Bắc Kinh hiện muốn các dự án “Vành đai và Con đường” tiếp tục được nối lại nhằm giúp vực dậy nền kinh tế hậu COVID-19, nhưng các nhà quan sát cho rằng dịch bệnh đã khiến các nước châu Phi giảm bớt hứng thú với sáng kiến do Trung Quốc khởi xướng.

Châu Phi không còn mặn nồng với ‘Vành đai, con đường’ của Trung Quốc

28/06/2020, 14:52

Bắc Kinh hiện muốn các dự án “Vành đai và Con đường” tiếp tục được nối lại nhằm giúp vực dậy nền kinh tế hậu COVID-19, nhưng các nhà quan sát cho rằng dịch bệnh đã khiến các nước châu Phi giảm bớt hứng thú với sáng kiến do Trung Quốc khởi xướng.

Dự án đường sắt thuộc sáng kiến

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), hầu hết các quốc gia ở châu Phi vẫn đang trong cuộc chiến ngăn dịch bệnh lây lan, do đó nhiều dự án thuộc sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, với tham vọng chi hàng nghìn tỷ USD để kết nối châu Á, châu Phi và châu Âu, đang bị tạm hoãn hoặc tiến triển rất chậm chạp.

Tuần trước, Bắc Kinh tiết lộ rằng khoảng 20% dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì COVID-19 và 30-40% bị ảnh hưởng một phần. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng tỏ ra lạc quan rằng ảnh hưởng của dịch bệnh có thể sẽ không quá lớn.

Trong cuộc họp hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường vào tuần qua, ông Vương cho biết Bắc Kinh muốn các dự án cơ sở hạ tầng chính được khởi động lại sớm nhất có thể để giúp các nước bảo vệ công ăn việc làm và góp phần ổn định kinh tế. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiết lộ rằng trong năm 2019, 29 thỏa thuận hợp tác với chính phủ các nước đã được ký kết, nâng tổng số thỏa thuận lên 200.

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc bị cáo buộc đã đẩy các quốc gia nghèo đói trên thế giới vào các bẫy nợ thông qua các dự án thuộc “Vành đai và Con đường”, cho các quốc gia này vay tiền để phát triển hạ tầng và dùng khoản nợ này để thao túng các nước. Cụ thể tại châu Phi, sáng kiến này đang đẩy nhiều quốc gia chìm ngập trong hố nợ sâu không đáy. Theo thống kê của Sáng kiến Nghiên cứu Trung Quốc - châu Phi của đại học John Hopkins (Mỹ), từ năm 2000-2018, Trung Quốc cho vay và cam kết cho các nước châu Phi vay 152 tỷ USD. Khoảng 80% đến từ các tổ chức nhà nước Trung Quốc.

Tại Đông Phi, Kenya vay Trung Quốc khoảng 9,8 tỉ USD để phát triển hạ tầng. Phần lớn các dự án lớn tại nước này đều do các công ty Trung Quốc xây dựng. Gần đây, truyền thông Kenya gây chấn động khi đưa tin chính quyền Kenya thế chấp cảng Mombasa khi vay 3,2 tỉ USD từ Trung Quốc để xây dựng tuyến đường sắt 470 km từ Mombasa đến thủ đô Nairobi. Trong trường hợp Kenya không thể trả nợ, Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Trung Quốc sẽ tiếp quản cảng Mombasa. Đây là một trong những hải cảng lớn và đông đúc nhất Đông Phi.

Một số nhà quan sát nhận định rằng, việc cho vay để xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng dĩ nhiên là không xấu. Nhưng các dự án mà Trung Quốc đang hỗ trợ thường không hướng đến nền kinh tế địa phương mà nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Trung Quốc tiếp cận dễ hơn với các tài nguyên thiên nhiên, hoặc để mở cửa thị trường cho các hàng hóa xuất khẩu giá rẻ, kém chất lượng của Trung Quốc.

Nhiều quốc gia ở châu Phi và châu Á hiện không thể tiếp tục thực hiện các dự án của Trung Quốc đầu tư bởi vì họ đang phải vật lộn với các khoản nợ. Tại Nigeria, dự án đường sắt 1,5 tỷ USD đang đối mặt với sự trì hoãn bởi COVID-19. Trong khi đó, nhiều dự án Trung Quốc đầu tư ở Zambia, Zimbabwe, Algeria và Ai Cập cũng tạm hoãn khi các nước này phải kiểm soát sự lây lan của coronavirus.

Chuyên gia từ tổ chức nghiên cứu AidData (Mỹ), Bradley Parks nói rằng khi số ca nhiễm COVID-19 đang tăng lên, rất khó để các nước duy trì công việc xây dựng như trước dịch. “Tôi nghĩ chúng ta sẽ chứng kiến sự sụt giảm mạnh liên quan tới việc thực hiện Vành đai, con đường”, Parks nói.

Kevin Gallagher, giáo sư chính sách phát triển toàn cầu tại Đại học Boston (Mỹ), cũng cho biết trong vài năm tới, việc đầu tư vào các dự an cơ sở hạ tầng liên quan tới sáng kiến “Vàng đại và Con đường” ở nước ngoài của Trung Quốc sẽ tiếp tục xu hướng giảm.

Giáo sư tại trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore), James Crabtree, nhận định “những tháng năm rực rỡ của Vành đai, con đường có thể sắp tới hồi kết”. Ông cho rằng Trung Quốc có thể đang đối mặt với áp lực chính trị từ 2 phía. Một là từ các nước nghèo muốn Trung Quốc xóa nợ và hai là từ người dân Trung Quốc, những người không muốn ngân sách bị gửi ra nước ngoài.

Thực trạng này đã khiến Trung Quốc phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn. Nếu chính phủ Trung Quốc tái cấu trúc hoặc xóa các khoản vay này, điều đó có thể gây áp lực lớn lên hệ thống tài chính cũng như khiến người dân Trung Quốc bất mãn bởi họ cũng đang chịu ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế. Nhưng nếu Trung Quốc kiên quyết siết nợ trong bối cảnh nhiều quốc gia đang phẫn nộ về cách thức quốc gia Đông Á này xử lý đại dịch, mục tiêu tăng cường ảnh hưởng và xây dựng hình ảnh toàn cầu của chính quyền Bắc Kinh có thể gặp rủi ro.

Thậm chí, nếu Trung Quốc đòi hỏi quá nhiều, các quốc gia vay nợ có thể đoàn kết và cố gắng thành lập một liên minh để cùng ứng phó với Bắc Kinh. Theo đó, họ có thể công khai các quy mô và điều khoản, điều kiện chấp nhận các khoản vay từ Trung Quốc, khiến vấn đề này trở nên rắc rối hơn với Bắc Kinh. Các quốc gia khác cũng có thể thay đổi hình thức cho vay, điều này có thể buộc Trung Quốc phải thay đổi cách làm của mình.

Hoàng Vũ (theo SCMP)

Bài liên quan
Elon Musk phàn nàn việc Trung Quốc cấm X sau khi ông Trump hứa giúp TikTok tiếp tục hoạt động ở Mỹ
"Cần phải thay đổi điều gì đó", Elon Musk viết trên mạng xã hội X của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tháo gỡ các rào cản về thể chế để phát triển khoa học công nghệ
8 giờ trước Sự kiện
Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo việc triển khai các nhiệm vụ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cần có trọng tâm, nhất là chú trọng tháo gỡ các rào cản về thể chế để phát triển khoa học công nghệ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Châu Phi không còn mặn nồng với ‘Vành đai, con đường’ của Trung Quốc