Kẹt xe, ngập lụt, ô nhiễm không khí, v.v.. đang là những vấn đề nổi cộm mà người dân TP.HCM phải đối mặt hằng ngày. Tình hình sẽ ngày càng trầm trọng hơn nếu không có những giải pháp tức thì và lâu dài. Trong bối cảnh đó, các nhà quản lý và chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, bất động sản đã ngồi lại với nhau tại hội thảo "Quản lý xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị TP.HCM". Nhiều kế sách được đưa ra, nhưng có ý kiến cho rằng "dàn nhạc đô thị" cần tìm cho mình một "nhạc trưởng" th
Tại sự kiện do Bộ Xây dựng phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức ngày 7.10, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà nhận địnhbên cạnh những nỗ lực trong chỉnh trang đô thị mà thành phố đã đạt được như xanh hóa các tuyến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tàu Hũ – Bến Nghé, Tân Hóa – Lò Gốm, triển khai tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ, xây dựng các khu đô thị kiểu mẫu, v.v..thì vẫn còn nhiều vấn đề đang đặt ra thách thức cho các nhà quản lý.
Đơn cử như vấn đề ô nhiễm, lấn chiếm kênh rạch, sông ngòi dẫn đến tình trạng ngập lụt… ông Hàkhẳng định sự cần thiết phải bắt tay cải tạo môi trường sống cho người dân, đưa thành phố trở thành đô thị đáng sống của cả nước. Đây cũng là tiền đề để các chuyên gia đề xuất hàng loạt giải pháp cho thành phố.
Phân vùng để phát triển đô thị
Bàn về phát triển đô thị, theo PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, lịch sử phát triển của các đô thị trên thế giới luôn phải đối mặt với những thách thức, từ thiên tai như động đất, lũ lụt, sóng thần, cho đến chính con người gây ra như chiến tranh, công nghiệp hóa gây ô nhiễm, phân hóa giàu nghèo. Ban hành một quyết định hành chính thì quá dễ nhưng chắc chắn sẽ gây nhiều hệ lụy. Cái khó là tìm ra được giải pháp phù hợp với các điều kiện kinh tế - xã hội, hợp với lòng dân.
Từ những kinh nghiệm của mình, ông Hòa chỉ ra tầm quan trọng của việc “phân vùng” trong phát triển đô thị. Theo ông, những nơi nào nền đất đã yếu, đã trũng thì cần hạn chế phát triển đô thị cho bớt tốn kém. Ngược lại, nên tìm đến những khu vực nền đất cứng, cao ráo. Việc phân vùng không nhất thiết phải dựa trên ranh giới hành chính mà dựa vào tính đặc thù của từng vùng như chất lượng đất, thủy văn...
“Sẽ không thể tìm ra được lời giải chung cho việc tháo dỡ và xây dựng mới nếu chúng ta không xác định các tiêu chí cho riêng từng khu vực. Bên cạnh các tiêu chí chung thì từng khu vực lại cần những tiêu chí riêng mới thu hút được các nhà đầu tư. Chẳng hạn, dự án tại trung tâm có thể phải chấp nhận cho tăng thêm chiều cao vì quỹ đất hạn chế. Còn ở những khu vực xa trung tâm thì phải giao thêm đất, tạo điều kiện cho nhà đầu tư kinh doanh có hiệu quả”, ông Hòa nói.
Đồng bộ hóa hạ tầng đô thị cũ và mới
Một trong những thách thức lớn nhất đối với nhà quản lý đô thị, theo PGS-TSLưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, là đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới với khu đô thị hiện hữu.
Hạ tầng kỹ thuật đô thị bao gồm giao thông đô thị, cấp thoát nước, cấp điện, chiếu sáng đô thị, thông tin liên lạc, công viên cây xanh, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang đô thị. Làm sao để có thể ăn khớp tất cả các hạng mục trên giữa phần đô thị hiện hữu và phần xây mới? Điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự phối hợp của nhiều cơ quan ban ngành và chủ đầu tư.
Ông Hải chỉ ra còn quá nhiều yếu kém trong hạ tầng kỹ thuật hiện hữu, như công trình xuống cấp nghiêm trọng trong khi nhu cầu đi lại và phương tiện giao thông lại tăng nhanh. Thất thoát nước sạch ở mức cao do đường ống chắp vá, rò rỉ. Hệ thống thoát nước kém chất lượng gây ngập úng thường xuyên. Nước thải phần lớn chưa được xử lý, chảy thẳng ra song hồ. Xử lý rác thải chưa được đầu tư đúng mức…
Mặc dù thành phố đã xây dựng được một số khu đô thị kiểu mẫu như An Phú – An Khánh, Thủ Thiêm, Phú Mỹ Hưng, nhưng vấn đề lớn nhất là thiếu đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật của các khu này với hệ thống thống chung của thành phố.
Theo ông Hải, việc khắc phục những vấn đề này cần được thực hiện ngay từ khâu phân định chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan liên quan. Tiếp đó là hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý đô thị, quản lý hạ tầng kỹ thuật, trước khi đi vào các bước kỹ thuật hơn như lập quy hoạch đô thị, kế hoạch đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật.
Cần một "nhạc trưởng"
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia đã trình bày tham luận về vai trò định hướng của nhà nước, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, phát huy nguồn lực, cải cách hành chính, v.v..
Có mặt từ đầu buổi hội thảo, ông Nguyễn Văn Đực, một chuyên gia BĐS kỳ cựu tại TP.HCM nhận địnhcác ý kiến được nêu ra đều rất hợp lý. Tuy nhiên, để vận hành tốt chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị thì cần một người điều phối nhằm đưa vào áp dụng nhuần nhuyễn tất cả các giải pháp trên.
Vấn đề lớn nhất là thành phố lại đang thiếu một vị “nhạc trưởng” như vậy. “Vai trò này đáng lẽ là thuộc về Sở Quy hoạch - Kiến trúc. Nhưng sở này hiện nay mới chỉ đóng vai trò tham mưu thay vì quản lý hành chính nên cũng rất khó để làm tốt được”, ông Đực nhận định.
Chính vì vậy, con đường đưa TP.HCM trở thành một đô thị văn minh xem ra vẫn còn rất dài.
Kim Vân