Tàu ngầm Nga thế hệ 5 sẽ trang bị robot quân sự, theo Đô đốc Viktor Chirkov, Tư lệnh hải quân Nga nói với hãng tin RIA Novosti ngày 17.6.
"Khả năng tác chiến của tàu ngầm đa năng qui ước và hạt nhân sẽ được cải thiện trong tương lai, thông qua sự triển khai hệ thống robot đầy hứa hẹn vào số vũ khí của tàu ngầm. Lĩnh vực này đã được lập kế hoạch và đang triển khai kế hoạch này”, vị đô đốc nói.
Ông Chirkov nhấn mạnh các quy định khắt khe của việc đóng tàu, yêu cầu không có chuyện ngưng sáng tạo thế hệ tàu ngầm mới. Vì công việc này phải đáp ứng thời hạn đóng xong tàu ngầm, chu kỳ sử dụng tàu chiến tàu ngầm, cùng những phát triển nhanh chóng của những tiến bộ kỹ thuật và khoa học.
"Từ đó, chúng tôi yêu cầu ngành đóng tàu ngầm không được nghỉ ngơi, bắt đầu thiết kế thế hệ tàu ngầm kế tiếp càng nhanh càng tốt sau khi thiết kế xong một kiểu trước. Đó là cách duy nhất để hải quân Nga có thể bám kịp tiến bộ kỹ thuật và có những tàu ngầm đáp ứng những đòi hỏi mới nhất”, đô đốc Chirkov nói.
Hiện tàu ngầm thế hệ 4 đang được chuyển cho hải quân Nga: tàu ngầm tấn công đa năng lớp Yasen (NATO đặt tên là Severodvinsk) và tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Borey. Khi dự lễ thượng cờ một chiếc tàu ngầm lớp Yasen, đô đốc Chirkov nói đã thiết kế xong lớp tàu ngầm thế hệ 5.
Ngày 30.5, chính phủ Nga cũng công bố một phòng thí nghiệm robot quân sự đã đi vào hoạt động. Ông Oleg Bochkarev, phó chủ nhiệm Ủy ban công nghiệp quốc phòng (thuộc Chính phủ Nga) nói phòng thí nghiệm này đã được xây và đã hoạt động, nhưng không cho biết địa điểm cùng hoạt động của cơ sở mới này.
Hồi năm 2013, phó Thủ tướng Dmitry Rogozin, người phụ trách mảng công nghiệp quốc phòng, đã công bố kế hoạch xây dựng phòng thí nghiệm trên. Lúc ấy, ông Rogozin tỏ bày quan tâm việc sử dụng người máy để ngăn chặn những đe dọa khủng bố, hạn chế thương vong trong trường hợp xảy ra một vụ tấn công khủng bố.
Hồi tháng 3.2014, ông Rozogin nói Nga thật sự muốn có những chiến binh người máy để bảo vệ biên giới, không nhất thiết phải là những chiến binh khổng lồ có hình người. Ông cũng nói Nga đang nghiên cứu lĩnh vực này. Khi trả lời phỏng vấn của nhật báo Rossiiskaya Gazeta hồi tháng 3, phó thủ tướng Rogozin cho biết đã phát triển các dự án gồm robot biết lái xe bắn súng. Ông cũng nói tới một hệ thống chiến đấu “có khả năng tự tấn công” nhưng không nói thêm chi tiết.
Vấn đề ở chỗ Nga cùng các nước khác công nhận sự lo ngại về việc tạo ra các cỗ máy cho phép giết người, khi Nga tham dự cuộc hội thảo đầu tiên của Liên Hiệp Quốc về “sát thủ robot”, tổ chức ở Geneve hồi trung tuần tháng 5. 2014.
Tại hội thảo về một số vũ khí quy ước này, các chuyên gia bàn về những hệ thống vũ khí tự động gây sát thương. Hội thảo có sự tham dự của 30 quốc gia, gồm các cường quốc quân sự Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Đức, Ấn Độ nhưng không có Trung Quốc.
Cho đến nay, chưa có công nghiệp quân sự nào có thể tạo ra một robot tuân lệnh giết người, theo các chuyên gia về lĩnh vực này. Nhưng vũ khí tự động hiện đại có thể hướng tới khả năng đó, theo cảnh báo của tổ chức “Chiến dịch ngăn chặn người máy sát thủ”, lý do chính của cuộc hội thảo nói trên ở Geneve.
Tổ chức này lập năm 2013, nhằm vận động cấm toàn thế giới có vũ khí sinh-hóa và vũ khí hoàn toàn tự động. Hội thảo là bước đầu tiên nhằm tìm một chủ trương quốc tế về vấn đề này. Cuộc thảo luận quốc tế kế tiếp sẽ tổ chức trong tháng 11 tới, nhưng ban tổ chức nói có lẽ phải mất nhiều năm mới có thể đạt được cấm toàn bộ các loại vũ khí trên.
Họ có lý do để hy vọng: chính Tổng thống Putin trả lời hồi năm 2006: việc sử dụng “chiến binh người máy là không thể nếu không có một cơ quan nhân đạo điều hành”. Đó là một câu trả lời khéo của ông Putin, khi ông chủ trì một cuộc họp báo trực tuyến, và có người hỏi: Nga sẽ sử dụng chiến binh người máy khổng lồ giống như người để bảo vệ biên giới ?
Việc Nga thật sự tiến hành dự án chiến binh người máy hay chưa vẫn là một dấu hỏi. Một nhà phân tích hàng đầu ở Nga từ chối bình luận và giấu tên, chỉ nói đó là chuyện phi lý.
Ông Rogozin từ chối bình luận. Nhưng năm 2012, ông từng vận động lập Quỹ nghiên cứu tiên tiến, được gọi là “DARPA của Nga”, theo tên một cơ quan nghiên cứu chiến binh người máy của Lầu Năm Góc.
Nhưng Alexander Khramchikhin thuộc Học viện phân tích quân sự và chính trị ở Moscow, nói vũ khí tự động sẽ quyết định phần thắng thua ở các cuộc chiến trong tương lai.
Ông Khramchikhin từ chối dự đoán khung thời gian sản xuất được các chiến binh người máy này, nhưng các kiểu robot tự chiến đấu của Nga có thể đã được thử nghiệm ở bãi thử “DARPA của Nga”.
+ Chuyện “chiến binh người máy” ngỡ như chỉ có trong phim, nhưng thực ra Hàn Quốc đã có pháo tháp súng máy tự động Samsung SGR-A1 canh gác biên giới giáp CHDCND Triều Tiên, hoặc máy bay không người lái “Chim săn mồi” nạp tên lửa “Lửa địa ngục” mà CIA sử dụng ở Iraq và Afghanistan từ năm 2011.
+ Hầu hết các nước như Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Israel.. đều muốn có một lực lượng quân sự hiện đại, nên đều trông vào các công nghệ quân sự dựa vào người máy.
+ Các quan chức Nga nói Moscow đang phát triển báy bay không người lái riêng, một công nghệ mà họ vẫn còn kém xa Mỹ, cùng một loại xe không người lái để canh giữ dàn phóng tên lửa.
+ Nga bắt đầu làm việc về “chiến sĩ robot” từ đầu những năm 1930, đưa ra trận ít nhất 2 tiểu đoàn “xe tăng điều khiển từ xa” ngăn chặn phát xít Đức xâm lược Nga năm 1941, nhưng lực lượng này không “thọ lâu” trước cuộc dốc quân thần tốc của địch.
Tô Mỹ (theo RIA Novosti, Moscow Times)