Chấp bút theo nghĩa thô là nhận lấy cái bút, cầm lấy bút để làm việc. Nghĩa văn vẻ thì chấp bút là khởi thảo, thực hiện một văn bản, công trình nào đó theo bản đề cương có sẵn, hoặc theo ý kiến, sự chỉ đạo của cá nhân hoặc tập thể nào đó.

Chấp bút chứ không phải chắp bút

12/11/2016, 12:04

Chấp bút theo nghĩa thô là nhận lấy cái bút, cầm lấy bút để làm việc. Nghĩa văn vẻ thì chấp bút là khởi thảo, thực hiện một văn bản, công trình nào đó theo bản đề cương có sẵn, hoặc theo ý kiến, sự chỉ đạo của cá nhân hoặc tập thể nào đó.

Nhớ lại dạo Tổng thống Mỹ Obama thăm Việt Nam hồi tháng 5.2016, nhân những sự kiện ông Obama diễn thuyết, phát biểu ở nơi này nơi nọ, nội dung rất hay, ấn tượng, có khá nhiều báo khai thác ở khía cạnh: những nội dung ấy ông Obama tự nghĩ ra, hay có ai chuẩn bị sẵn. Có 3 tờ báo viết rằng "ai đã chắp bút cho ông Obama?".

Xin nói ngay, viết thế là sai, phải viết là "chấp bút". Đây là một từ có thành phần Hán Việt nhưng đã được Việt hóa, dùng như từ thuần Việt. Chấp, theo nghĩa Hán Việt, là: cầm, giữ, nắm lấy, thực hành, nhận. Chấp chính là ai hoặc một tổ chức, lực lượng nào nó nắm giữ chính quyền; chấp đơn là nhận lấy cái đơn của người khác; chấp hành là chịu trách nhiệm thi hành những chương trình, kế hoạch đã định, đã được đặt ra, thông qua…

Chấp bút theo nghĩa thô là nhận lấy cái bút, cầm lấy bút để làm việc. Nghĩa văn vẻ thì chấp bút là khởi thảo, thực hiện một văn bản, công trình nào đó theo bản đề cương có sẵn, hoặc theo ý kiến, sự chỉ đạo của cá nhân hoặc tập thể nào đó. Người chấp bút là người làm cái công việc ấy. Chấp bút có thể là một người nhưng cũng có thể một nhóm người. Bản điếu văn do ông Lê Duẩn đọc tại lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9.9.1969 không phải do ông Duẩn viết mà do một nhóm cố vấn (các ông Đống Ngạc, Đậu Ngọc Xuân) chấp bút.

Hầu hết các tác phẩm hồi ký đều có người chấp bút. Người làm nhiệm vụ ghi lại, hệ thống lại những lời kể của ai đó để ra thành cuốn sách thì đó là người chấp bút. Nhà văn Hữu Mai nổi tiếng trong văn giới không phải chỉ bởi ông là tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết nổi tiếng như Vùng trời, Ông cố vấn... mà còn bởi ông đã chấp bút thành công hầu hết những cuốn hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đặc biệt là cuốn Từ nhân dân mà ra.

"Chấp" còn là từ thuần Việt, có nghĩa là cho ai đó được điều kiện lợi hơn mình, ví dụ “chấp hai đánh một, chấp cả làng…”, trường hợp này không có liên quan gì đến nghĩa chấp của chấp bút.

Còn “chắp” là từ thuần Việt, có nghĩa là ghép lại (những cái gì đó rời rạc) vào nhau, cho nó liền lại. Truyện Kiều có câu "Trong khi chắp cánh liền cành/Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên" để nói về tâm trạng của cô Kiều sau 15 năm mối tình Kim - Kiều gãy đổ, đứt đoạn, sợ chàng Kim không đủ cao thượng quên đi được quá khứ. Nhà thơ thiếu nhi Cẩm Thơ khi tưởng tượng ra hình ảnh tên lính Mỹ đầu hàng chú giải phóng quân có chi tiết rất tếu "Chắp tay lạy má xin cơm/Em mà có đói chả thèm thế đâu". Hai bàn tay khi úp lại với nhau cho nó dính liền ta gọi là chắp tay...

Còn viết là "chắp bút" rồi hiểu theo nghĩa chắp những cái bút lại với nhau thì quá thô thiển, làm hỏng hết vẻ đẹp của ngôn ngữ.

Có những từ, khi sử dụng, chỉ chịu khó nghĩ một tí thôi thì sẽ không sai.

Nguyễn Thông

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
9 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chấp bút chứ không phải chắp bút