Nếu gặp người nào tu mà không dễ thương, mình đừng thất vọng. Bởi “Nhân hư, đạo bất hư”. Đạo đâu có hư, chỉ tại người thôi. Cho nên nếu hiểu như vậy, mình sẽ sớm đứng được nghiệp tiêu cực của mình. Mình sẽ không thụt lùi và sa sút.
Đó cũng là nghiệp
Mỗi người đều có nghiệp riêng và nghiệp chung. Ví dụ, hồi trước mình sống khổ lắm nên cái gì mình cũng cất đi, để dành. Sau này, mặc dù đời sống dư dả, chai lọ không thiếu nhưng mình vẫn cất đầy nhà. Vì mình quen cái “nghiệp cất” rồi. Không xài cũng cất, vì bỏ thì tiếc. Nhiều khi mấy đứa con dọn dẹp quăng hết mấy cái chai lọ ra sân, mình lại len lén bưng vô. Cất giấu như vậy là nghiệp. Mặc dù nó không phải là tội lỗi gì cả, nhưng mình thế nào thì mình thừa nhận thế đó. Mình thừa nhận để biết, để khi nào cần dứt cái nghiệp thì phải dứt.
Cho dù mình có thói quen tích trữ đi nữa, trong tâm mình phải nuôi một ý niệm trong đầu: đây là của vô thường. Cất để dành khi cần dùng nhưng hễ đi là phải bỏ. Nhớ vậy thì khi chết sẽ không lưu luyến. Nếu không, chết mà vẫn nhớ mấy cái hũ đựng chao. Cái đó nó làm mình trì trệ.
Tại sao người ta tập buông? Vì người ta sợ rằng cái nghiệp tích trữ, lưu luyến đó sẽ ảnh hưởng đến tâm thức của mình. Cho nên hằng ngày, những gì chúng ta cần xài thì cứ xài, nhưng trong tâm phải nuôi ý niệm “vật chất vô thường”. Mình còn không thật, huống chi của cải vật chất. Hồi mình qua đây không có gì, mai mốt mình đi cũng không có gì. Phải nuôi cái tâm đó để nó trở thành nghiệp thiện để mình không tái lai (tức là trở lại đời sống thế gian). Các vị Bồ Tát tái lai, trở lại cõi đời này để độ chúng sanh. Mình tái lai để làm gì? Để giữ của. Giữ của vì thương con nhớ cháu. Đó là nghiệp.
Tại vì mình từng nghèo khổ, lúc nào cũng dự trữ nên quen rồi. Pháp Hòa đảm bảo không người Việt nào không dự trữ hai, ba bao gạo trong nhà, mặc dù đang sống trong thời bình. Giấy vệ sinh giảm giá, hễ chỗ nào có tóc đen (Ý nói người châu Á) là họ bán với số lượng giới hạn. Mặc dù loại giấy này không hề bị giới hạn số lượng ở những Costco có nhiều người Mỹ. Costco nào có người Việt đều phải làm vậy. Nhưng Costco tính không qua mình tính (Người tính không qua trời tính). Mình quay trở vô, mua thêm rồi đi qua quầy khác tính tiền. Mỗi người được cho mua sáu cái nhưng rốt cuộc xe người nào cũng trên hai chục cái. Trời ơi, mình cũng biết tính dữ lắm, đi ra rồi đi trở vô, còn không thì dẫn nguyên một nhà đi, phân chia nhau: “Nè, qua đó tính nha, qua đó tính nha”.
Quý vị biết tại sao Pháp Hòa biết không? Pháp Hòa làm y chang. Pháp Hòa mua cho chùa. Mình làm rồi bắt đầu kiếm cách tự bào chữa: “Tôi mua cho chùa”. Đi đâu cũng trả giá – cái nghiệp trả giá – mà trả giá xong lại kiếm cách để bào chữa: “Tôi mua cho chùa”. Tự giới thiệu như vậy để nài ép người ta bớt cho mình.
Khi nào biệt nghiệp thành cộng nghiệp?
Mỗi người có nghiệp riêng, gọi là biệt nghiệp. Nhưng sống chung với người nào, biệt nghiệp lây thành một cái tập nghiệp. Đó là nghiệp chung của cộng đồng, còn gọi là cộng nghiệp.
Pháp Hòa ví dụ, mình có năm đứa con. Năm đứa nó là con của mình, nhưng năm đứa là năm cá tính. Cá tính là biệt nghiệp, là nghiệp riêng của mỗi đứa, mình nói sao được. Thậm chí mỗi bữa ăn, nhìn vô là biết món này dành cho đứa này, món kia dành cho đứa kia. Tại vì người mẹ biết biệt nghiệp của từng đứa con. Người mẹ là giáo chủ của các loại nghiệp. Chồng một nghiệp, con mỗi đứa một nghiệp. Mình làm mẹ, làm vợ, nên mình phải thâu nhận hết.
