Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo do Chính phủ vừa ban hành thay thế Nghị định 109 trước kia đã bãi bỏ nhiều điều kiện kinh doanh trong việc xuất khẩu gạo.

Chính phủ bãi bỏ nhiều điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo

Trí Lâm | 21/08/2018, 21:43

Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo do Chính phủ vừa ban hành thay thế Nghị định 109 trước kia đã bãi bỏ nhiều điều kiện kinh doanh trong việc xuất khẩu gạo.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó quy định cụ thể điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Với Nghị định này, Nghị định 109 năm 2010 đã được bãi bỏ và cùng với đó, một số điều kiện xuất khẩu gạo gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp cũng được cắt giảm.

Trước đây, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải: Có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc, phù hợp quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành; có ít nhất 1 cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ, phù hợp quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

Đồng thời, kho chứa, cơ sở xay, xát này phải thuộc sở hữu của thương nhân và phải nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu, hoặc có cảng biển quốc tế có hoạt động xuất khẩu thóc, gạo tại thời điểm thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận.

Theo Nghị định 107 mới được ban hành, thương nhân được kinh doanh xuất khẩu gạo khi: Có ít nhất 1 kho chuyên dùng để chứa thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa thóc, gạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; có ít nhất 1 cơ sở xay, xát hoặc cơ sở chế biến thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa và cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh nêu trên có thể thuộc sở hữu của thương nhân hoặc do thương nhân thuê của tổ chức, cá nhân khác, có hợp đồng thuê bằng văn bản theo quy định của pháp luật với thời hạn thuê tối thiểu 5 năm.

Như vậy, quy định về quy mô kho chứa tối thiểu 5.000 tấn và công suất cơ sở xay xát tối thiểu 10 tấn thóc/giờ đã được bãi bỏ. Đồng thời, thương nhân cũng không phải đáp ứng quy định về địa điểm kho chứa, cơ sở xay xát như trước đây. Và thay vì phải sở hữu kho chứa, cơ sở xay xát như trước đây, nay thương nhân có thể đi thuê.

Tuy nhiên, Nghị định 107 cũng quy định rõ, thương nhân có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo không được cho thuê, cho thuê lại kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo đã được kê khai để chứng minh việc đáp ứng điều kiện kinh doanh trong đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận của mình để thương nhân khác sử dụng vào mục đích xin cấp Giấy chứng nhận.

Đặc biệt, Nghị định 107 cho phép thương nhân xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng không cần đáp ứng các điều kiện kinh doanh quy định nêu trên, được xuất khẩu các loại gạo này không cần có Giấy chứng nhận, không phải thực hiện dự trữ lưu thông và có trách nhiệm báo cáo theo quy định.

Khi thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu, thương nhân xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng không có Giấy chứng nhận chỉ cần xuất trình cho cơ quan Hải quan bản chính hoặc bản sao có chứng thực của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền văn bản xác nhận, chứng nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc chứng thư giám định gạo xuất khẩu do tổ chức giám định cấp theo quy định của pháp luật về việc sản phẩm gạo xuất khẩu phù hợp với các tiêu chí, phương pháp xác định do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế hướng dẫn.

Hồi tháng 3 năm ngoái, chủ trì Hội nghị “Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu sửa đổi Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo với tinh thần là không đưa nhiều quy định phức tạp trong xuất khẩu gạo.

Trước đó, nhiều chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị bãi bỏ một số điều kiện với xuất khẩu gạo trong Nghị định 109 đang làm khó doanh nghiệp.

Tại một hội thảo mới đây, ông Cao Minh Lãm, Chủ tịch HĐQT Công ty Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex), cho biết để xuất khẩu gạo, doanh nghiệp phải vượt qua được ít nhất bốn điều cấm đang áp dụng.

Đó là, doanh nghiệp phải có giấy phép xuất khẩu gạo theo nghị định 109, trong đó yêu cầu phải có kho chứa và hệ thống xay xát đủ tiêu chuẩn với vốn đầu tư rất lớn, lên tới hàng chục tỉ đồng. Khi có hợp đồng, doanh nghiệp phải đăng ký với Hiệp hội Lương thực VN (VFA) và chỉ khi có sự chấp thuận của đơn vị này, doanh nghiệp mới xuất khẩu được dù hai phía đã thỏa thuận xong.

Tiếp đó, doanh nghiệp phải chịu tác động của chính sách giá sàn do VFA đưa ra. Cuối cùng, doanh nghiệp bị cấm xuất khẩu vào các thị trường tập trung (hợp đồng giữa các chính phủ) là Philippines, Indonesia, Cuba và Iraq.

Theo TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, các điều kiện xuất khẩu gạo đang áp dụng là điều vô lý và không minh bạch. Do đó, cần phải xóa bỏ hạn chế xuất khẩu, quyền kinh doanh xuất khẩu là của tất cả mọi người, không thể cho doanh nghiệp lớn xuất khẩu mà không cho doanh nghiệp nhỏ, không thể cho doanh nghiệp cũ mà không cho doanh nghiệp mới bán hàng.

“Chính sách phân biệt đối xử như vậy sẽ tạo ra nhóm lợi ích chia cắt thị trường. Chỉ khi tự do hóa thị trường, các doanh nghiệp nhỏ mới tìm được các thị trường ngách để đưa sản phẩm Việt Nam đi xa”, ông Cung nói.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính phủ bãi bỏ nhiều điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo