạ Quyết Thắng có con mắt thực tiễn và tầm nhìn xa. Thực tế phát triển của thành phố Cảng hàng chục năm qua cho thấy đó là sự lựa chọn đúng đắn. Có thế, Công ty Sơn Trường mới ăn nên làm ra, ngang ngửa với gần 500 công ty lớn khác trong cả nước.

Thế nhưng lúc khởi đầu, kinh doanh của Tạ Quyết Thắng lại chưa phải chuyên bê tông, cầu cảng, mà lại là nghiệp gắn với gốc nông dân của ông - trồng rau, nông sản trái vụ. Giỏi giang, chịu nghĩ chịu làm, tìm ra cách đi riêng, ông đã thành công ở lĩnh vực quen thuộc này. Nhưng đến lúc nào đó, nghiệp trồng rau trái vụ không còn đủ sức quyến rũ ông. Phi thương bất phú - thành ngữ của cha ông thôi thúc ý chí làm giàu hơn nữa. Máu kinh doanh có lẽ từ đây mới thật sự ngấm vào trí não, vào khát vọng thôi thúc hành động. Ông bắt đầu chuyển sang đi buôn. Trăm thứ bà giằn. Từ phân bón, gạo, thép và xe vận tải… cứ thứ gì ra tiền, ra lãi là ông buôn.

Rồi cái duyên với nghiệp kinh doanh đến với ông bất ngờ nhất, lại chính là sản xuất bê tông đúc sẵn, xây dựng cầu cảng, mà như ông vẫn khiêm nhường nói “đó là bê tông chọn tôi chứ không phải tôi chọn bê tông”. Từ chuyện trồng rau, nông sản trái vụ, đến đi buôn các mặt hàng và chuyển hẳn sang sản xuất bê tông đúc sẵn, xây dựng cầu cảng có lẽ là một bước nhảy về chất thực thụ. Để có bước nhảy đó cần có kiến thức vững chắc. Thế là ông ra nước ngoài học hỏi kinh nghiệm và chỉ trở về khi vốn liếng tri thức đã kha khá trong tay.

Cứ thế ông thăng trầm trong nghiệp kinh doanh, có lúc tưởng trắng tay, vay ngân hàng, bạn bè rồi mất trắng tới 2 triệu đồng - những năm 80 thì đó là khoản tiền rất lớn. Tạ Quyết Thắng cuối cùng có được một cơ ngơi đáng nể - thành quả lớn của ý chí, nghị lực, bản lĩnh và tài năng kinh doanh giữa thương trường đầy biến động kiểu hôm nay sai, mai đã lại đúng rồi… Sơn Trường trở thành một trong 6 doanh nghiệp lớn ở Hải Phòng, có 7 công ty thành viên, 4 nhà máy bê tông ở Hà Nội, Hưng Yên và Hải Phòng. Năm 2016, công ty đạt sản lượng 1,2 triệu m3 bê tông, trở thành một trong số những công ty sản xuất bê tông hàng đầu của Việt Nam.

Không chỉ thế, Công ty Sơn Trường còn là nhà thầu thi công nền móng và cầu cảng có uy tín với các đối tác nước ngoài cùng các dự án quy mô lớn, doanh số hàng năm từ 2.400- 2.900 tỉ đồng. “Bê tông Tạ Quyết Thắng” có mặt trên thị trường, chiếm tới 40% thị phần bê tông cả nước - một tỷ lệ đáng nể, mà theo ông Thắng là dựa vào hai yếu tố quyết định, đó là chất lượng và giá thành sản phẩm.

Ông Thắng với tác giả bài viết

Nỗi niềm “xin- cho”

Vậy nhưng ở doanh nhân tưởng rất thành công trên thương trường này, có ngồi trò chuyện thân tình về nghiệp làm ăn hiện nay, mới thấy ông bộn bề day dứt. Xét cho cùng cũng là day dứt chung của bất kỳ một doanh nghiệp nào nếu có lòng với đất nước, mong muốn quốc gia phát triển.

Đã qua rồi cái tư duy đầy định kiến với các doanh nghiệp tư nhân. Hành trình hội nhập của đất nước, tư duy kiến tạo và phát triển của Chính phủ mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người khai mở và quyết liệt hành động để biến từ lời nói thành việc làm, hứa hẹn cho những doanh nghiệp tư nhân như của Tạ Quyết Thắng những hy vọng. Nhưng trong thực tế, con đường từ định hướng tới hiện thực vẫn là con đường… dài, rất dài.

Ngày xưa, Tạ Quyết Thắng quyết liệt “ly thân” với cơ chế bao cấp xin - cho và biết bao hệ lụy tiêu cực để mưu sinh cho gia đình và bản thân. Thế nhưng ngay cả khi trở thành một doanh nghiệp lớn có tên tuổi trên thương trường, hóa ra ông vẫn trong vòng… cương tỏa của cơ chế xin - cho trong thực tế rất “tinh vi” ấy, dù trong nền kinh tế thị trường có định hướng.

Trả lời câu hỏi của người viết bài này về những khó khăn mang tính “rào cản” để các doanh nghiệp tư nhân phát triển là gì, ông Tạ Quyết Thắng cho rằng, đó là thủ tục hành chính vẫn tiếp tục hoành hành bởi cơ quan quản lý nhà nước cứ hàng ngày đẻ ra hàng loạt các quy định pháp quy giăng mắc trói chặt các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp không chết mới là lạ.

Ông dẫn chứng ngay trên 2 dự án đầu tư của công ty trên 2 khu đất đã có sẵn quy hoạch và mặt bằng sạch, mỗi dự án gần 200 tỉ đồng. Công ty đã đầu tư, xây dựng và đưa vào sản xuất chỉ trong vòng 6 tháng, nhưng tới nay thủ tục cấp phép xây dựng chưa xong. Rất nhiều ngân hàng muốn rót vốn cho công ty nhưng đều chịu bó tay vì không có giấy phép xây dựng. Tất nhiên vì chưa có giấy phép nên công ty phải tìm cách để lách... hoặc phải chấp nhận ký biên bản nộp phạt xây dựng trái phép.

Để kết thúc câu chuyện đầy tâm tư, Tạ Quyết Thắng kể: Có một người Hồng Kông đầu tư vào Việt Nam, ông này rất giỏi tiếng Việt và rất hiểu các thủ tục hành chính ở Việt Nam. Ông nói với chúng tôi rằng ở Hồng Kông mà thủ tục hành chính như ở Việt Nam thì Hồng Kông sẽ nghèo hơn Việt Nam, ngược lại nếu Việt Nam mà thủ tục hành chính như Hồng Kông thì sẽ giàu hơn Hồng Kông đấy.

Hóa ra, cho dù cây cầu nghĩa cử đóng góp với thành phố đã thông xe, nhưng sự phát triển của doanh nghiệp Sơn Trường cùng các doanh nghiệp tư nhân khác trong cả nước, vẫn còn phải chờ đợi để được bước qua “cây cầu xin - cho” muôn thuở…

Mà như thế thì kinh tế nước Việt này còn… “tắc” lắm.

Kỳ Duyên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
11 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cây cầu 'ông Thắng' và nỗi niềm xin - cho