Chúng ta phải có quán chiếu, tức là soi rọi lại chính mình để thấy rõ vấn đề. Chúng ta quán chiếu để sống sâu sắc hơn, hài hòa hơn, biết trải lòng hơn với tất cả mọi người - lối sống mà chúng ta thường gọi là “sống đơn giản”.
Văn hóa

‘Chia sẻ từ trái tim’: Sống sao cho đơn giản

Hạ Vĩ 06/07/2024 13:28

Chúng ta phải có quán chiếu, tức là soi rọi lại chính mình để thấy rõ vấn đề. Chúng ta quán chiếu để sống sâu sắc hơn, hài hòa hơn, biết trải lòng hơn với tất cả mọi người - lối sống mà chúng ta thường gọi là “sống đơn giản”.

Cuộc sống lẽ ra rất đơn giản

Bây giờ mình nhìn bình hoa người ta cắm như vầy, mình nhận diện đơn thuần thôi: “Ồ, bình hoa này đẹp”. Không cần phải lấy cái đẹp của tuần trước hay tháng trước ra để so sánh, bởi vì kỳ trước nó đẹp theo kiểu của kỳ trước, kỳ này đẹp theo kiểu của kỳ này. Nếu mình cứ nhận diện đơn giản, tức là đơn thuần và đơn giản thì sao? Mình đỡ phiền não mà người cắm ra bình hoa cũng đỡ phiền lụy với mình - không làm mà thích chê - phải không? Chính cái “không làm mà thích chê” của mình làm mình mất đi sự đơn giản, trong khi cuộc sống lẽ ra rất đơn giản. Đúng ra mình không có bình hoa nữa đó, nên có thì cứ hưởng thôi. Tập sống đơn giản như vậy, mình cũng đỡ khổ. Vì vậy mình thường nghe câu “Hãy sống đơn giản”.

Tại sao cuộc sống con người có quá nhiều nhân họa (đó là chưa kể thiên tai)? Nhiều khi chúng ta có quá nhiều nhu cầu, mà nhu cầu nhiều chừng nào thì nhân họa, thiên tai nhiều chừng nấy. Ví dụ, bây giờ nhu cầu mỗi ngày là phải có bao nhiêu ký thịt heo, thịt bò, cho nên người ta phải nuôi con heo trong vòng ba tháng. Hay bây giờ mỗi ngày chúng ta cần một lượng rất lớn rau củ để cung cấp cho thế giới, do đó người ta bắt buộc phải xịt thuốc. Bây giờ người ta có những loại thuốc mà chỉ trong vòng một hoặc hai ngày là đã có thể thu hoạch rau xà lách. Rồi có những loại chất bảo quản, có thể giữ rau củ trong vòng sáu tháng cho tới một năm, ở ngoài nhìn rất tươi nhưng bên trong đen thui.

Cho nên nếu trong đời sống của chúng ta, mỗi ngày chúng ta tập đơn giản hóa vài việc thì tự nhiên cuộc sống của mình cũng nhẹ nhàng, những người xung quanh chúng ta cũng thấy nhẹ nhàng và tai họa gây nên bởi sự gây gổ, trách móc, phiền giận, khổ lụy với nhau cũng giảm đi.

07a3d8e6-235b-4fe8-bb54-28852d054435.jpeg

Pháp Hòa đơn cử hai chuyện đơn giản nhất trong cuộc sống của mình, đó là chuyện ăn và chuyện mặc. Nếu mình tập ăn đơn giản, tập mặc đơn giản, mình có đỡ khổ không? Đỡ lắm.

Đại chúng thấy mình cũng có phước, phải không? Đời trước mình có tạo phước nên đời này mình mới đang hưởng phước. Nhưng khi đang hưởng phước, mình đừng hưởng hết. Mình phải biết để dành một phần để cúng dường, hiến tặng. Để làm gì? Để chúng ta tích phước. Một vị hòa thượng nói rằng hằng ngày mình tụng kinh, niệm phật, bố thí, làm lành - làm như vậy là đúng, là mình đang tạo phước, nhưng chưa đủ, mà mình còn phải tu bòn, tu mót. Vì không có cơ hội làm việc thiện mỗi ngày nên chúng ta phải tu bòn, tu mót, bằng cách tập đơn giản hóa cách sống của mình. Và đừng phung phí phước, đừng đày đọa người khác quá.

Ví dụ bây giờ người ta nấu cho mình ăn, nếu lỡ như thiếu một miếng ngò, một miếng tiêu, đừng cầu kỳ chi mấy chuyện đó, đừng phiền lụy chi mấy chuyện đó, đừng giằng co, khó khăn chi mấy chuyện đó thì tự nhiên có phước. Nếu mình đơn giản trong chuyện ăn uống, tự nhiên người nấu nướng cho mình cũng cảm thấy nhẹ nhàng. Lẽ ra người ta còn có công việc của người ta nhưng vì cái khó ăn khó uống của mình mà họ suốt ngày phải lo sáng ăn gì, trưa ăn gì, chiều ăn gì, vì vậy mình nên tập ăn uống đơn giản.

