Bố thí có nghĩa là cho một cách rộng rãi. Nhiều người nghĩ phải có tiền mới bố thí được, nhưng thật ra, bất kể chúng ta bố thí thứ gì, nếu không có tấm lòng thì sự bố thí đó chưa trọn vẹn.
Văn hóa

‘Chia sẻ từ trái tim’: 5 loại bố thí mà ai cũng làm được

Hạ Vĩ 07/07/2024 12:56

Bố thí có nghĩa là cho một cách rộng rãi. Nhiều người nghĩ phải có tiền mới bố thí được, nhưng thật ra, bất kể chúng ta bố thí thứ gì, nếu không có tấm lòng thì sự bố thí đó chưa trọn vẹn.

Một hôm có một người đến gặp và hỏi đức Phật: “Bạch đức Thế Tôn, tại sao con nghèo hoài thế này?”. Đức Phật trả lời: “Vì con chưa học cách bố thí”. “Con không có gì để bố thí hết”. Phật dạy rằng cho dù không có tiền, chúng ta vẫn có những cái sau đây có thể bố thí:

Cho người khác nụ cười

Thứ nhất là nhan thí. Nhan là sắc diện. Sắc diện của mình là gì? Là nụ cười. Bố thí nụ cười được không? Được. Vì nụ cười thường làm người khác dễ chịu. Bố thí nhan là cho người ta nụ cười. Nhưng ở đời có nhiều kiểu cười lắm. Có nụ cười hoan hỉ, có nụ cười khinh chê, có nụ cười mỉa mai, có nụ cười đắc chí - thấy người khác khổ mình cười đắc chí… Cho nên vui tánh là tốt, nhưng phải biết vui đúng chỗ. Tới đám tang, gia đình người ta có người thân mất, khổ gần chết mà mình cứ ngồi đó nói tếu, nói giỡn thì không được. Nhan thí là cho người khác nụ cười cùng với cái nhìn của mình.

5c6b45db-5407-4494-9b0e-28bb55514b99.jpeg

Lời nói nhẹ nhàng

Thứ hai là ngôn thí. Tức là lời nói nhẹ nhàng, ái ngữ. Ví dụ, an ủi người khác. Cho nên mình ngôn thí mỗi khi gặp nhau. Nếu gặp ở chùa thì “Mô Phật, chào quý vị”, nếu gặp ở ngoài đường thì “Hello”.

Tại sao gặp người lạ ở ngoài đường thì mình chào được, mà gặp người ở trong cùng cộng đồng, mình không chào được? Tức là mình bị vướng cái chấp. Cái chấp ngăn che mình. “Người đó không chào tui, mắc gì tui phải chào lại”. Như vậy là mình chưa ngôn thí. Người ta không chào mình, mình chào họ mới là phi thường. Còn người ta không chào mình, mình không chào lại thì tầm thường quá.

Cho nên đặc biệt là ở chỗ chúng ta vượt lên cái bình thường. Như vậy nhà Phật gọi là thù thắng. Cái gì vượt hơn cái bình thường là thù thắng. Ví dụ, một người có lỗi với mình, mình mắng họ. Như vậy là bình thường. Dù mình có mắng họ, họ cũng sẽ im lặng chịu nghe mình mắng, vì đó rõ ràng là lỗi của họ. Nhưng mình không làm cái bình thường đó, mình không mắng họ.

Có một vị hòa thượng. Hòa thượng có một bình xông trầm từ thời vua chúa, quý lắm. Một hôm hòa thượng đi vắng, chú đệ tử ở nhà lau chùi, làm nó rớt bể. Chú sợ quá chừng, vì chú biết hòa thượng rất thích chiếc bình xông trầm đó. Ban đầu chú định giấu, nhưng sợ hòa thượng biết thì không hay nên cuối cùng chú đệ tử chuẩn bị tinh thần để nghe thầy mắng. “Thầy có mắng mình ba ngày, ba đêm hay ba tháng mười ngày, mình cũng phải chịu.”

Nhưng khi hòa thượng về, nghe chú đệ tử trình bày xong, hòa thượng nói: “Bể rồi thì thôi. Của cải vô thường mà. Thầy rồi cũng sẽ chết chứ có sống hoài để giữ nó đâu. Thì thôi nó đi trước thầy để thầy khỏi luyến tiếc”. Chú đệ tử nghe thầy nói vậy cảm thấy tâm mình nhẹ ra liền.

Trong cuộc sống của mình có những “sự việc đã rồi” như vậy, và phản ứng tự nhiên của mình thường là “Chết rồi, trời ơi…”, rồi mình suy diễn cái này là thế này, cái này là thế kia. Đó là cách phản ứng bình thường của mình. Nhưng mình phải làm sao để ngay lúc đó mình trấn tĩnh lại liền. Đừng để sự sợ hãi của người đó gia tăng theo lời mình nói. Họ làm đổ bể, họ đã sợ rồi mà mình còn đôn đốc thêm, tưới tẩm thêm nỗi sợ đó. Như vậy là thiếu loại bố thí thứ ba: vô úy thí.

Vô úy thí là cho người khác sự không sợ hãi. Có một chú phật tử, chú lên đây để thay gan. Lúc mới bị bệnh, chú sợ lắm. Pháp Hòa đem trường hợp người này người kia bị bệnh ra làm ví dụ để chú an tâm. Chứ người ta đã bệnh vậy, mình còn nói “Trời ơi, bệnh này nguy hiểm lắm. Tui thấy rồi, mười người bị thì cả mười người đều không qua khỏi”... Cũng là nói thật đó, nhưng mình phải có hiểu biết.

