Năm 2020, Chính phủ giao chỉ tiêu dự toán thu ngân sách cho TP.HCM là 405.828 tỉ đồng, tăng 1,68% so năm 2019. Tuy nhiên, ngay từ những tháng đầu năm và dự báo những tháng tiếp theo, hàng loạt nguồn thu của TP.HCM đã bị sụt giảm mạnh do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Chỉ tiêu thu ngân sách TP.HCM năm 2020 khó đạt vì Covid-19

28/02/2020, 06:00

Năm 2020, Chính phủ giao chỉ tiêu dự toán thu ngân sách cho TP.HCM là 405.828 tỉ đồng, tăng 1,68% so năm 2019. Tuy nhiên, ngay từ những tháng đầu năm và dự báo những tháng tiếp theo, hàng loạt nguồn thu của TP.HCM đã bị sụt giảm mạnh do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

TP.HCM giảm nhiều nguồn thu vì Covid-19 - Ảnh: Internet

Hàng loạt nguồn thu giảm mạnh vì Covid-19

Theo bà Phạm Thị Hồng Hà - Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, trong 2 tháng đầu năm 2020, tổng thu ngân sách nhà nước tại TP.HCM ước đạt 65.485 tỉ đồng, đạt 16,14% dự toán, giảm 3,33% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân chính là ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến nhiều nguồn thu của TP.HCM giảm mạnh. Bên cạnh đó, hoạt động chuyển nhượng bất động sản và đầu tư vốn của cá nhân có sụt giảm, kéo theo thu ngân sách giảm.

Đơn cử, thuế thu nhập doanh nghiệp 2 tháng đầu năm có mức tăng trưởng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây, thuế giá trị gia tăng giảm 1,46% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, thuế tiêu thụ đặc biệt tháng 1.2020 cũng giảm 6,02% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch - Ðầu tư TP.HCM cũng cho biết, ở lĩnh vực công nghiệp, chỉ số Sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1.2020 của thành phố giảm gần 4% (cùng kỳ tăng 5,1%). Một số ngành có chỉ số giảm so với cùng kỳ như: chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 24,61%; sản xuất kim loại giảm 39,65%; công nghiệp chế biến chế tạo khác giảm 20,69%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 15,04%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 13,92%...

Không những vậy, 4 ngành công nghiệp trọng yếu tháng 1.2020 cũng giảm hơn 2,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2019 tăng 5,13%). Ngành sản xuất đồ uống cũng chỉ tăng 3,59%, thấp hơn mức tăng cùng là 7,2%. Bà Mai dự báo ngành sản xuất đồ uống có thể giảm sâu ở các tháng tiếp theo do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Trong khi đó, Cục Thuế TP.HCM nhìn nhận dịch Covid-19 thời gian qua đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu của các hộ kinh doanh và các doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực lưu trú, du lịch, vận tải, dịch vụ, ăn uống.

Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cũng cho biết, hiện nay hầu hết doanh nghiệp ở các ngành đều bị giảm sút doanh thu, tùy theo tính chất ngành hàng, tình hình nguyên liệu, lao động, đầu ra sản phẩm. Đặc biệt, những doanh nghiệp nhỏ và vừa sau dịch bệnh sẽ khó khôi phục hoạt động sản xuất bình thường như trước.

Tìm thêm nguồn thu mới

Trước tình trạng dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến kinh tế và nguồn thu ngân sách, chính quyền TP.HCM đã đưa ra nhiều phương án thúc đẩy nguồn thu mới cho thành phố.

Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM nói rằng thời gian tới, đơn vị này phải tập trung nhiều biện pháp để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách năm 2020. Cụ thể, Sở Tài chính sẽ tham mưu UBND TP.HCM các nội dung liên quan công tác quản lý tài chính ngân sách, tăng cường quản lý chi tiêu ngân sách, tài sản công; thực hành tiết kiệm và chống lãng phí trong quản lý chi tiêu ngân sách.

Trong khi đó, lãnh đạo Sở Kế hoạch - Ðầu tư TP.HCM thông tin ngay trong tháng 2 và những tháng tiếp theo, cơ quan này sẽ phối hợp các ban, ngành triển khai mạnh mẽ hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư trong nước và ngoài nước thông qua các sự kiện hội chợ triển lãm thương mại - đầu tư, khảo sát thị trường, kết nối doanh nghiệp. Cùng với đó là tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, tiếp xúc và trao đổi với các tập đoàn nước ngoài để thu hút đầu tư và mở rộng thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp.

Tương tự, Cục Thuế TP.HCM cho biết đang lắng nghe và ghi nhận các phản ánh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Trên cơ sở ghi nhận phản ánh đó sẽ có báo cáo UBND TP.HCM và Thành ủy TP.HCM, tham mưu các chính sách nhằm gỡ khó cho các hộ kinh doanh và doanh nghiệp.

Đáng chú ý, trước những khó khăn khách quan do dịch Covid-19 tác động đến kinh tế của thành phố, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu các sở ngành nhanh chóng tìm những giải pháp thúc đẩy 4 ngành công nghiệp trọng yếu trong những tháng tới.

Ông Nguyễn Thành Phong cũng nhấn mạnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ là cơ hội để thành phố nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng hàng hóa. Do đó, thành phố đã có chiến lược phát triển những sản phẩm chủ lực công nghiệp và nông nghiệp, cũng như đang xây dựng đề án về logistics và thương mại điện tử, cố gắng hoàn thành sớm để tận dụng cơ hội.

Ngoài ra hằng năm, thành phố tiếp nhận hơn 5 tỉ USD kiều hối từ kiều bào nước ngoài chuyển về, trong đó 72% được dùng cho đầu tư sản xuất. Ðể tận dụng tốt nguồn lực này, các đơn vị liên quan phối hợp tìm giải pháp đầu tư hợp lý, phát huy nguồn lực để thúc đẩy kinh tế. Sắp tới, TP.HCM sẽ tiếp tục đối thoại với doanh nghiệp theo từng lĩnh vực cụ thể.

Ông Nguyễn Thành Phong còn đề nghị Sở Du lịch tham mưu UBND TP.HCM xây dựng tờ trình để báo cáo Thành ủy xin ký kiến Thủ tướng Chính phủ trong việc giảm thuế đối với ngành du lịch và các hộ kinh doanh nhỏ lẻ trong lĩnh vực này.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chỉ tiêu thu ngân sách TP.HCM năm 2020 khó đạt vì Covid-19