Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa trả lời công văn của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về chính sách và thực trạng ưu đãi đầu tư tại Việt Nam.

Chính sách ưu đãi đầu tư: Chỉ nói phần tích cực, lờ phần tác động tiêu cực

20/08/2018, 13:22

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa trả lời công văn của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về chính sách và thực trạng ưu đãi đầu tư tại Việt Nam.

Dự án FDI công nghệ cao có rất ít - Ảnh minh họa

Tỷ lệ dự án FDI công nghệ cao còn thấp

Theo VCCI, giai đoạn trước khi có Luật Đầu tư 2005, chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam có sự phân biệt giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Đối tượng được ưu đãi đầu tư là các dự án được xác định theo 2 tiêu chí chủ yếu: lĩnh vực đầu tư, địa bàn đầu tư. Ngoài ra có thêm một số tiêu chí khác như định hướng xuất khẩu, sử dụng nhiều lao động, công nghệ tiên tiến…

Các biện pháp ưu đãi chủ yếu là miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong toàn thời gian hoặc một thời gian nhất định; ưu đãi thuế nhập khẩu đối với máy móc, tiền thuê đất.

Về thẩm quyền, ở cấp trung ương, thẩm quyền quyết định các chính sách ưu đãi đầu tư thuộc về Chính phủ. Tuy nhiên, do có sự phân cấp về địa phương nên xuất hiện hiện tượng tranh nhau “xé rào” trong ưu đãi đầu tư, tạo nên cuộc đua xuống đáy giữa các địa phương, gây ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách và các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội khác.

Sau khi Luật Đầu tư 2005 được ban hành, nhiều tiêu chí để xác định đối tượng được ưu đãi thuế cũng được điều chỉnh, bãi bỏ. Đối tượng ưu đãi thuế dựa trên 2 tiêu chí chính: ưu đãi theo địa bàn (khó khăn và đặc biệt khó khăn) và theo lĩnh vực; không còn tình trạng các địa phương ưu đãi đầu tư tràn lan bằng biện pháp thuế. Tuy nhiên, các địa phương vẫn có thẩm quyền ban hành chính sách ưu đãi đầu tư (cụ thể hóa chính sách của trung ương), và thường sẽ áp dụng các biện pháp như hỗ trợ chi phí, hạ tầng, thủ tục hành chính…

Theo VCCI, các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp trong thu hút đầu tư của Việt Nam là rất hấp dẫn so với các nước trong khu vực, cộng với giá nhân công và năng lượng thấp, đến tháng 6.2018, tổng vốn FDI đăng ký đạt 331,2 tỉ USD và vốn giải ngân lũy kế khoảng 180,7 tỉ USD.

Ngoài những đóng góp lớn vào GDP, xuất khẩu, ngân sách, công ăn việc làm… thì FDI vẫn có bất cập như tỷ lệ dự án sử dụng công nghệ cao còn thấp, chưa thu hút được công nghệ nguồn, chưa có sự bứt phá trong xu thế thu hút sử dụng FDI (các dự án chỉ mới tập trung khai thác tài nguyên, thị trường, lắp rắp, gia công sử dụng nhiều lao động, tiêu tốn năng lượng); tác động lan tỏa từ khu vực FDI đến doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, công tác quản lý nhà nước còn bất cập (chuyển giá, lao động).

Chính sách cần minh bạch

Theo đó, VCCI đề xuất, để thu hút đầu tư vào một ngành, lĩnh vực thì trước tiên cần tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư thông qua việc dỡ bỏ rào cản gia nhập ngành, minh bạch hóa thông tin chính sách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện cơ sở hạ tầng trước khi phải sử dụng đến biện pháp ưu đãi đầu tư.

Khi xây dựng các chính sách ưu đãi đầu tư thì cần phải đánh giá cả tác động tích cực và tiêu cực. Trong thời gian qua, có tình trạng các cơ quan đề xuất chính sách ưu đãi chỉ tập trung vào việc trình bày những tác động tích cực của chính sách, còn các tác động tiêu cực về ngân sách, về giảm đầu tư, môi trường, cạnh tranh thì thường không được đề cập.

Do đó, cần tiến tới đặt ra nguyên tắc rằng nếu đề xuất chính sách ưu đãi đầu tư nào mà không thể hiện đầy đủ và rõ nét các tác động tiêu cực thì phải được hạn chế trong quá trình thẩm định, thẩm tra và thông qua.

Cũng theo VCCI, thời gian qua có tình trạng một số chính sách ưu đãi được ban hành nhưng không có quy định hoặc quy định không minh bạch về điều kiện và thủ tục để được hưởng ưu đãi; trao quyền quá lớn cho cơ quan nhà nước… Điều này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn vướng mắc trong việc xin xác nhận đối tượng được hưởng ưu đãi, tạo điều kiện cho tham nhũng, tiêu cực, dẫn đến chính sách ưu đãi không phát huy tác dụng.

Do đó, các chính sách ưu đãi cần hết sức chú ý đến việc bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng về điều kiện, tiêu chí, thủ tục để được hưởng ưu đãi.

VCCI cho rằng việc ưu đãi nên được coi là biện pháp “mồi”, nhằm tạo lập, thu hút nhà đầu tư trong một giai đoạn nhất định. Sau một thời gian, nếu lĩnh vực, địa bàn đó đã có làn sóng đầu tư tốt, thì cần giảm bớt chính sách ưu đãi. Nếu lĩnh vực, địa bàn đó không có nhiều nhà đầu tư thì tức là biện pháp ưu đãi không hiệu quả, cần được nâng cấp hoặc điều chỉnh cho phù hợp hơn.

Chính vì thế nên đưa ra một nguyên tắc rằng các quy định về ưu đãi đầu tư chỉ có hiệu lực trong tối đa 5 năm kể từ khi ban hành (tức là chỉ áp dụng cho những dự án được cấp phép đầu tư hoặc bắt đầu nộp hồ sơ xin cấp phép đầu tư trong thời hạn đó). Sau 5 năm, biện pháp ưu đãi đầu tư phải được gia hạn, hoặc nếu không sẽ tự động hết hiệu lực, không áp dụng cho các dự án mới nữa. Lưu ý, biện pháp ưu đãi có thể kéo dài hơn thời gian đó (ví dụ như miễn thuế 4 năm, giảm thuế trong 9 năm).

Ngoài ra, cần gắn việc xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư có sử dụng ngân sách với quá trình xây dựng kế hoạch, dự toán ngân sách. Lý do là hiện nay có tình trạng tách biệt giữa xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư với việc xây dựng kế hoạch ngân sách.

“Nhiều chính sách ưu đãi đầu tư dàn trải, lãng phí, gây xói mòn cơ sở thu ngân sách, dẫn đến việc Nhà nước buộc phải tăng thu từ những nguồn khác, gây phản ứng trong xã hội. Có thể tính đến giải pháp đưa những nội dung chung, mang tính nguyên tắc, về tổng chi/giảm thu cho ưu đãi đầu tư vào trong dự toán ngân sách. Các chính sách ưu đãi cụ thể không được phép vượt quá nguyên tắc và tổng chi/giảm thu đó”, VCCI kiến nghị.

Lam Thanh

Bài liên quan
Kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy VCCI và ông Phạm Tấn Công
Ủy ban Kiểm tra Trung ương ngày 11 - 13.11 đã họp kỳ thứ 50. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú chủ trì.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
22 phút trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính sách ưu đãi đầu tư: Chỉ nói phần tích cực, lờ phần tác động tiêu cực