Cứ như vậy, riết rồi mình bị lây. Có những người ăn cay nhưng sống chung với người không ăn cay nên cuối cùng bỏ ăn ớt theo người kia luôn, chứ nếu không thì khó ăn, khó nấu quá. Lâu ngày họ cũng quen không ăn cay. Cho nên chúng ta biết mỗi người đều có nghiệp riêng, nhưng chúng ta phải cẩn thận: biết mỗi nghiệp riêng là thiện hay bất thiện.
Nếu đó là nghiệp bất thiện, chữ tu mới bắt đầu hiệu nghiệm. Tu là gì? Là chỉnh sửa nghiệp. Mình không nên nói “Tôi là vậy đó”. Mục đích của cuộc sống chung là gì? Tại sao gọi là chúng sanh? Chúng sanh là gì? Là cùng chung mà sống. Mà mỗi chúng sanh, mỗi biệt nghiệp. Rồi khi về sống chung, chúng ta ảnh hưởng biệt nghiệp của nhau, thành cộng nghiệp. Cho nên khi mỗi người chúng ta làm một việc thiện, lâu ngày, đông đảo, chúng ta có nghiệp thiện chung. Đó là cộng nghiệp, mà là cộng nghiệp thiện. Ngay bây giờ, cả thế giới đang có một cộng nghiệp, dưới con vi-rút.
Quý vị nhớ là không phải lần đầu mình có cộng nghiệp. Không năm nào không có những cộng nghiệp. Ví dụ, New York bị khủng bố cách đây 19, 20 năm và kể từ đó, chúng ta bị một cộng nghiệp: kinh tế xuống dốc trong suốt một thời gian dài. Trước vụ khủng bố đó người ta không kiểm tra an ninh nhiều, nhưng bây giờ hành khách bị xét rất kỹ. Ngày xưa mình có thể mang chất lỏng lên máy bay nhưng bây giờ, cái gì có nước hoặc chất lỏng trên 100ml đều không được. Bây giờ, kể từ tháng Mười Một vừa rồi, đặt chân tới phi trường Mỹ hay Canada thì sẽ thấy cái máy hiện lên câu “Anh từng đi qua Vũ Hán chưa?”. Bữa nay cái máy không hỏi câu đó nữa, mà quý vị biết thay bằng câu gì không: “Bạn có đến Iraq trong mười bốn ngày qua không?”. Vì Iraq đang bị ảnh hưởng dịch rất nặng. Bây giờ nếu Pháp Hòa qua Mỹ rồi mai mốt trở về Canada, thể nào cũng sẽ gặp lại câu hỏi đó. Hễ nước Mỹ bị cái gì đó thì các nước khác đều bị ảnh hưởng. Đó là ảnh hưởng chung, vì một cái bị ảnh hưởng thì những cái khác cũng bị ảnh hưởng.
Trong một gia đình, mỗi thành viên đều có biệt nghiệp và biệt nghiệp của mỗi người sẽ ảnh hưởng tới cộng nghiệp của cả gia đình. Ví dụ, mình có một người chồng nóng tính, hay la hét. Cứ mỗi lần tức giận, ổng quát tháo là cả nhà bị ảnh hưởng, mấy đứa con chịu trận hết. Nếu như mình không chuyển hóa được cái biệt nghiệp của ông chồng thì những đứa con của mình sẽ thường xuyên ở trong cơn khủng hoảng.
Cho nên chúng ta phải có chánh niệm, phải tỉnh thức để biết từng cái biệt nghiệp của mình. Nếu thấy biệt nghiệp nào không thiện, chúng ta phải tìm cách chuyển nó để nó dần trở thành nghiệp thiện. Ví dụ, mình đi ra sân khi trời lạnh và mình mặc một áo khoác, nhưng nếu thấy chưa đủ ấm, mình mặc thêm một cái nữa. Ở nhà, mình tăng nhiệt độ máy sưởi cho ấm. Sau đó thấy nóng quá, mình giảm nhiệt độ, và nếu thấy lạnh, mình lại tăng. Nói chung trong cuộc sống này, mọi việc đều có thể tăng giảm. Bản thân chúng ta cũng như thế. Chúng ta cần chỉnh sao cho chúng ta ở trạng thái bình thường, không bất thường và cũng không tầm thường. Chúng ta phải ở trạng thái bình thường.