Myanmar đã cách ly hàng chục ngàn người để ngăn chặn đợt bùng phát coronavirus lấn át hệ thống chăm sóc sức khỏe mong manh của nước này. Thế nhưng, các chuyên gia y tế cộng đồng và bác sĩ cho biết chiến lược đó đang trên bờ vực sụp đổ khi số ca mắc COVID-19 gia tăng.
Chiến lược “ngăn chặn tối đa” bị đẩy đến bờ vực
Quốc gia Đông Nam Á này hiện ghi nhận 7.827 ca mắc COVID-19 với 133 người tử vong. Hơn 37.000 là tổng số những người chưa được xét nghiệm, những người thân của họ và những người lao động nhập cư trở về, hiện ở trong các tòa nhà từ trường học, tu viện, văn phòng chính phủ và các tòa tháp, chủ yếu do các tình nguyện viên điều hành .
Ngay cả những người không có triệu chứng hoặc các triệu chứng nhẹ với COVID-19 cũng phải nhập viện hoặc cách ly. Đây là một phần của kế hoạch đầy tham vọng nhằm ngăn chặn coronavirus xâm nhập hệ thống y tế vốn thiếu thốn kinh niên.
Dù vậy, chiến lược “ngăn chặn tối đa” mà Myanmar theo đuổi kể từ khi các ca bệnh COVID-19 đầu tiên được xác nhận vào tháng 3.2020 có thể phản tác dụng nếu các cơ sở quá tải khiến mọi người hoàn toàn không bị cách ly, chuyên gia y tế công cộng Kyaw San Wai nói với Reuters.
Kyaw San Wai cho hay: “Chiến lược này có thể thực hiện được đến giữa tháng 8 do số ca mắc bệnh ở Myanmar thấp, nhưng khi số ca mắc bệnh tăng đột biến từ cuối tháng 8, đặc biệt là ở Yangon, cách tiếp cận này đã nhanh chóng đẩy cả trung tâm y tế và trung tâm kiểm dịch vào bờ vực”.
Các quan chức từ Bộ Y tế Myanmar đã không trả lời khi được hỏi về vấn đề này.
Sau nhiều tuần không có sự lây truyền tại địa phương, vào giữa tháng 8, Myanmar đã báo cáo một đợt bùng phát ở bang Rakhine, miền tây nước này, sau đó lan rộng ra cả nước.
Hôm nay (24.9), các nhà chức Myanmar trách báo cáo có 535 ca nhiễm mới và 3 người tử vong.
Trong khi một số quốc gia châu Á khác đã theo đuổi chiến lược ngăn chặn nghiêm ngặt, những nơi khác chỉ có những trường hợp nghiêm trọng hơn mới được điều trị tại bệnh viện và những người khác cách ly tại nhà.
Bác sĩ Kaung Myat Soe, giám đốc một bệnh viện tạm thời ở thủ đô Yangon cho biết: “Ở các quốc gia khác, họ để mọi người ở nhà và chỉ nhập viện nếu đang trong tình trạng nghiêm trọng. Ở đây, chúng tôi lo lắng về việc trẻ nhỏ hoặc người già thương vong nên cô lập họ".
Số người được cách ly đã tăng hơn gấp đôi, từ khoảng 19.000 người vào tháng 8 lên hơn 45.000 người tính đến ngày 21.9, theo số liệu của Bộ Y tế Myanmar.
Sau nhiều thập kỷ bị lãng quên dưới sự cai trị của quân đội, hệ thống y tế của Myanmar đã được xếp vào hàng yếu nhất thế giới.
Tính đến đầu năm nay, chỉ có 330 giường chăm sóc đặc biệt cho 54 triệu dân. Tổ chức Y tế Thế giới năm 2018 đưa ra con số bác sĩ là 6,7 trên 10.000 dân Myanmar.
Các nhà chức trách đang chạy đua để xây dựng và trưng dụng thêm cơ sở vật chất để đáp ứng số lượng.
Ba đêm nằm viện như ở địa ngục
Câu chuyện về các cơ sở không có điện, nước và những bệnh nhân dương tính với COVID-19 buộc phải chia sẻ phòng với những người chưa được kiểm tra đã được báo chí đưa tin.
Chuyên gia y tế công cộng Kyaw San Wai cho biết: “Việc gấp rút huy động các địa điểm mới có nghĩa là các trung tâm kiểm dịch mới này không được trang bị đầy đủ để xử lý lượng người lớn. Điều này bắt đầu phá hoại chiến lược kiểm dịch tối đa khi mọi người ít có xu hướng trải qua quá trình kiểm dịch”.
Một cư dân thành phố Yangon đề nghị giấu tên kể rằng trong thời gian nằm viện với các triệu chứng COVID-19 nhẹ, cô không được phép đi vệ sinh. Thay vào đó, cô và một người bạn cùng phòng được cung cấp túi nhựa.
“Ba đêm và hai ngày trong bệnh viện của tôi là địa ngục”, người phụ nữ nói sau khi chuyển đến một khách sạn.
Myanmar có lịch sử huy động cộng đồng vào thời kỳ khủng hoảng và lãnh đạo chính phủ Aung San Suu Kyi đã kêu gọi công chúng đứng sau nỗ lực chống lại coronavirus.
Những người điều hành các trung tâm kiểm dịch ở vùng đồng bằng Irrawaddy nói với Reuters rằng họ phụ thuộc vào sự quyên góp các mặt hàng như thực phẩm và thiết bị bảo hộ.
Tiến sĩ Ko Ko Lin, tình nguyện viên tại một trung tâm, khẳng định: “Nếu không có sự giúp đỡ của các nhà tài trợ, mọi thứ sẽ rất khủng khiếp.
Trên tinh thần hữu nghị và láng giềng gần gũi, hôm 10.4.2020, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã quyết định trao tặng Chính phủ và nhân dân Myanmar món quà 50.000 USD để cùng chung sức phòng, chống COVID-19 mặc dù Việt Nam thời điểm đó cũng chịu nhiều ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra.
Nhân Hoàng