Cho cả tấm lòng

Thứ tư là tâm thí. Tâm thí là bố thí tâm từ ái của mình. Nhiều khi mình không có tiền của để cho một người nào đó, nhưng mình có thể cho họ cái tâm của mình. Tâm thí là cho người khác tấm lòng của mình.

Một hòa thượng đang đi trên đường thì gặp cướp. Nó đẩy hòa thượng vô một góc và dọa đánh ngài. Hòa thượng ngồi xuống khóc. “Trời, hòa thượng này tu mà nhát gan quá. Tui mới nhá mà ông đã khóc rồi.” Hòa thượng nói: “Không, tui tu rồi còn sợ gì nữa. Tui khóc vì thương mấy ông, còn trẻ mà không lo làm ăn lương thiện, lại lôi kéo cả người khác theo mình làm ăn cướp. Đời này mấy ông làm khổ mẹ cha, làm khổ gia đình. Không những hiện tại, tương lai đều mất mà khi chết còn bị đọa lạc nữa. Tui khóc là khóc thương cho cuộc đời mấy ông chứ một mình tui, tui chết có sao đâu”. Nghe hòa thượng nói vậy, cả đám cướp bỏ dao xuống, sám hối và trở về nhà tu chí làm ăn. Quý vị thấy đó, đôi khi chúng ta khóc vì lòng từ bi.

Cho nên nếu thấy bất cứ ai đau khổ hay gặp bất cứ chuyện gì, dù họ là người thiện, lành hay không, mình cũng cầu nguyện được cho họ. Cho nên nếu thấy được điểm này, chúng ta sẽ rộng lòng bố thí.

Quý vị cũng đừng nên có quan niệm có tiền mới đi chùa được. Đâu phải chùa chỉ cần tiền. Không có tiền cúng dường, mình vẫn có thể đến chùa để làm việc thiện nguyện, để tu tập, để khuyến tấn (khuyến khích, động viên) những bạn đồng tu khác. Bây giờ quý vị thử nghĩ xem, nếu người ta tới chùa thật đông mà không ai ngôn thí, ai cũng nói chuyện khó nghe thì từ từ người ta cũng bỏ, không tới chùa nữa.

bad93a80-68f7-4544-830c-5925857084e7.jpeg

Cho ánh mắt

Nhan thí là cho nụ cười, ngôn thí là cho lời nói, tâm thí là cho tấm lòng của mình, còn nhãn thí là cho ánh mắt của mình. Ánh mắt của mình cũng nguy hiểm lắm đó. Nhiều khi vì cách mình nhìn người ta mà người ta ngại không dám đi chùa nữa.

Như vậy, nhãn thí là cho người khác cách nhìn của mình. Nhưng thường thì sau khi luyện cho con mắt này rồi, mình cũng phải trở lại luyện tâm. Tại vì tâm mình thế nào thì ánh mắt mình nhìn sẽ ra như vậy. Câu “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn” là vậy đó, nó biểu lộ hết. Khi mình tức giận, đôi mắt của mình biểu lộ sự tức giận. Khi mình vui, đôi mắt của mình cũng ánh lên niềm vui, nhưng khi mình cố gượng cười, đôi mắt của mình sẽ không cười nổi. Vì vậy người ta nói: “Chị này/anh này cười cỡ nào thì mắt cũng không cười nha”. Cho nên nhãn thí cũng quan trọng.

Ví dụ, một đứa con nít đang nhõng nhẽo và mình muốn nó nín, mình thường làm gì? Mình trừng mắt với nó, phải không? Thấy mình trừng, sợ quá nên nó nín. Người lớn cũng vậy, nhiều khi có người trừng mình một cái, mình im re, chứ không thì mình tung tỏa ra hết. Có những người chỉ cần nhìn là đủ, nhưng có những người phải trừng mới hiểu. Nhìn hay trừng như vậy đều xuất phát từ tấm lòng. Quan trọng là tấm lòng, là nhãn thí.

Đem hết khả năng của mình để giúp đỡ

Loại bố thí thứ năm là thân thí. Là mình dùng thân này giúp đỡ cho người. Loại thân thí này, mình cũng làm được.

Có một câu chuyện về một vị hòa thượng ở Hàn Quốc. Một hôm, vào nửa đêm, người đệ tử thấy thầy mình ẵm về phòng một cô gái. Sau đó ngài đóng cửa phòng không cho ai vô hết. Tới bữa cơm, ngài cũng ăn ở trong đó. Vì vậy, khi có khách tới tìm hòa thượng, người đệ tử cũng không dám để cho khách vô. Nhưng sau đó, người đệ tử nghĩ: “Dù sao đi nữa, mình cũng phải làm ra lẽ với sư phụ”. Cho nên một hôm, người đệ tử tông cửa xông vào. Vị đệ tử đó la làng lên và nói nhiều lời thất lễ với thầy mình.

Nghe thấy những lời này, cô gái đang nằm trên giường xoay người lại nhìn. Lúc đó, người đệ tử mới quỳ xuống, nói: “Thưa thầy, con đã nói những lời vô lễ với thầy. Bây giờ con xin rút lại những lời đó. Cái sai thuộc về con hết”.

Quý vị biết tại sao không? Vì cô gái đó bị bệnh phong. Thấy cô đó nằm ở ngoài đường không ai giúp, hòa thượng mới ẵm cô về chăm sóc, nhưng vì sợ đại chúng ghê sợ bệnh tật của cổ nên ngài đưa cổ về phòng để không ai thấy. Như vậy, thân thí có nghĩa là mình đem hết khả năng của mình để giúp đỡ cho người.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào
4 giờ trước Sự kiện
Trong khuôn khổ tham dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gặp và trao đổi với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Chia sẻ từ trái tim’: 5 loại bố thí mà ai cũng làm được