Sau gần 3 tháng triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20.5.2022, kết quả giải ngân đến nay còn hạn chế.
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 258/TB-VPCP kết luận của Phó thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về thúc đẩy triển khai thực hiện hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20.5.2022 của Chính phủ.
Sau gần 3 tháng triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20.5.2022, kết quả giải ngân đến nay còn hạn chế. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mặc dù các ngân hàng thương mại đã tích cực triển khai chính sách bảo đảm theo đúng quy định của Nghị định, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam song quá trình triển khai còn phát sinh các khó khăn, vướng mắc.
Để thúc đẩy việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất, Phó thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện rà soát kỹ các quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và các Thông tư, văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, cơ quan liên quan đến triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất, bảo đảm phù hợp và bám sát Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Tờ trình của Chính phủ đã trình Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trường hợp phát hiện có các quy định chặt chẽ quá mức cần thiết gây khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện cần kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.
Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh về chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP. Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chính sách để kịp thời nghiên cứu, giải quyết, hướng dẫn theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp tháo gỡ phù hợp.
Trước ngày 25.8.2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị với các ngân hàng thương mại để phổ biến, giải đáp các vướng mắc liên quan đến chính sách và tạo tâm lý đồng thuận để thúc đẩy triển khai thực hiện chính sách trong cả nước; đồng thời tổng hợp các vướng mắc vượt thẩm quyền (nếu có) để báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ theo quy định.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu thành lập các đoàn công tác do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, với sự tham gia của các Bộ, cơ quan liên quan để kiểm tra, khảo sát thực tế, nắm bắt tình hình triển khai tại các ngân hàng thương mại để kịp thời đôn đốc, giải đáp thắc mắc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chính sách.
Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại giải ngân kịp thời nguồn kinh phí từ gói hỗ trợ lãi suất 2%, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định, đúng đối tượng, tránh trục lợi.
Gói hỗ trợ lãi suất trị giá hơn 40.000 tỉ đồng trong năm 2022-2023 là chính sách hỗ trợ lãi suất có quy mô lớn nhất từ trước tới nay sử dụng ngân sách Nhà nước được triển khai qua hệ thống ngân hàng thương mại.
Khoản "vốn mồi" này được ví như chiếc phao vàng giúp doanh nghiệp tăng vốn lưu động sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng thụ hưởng, tránh tình trạng trục lợi chính sách, đòi hỏi ngành ngân hàng phải có những bước đi vô cùng cẩn trọng.
Chuyên gia kinh tế, tiến sỹ Lê Quốc Phương nhận định trong giai đoạn đầu triển khai các chính sách đòi hỏi phải soạn thảo rất nhiều loại văn bản quy định, hướng dẫn triển khai, nên sự chậm chễ là điều không khó hiểu.
Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã rất quyết liệt, khẩn trương khi ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30.1.2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội để triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.
Nhưng đến tháng 5.2022, Nghị quyết số 31 mới được ban hành và tiếp sau đó, Ngân hàng Nhà nước ra Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện Nghị định 31. Tuy nhiên, đến nay nhiều ngân hàng thương mại vẫn dậm chân tại chỗ, chưa có được hướng dẫn thực hiện cụ thể cho các đơn vị trong hệ thống của mình.
Dù vậy, đây vẫn chưa phải là nguyên nhân chính khiến chính sách chậm triển khai. Theo vị chuyên gia này, hạn mức tín dụng (room tín dụng) của nhiều ngân hàng đã chạm trần ngay trong nửa đầu năm, nếu không được nới room thì sẽ không thể cho vay tiếp được.
Nhưng việc nới room cũng không hề đơn giản, bởi nếu Ngân hàng Nhà nước nới room đồng loạt cho các ngân hàng sẽ gây áp lực rất lớn lên lạm phát, một cuộc đua tăng lãi suất sẽ xảy ra vô tình làm vô hiệu hóa gói hỗ trợ lãi suất 2%, đồng thời gây áp lực lên tỷ giá và ổn định vĩ mô.
Để gói hỗ trợ lãi suất 2% thực sự ý nghĩa, giúp doanh nghiệp huy động vốn giá rẻ, ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân đề xuất cần mạnh dạn nới rộng thêm room tín dụng để ngân hàng có dư địa cho vay và doanh nghiệp có thể tiếp cận gói vay mới với lãi suất ưu đãi, như vậy sẽ mang lại tác động tích cực hơn cho nền kinh tế.