Hãy cảm nhận mọi chuyện một cách đơn giản

Hễ có ăn thì có mặc, nên người ta thường nói “ăn mặc”. Mình cũng nên tập làm sao ăn mặc đơn giản. Đơn giản không có nghĩa là lên rừng ở. Mình vẫn phải dùng những thứ cần thiết nhưng đôi lúc mình cần nhẹ nhàng, linh hoạt. Đừng để những cái đó làm khổ mình. Chuyện mặc cũng là một trong những cái làm mình khổ. Chẳng hạn như áo này phải đi với khăn kia, đi với nón nọ. Thậm chí mình sắm một lô đồng hồ để nó đi theo những bộ áo quần của mình, nếu không mình sẽ khó chịu. Ví dụ, mình thích màu đỏ nên thậm chí cái laptop mình xài cũng phải màu đỏ. Mình đi hết tiệm này tới tiệm kia, rồi thậm chí khi đi bất kỳ đâu trên thế giới, mình cũng tìm tới những tiệm đó để mua cho được cái laptop màu đỏ, nhất định phải màu đỏ, ví dụ vậy. Cái đó không có gì là tội lỗi nhưng mình cần thấy rõ là mình có phần bị trói buộc.

Cho nên mình tập sống đơn giản - ăn đơn giản, mặc đơn giản, nói năng đơn giản, và đơn giản cả trong chuyện mua sắm. Cái gì mình cần mới mua, cái gì mình không cần thì không sắm. Pháp Hòa thấy người Mỹ hay sử dụng câu “Những thứ miễn phí thật ra không miễn phí”, tức là có những thứ họ cho không nhưng những thứ đó mình đem về nhà chỉ làm chật nhà mình. Cho dù được cho miễn phí, mình cũng đừng lấy nhiều hơn những gì mình cần.

Mà ngộ lắm, nhà mình hồi xưa nhỏ chút xíu, chừng đó đồ đạc xê dịch tới lui cũng đủ chỗ, còn bây giờ nhà mình rộng gấp đôi nhà cũ nhưng không hiểu sao một hồi nó cũng chật. Rồi bữa nào thấy nhà cửa chật chội quá, mình bắt đầu dọn dẹp. Mình quăng, liệng, vứt, bỏ hết những thứ mình không dùng tới. Rồi mình lại bắt đầu đi tới đi lui nhìn mấy chỗ trống đó. Chỗ này trống mình khiêng về chậu cây, chỗ kia trống mình để cái kệ, riết rồi tự nhiên mình dời cái này đi để có chỗ trống mà lại rước cái khác về.

15345282-3fef-494d-a610-a7f794f70cf7.jpeg

Kiểu của mình là vậy, ít khi nào mình để nó trống. Hễ thấy nhà mình có bức tường trống là mình kiếm bức tranh về treo. Chỗ này có bức tranh rồi thì chỗ kia cũng phải treo một bức nữa cho nó đối xứng. Rốt cuộc nhà mình lại chật chội. Cho nên mình mua sắm đơn giản thôi.

Thậm chí khi đi du lịch, mình cũng cần đơn giản. Du lịch là trải nghiệm chỗ này chỗ kia, là tận hưởng, vậy mà mình mang xách quá chừng. Pháp Hòa nhớ mấy lần đi hành hương có người đi không nổi vì vác cái ba lô to tổ bố. Trong đó có gì? Nào là nước, nào là bánh kẹo, đồ ăn, nào là laptop, điện thoại, rồi giày nữa – chỗ nào cần giày cao gót lấy ra mang, tới chỗ khác cất vô, lôi giày bata ra. Cho nên họ đi không nổi, vì mang đồ nặng quá. Thì ra cuộc sống đơn giản có nghĩa là mình bỏ bớt những gì không cần thiết. Khi đó, tự nhiên mình thấy nhẹ nhàng.

Trong cuộc sống của mình, để giảm bớt phiền não, mình cần tập cho cái tâm của mình cảm nhận mọi chuyện xung quanh một cách đơn giản. Chẳng hạn như người ta nói với mình chuyện gì đó, mình nghe đơn giản thôi, đừng có nghe rồi bắt đầu phăng ra đủ thứ, suy diễn đủ thứ. Mình nói: “Trời ơi, tôi mà, họ nói một, tôi hiểu tới mười”. Mình nghĩ mình như vậy là giỏi nhưng thật ra cái đó làm mình khổ, tại vì mình cứ suy diễn lời người khác nói. Ví dụ, mình tới gặp một người. Người đó mời mình ăn rồi nói chuyện gì đó. Mình nghĩ: “Họ nói vậy chứ không tốt lành gì đâu. Họ nói móc mình đó”. Nhiều khi có những điều người ta nói bằng cái tâm đơn giản nhưng mình lại không cảm nhận sự việc một cách đơn giản.

Người Mỹ có một câu đại ý là nếu mình không có được điều mình mong muốn, mình nên học cách để bình an, vui vẻ với những gì mình có. Nếu được như vậy, tự nhiên cuộc sống của mình sẽ trở nên nhẹ nhàng dù nó lên hay xuống.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp các Tổng thống Guinea-Bissau, Madagascar và Ghana
3 giờ trước Sự kiện
Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19, tại Lâu đài Villers-Cotterêts, Pháp, chiều 4.10.2024 (giờ địa phương), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tiếp xúc ngắn với Tổng thống Guinea-Bissau Umaro Sissoco Embaló, Tổng thống Madagascar Andry Nirina Rajoelina và Tổng thống Ghana Nana Addo Dankwa Akuffo-Addo.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Chia sẻ từ trái tim’: Sống sao cho đơn giản