Công ty tư vấn nhân sự toàn cầu Mercer và đại diện tại Việt Nam là Talentnet vừa công bố kết quả khảo sát lương 2016, trong đó mức lương trung bình tại các DN nước ngoài năm nay cao hơn tại DN trong nước là 31%. Khoảng cách này rộng hơn 2% so với năm ngoái.
Cuộc khảo sát đã thu hút sự tham gia của 557 công ty đến từ 76 ngành nghề khác nhau, bao gồm công nghệ, hàng tiêu dùng, dược phẩm, hóa phẩm, sản xuất... Với những dữ liệu thu thập từ hơn 244.000 nhân viên trên khắp Việt Nam, đây được xem là bảng báo cáo lương, thưởng lớn và chi tiết nhất Việt Nam trong vòng 17 năm qua.
Một trong những chủ đề chính trong cuộc khảo sát vẫn là chuyện lương thưởng. Báo cáo cho thấy 3 ngành có mức lương - thưởng thực tế cao nhất thuộc về dầu khí (67%), tài chính ngân hàng (12%), hóa chất (11%), và 3 ngành thấp nhất là bán lẻ (28%), BĐS (15%) và sản xuất (12%).
Nhưng nhìn chung thì mức lương trung bình của khối DN trong nước vẫn đang thấp hơn khối DN nước ngoài là 31%. Khoảng cách này như vậy đã tăng 2% so với hồi năm ngoái. Đặc biệt, khi so sánh lương giữa quản lý và nhân viên, độ chênh giữa 2 vị trí này ở khối DN nước ngoài lớn hơn hẳn khối trong nước, chứng tỏ DN nước ngoài dành nhiều ngân sách hơn cho việc thu hút và giữ chân nhân tài.
Về thưởng, với dự báo tình hình kinh doanh khả quan, Mercer cho biết các công ty đều có kế hoạch thưởng năm nay cao hơn so với năm ngoái. Trong đó, các công ty lớn trong nước tiếp tục có mức thưởng cao hơn so với các công ty nước ngoài.
Tuy nhiên, nếu xét riêng về mức tăng lương thì tỷ lệ tăng lương cao nhất rơi vào 4 ngành công nghệ cao, sản xuất, dược và hóa chất, với mức tăng 10%. Ở chiều ngược lại, các ngành giáo dục, ngân hàng, dầu khí có mức tăng thấp nhất, chỉ từ 5 -7,5%.
Giải thích về tỉ lệ tăng lương, bà Hoa Nguyễn, Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn nhân sự và Khảo sát lương của Talentnet cho rằng 3 nhóm cuối bảng vẫn làm ăn ổn định nhưng không có đột phá nên mức tăng lương không cao. Trong khi đó, đơn cử như ngành công nghệ cao thuộc nhóm có tỉ lệ tăng lương mạnh nhất, Việt Nam hiện nay chỉ đứng thứ 2 thế giới (sau Trung Quốc) về gia công các thiết bị high-tech cho các công ty toàn cầu.
Năm 2015, sự hồi phục nhẹ của nền kinh tế kéo theo nhiều cơ hội việc làm mới, tác động mạnh đến quyết định đổi việc của người lao động. Tại các công ty nước ngoài, 3 ngành nghề có tỷ lệ nghỉ việc cao nhất là bán lẻ (39,2%), dược (17%) và công nghệ (16,2%). Các ngành có tỷ lệ nghỉ việc thấp gồm có hóa chất (8.6%) và dầu khí (5.7%), đều là những ngành có hoạt động ổn định và mang tính đặc thù cao. Việc làm thuộc các lĩnh vực tiếp thị, kinh doanh, bao gồm cả cấp quản lý và chuyên viên, tiếp tục là những vị trí “hot” trên thị trường tuyển dụng.
Ông Puneet Swani, Trưởng bộ phận Khối sản phẩm Giải pháp Nhân sự châu Á - Tập đoàn Mercer, cho biết: “Không thể có một đáp án chung cho việc giữ chân nhân tài, bởi quyết định của nhân viên còn phụ thuộc rất nhiều vào mức độ phù hợp giữa kỳ vọng của nhân viên đó với môi trường, chiến lược phát triển của công ty hay những yếu tố khác. Tuy nhiên, qua khảo sát thì chúng tôi rút ra 3 yếu tố hàng đầu mà nhân viên lựa chọn để gắn bó, đó là mức lương, thăng tiến nghề nghiệp và người quản lý trực tiếp”.
So với các năm trước, khảo sát lương 2016 của Mercer và Talentnet thực hiện năm nay đánh dấu mức độ tham gia ấn tượng của khối doanh nghiệp trong nước khi tăng đến 30%. Nhận định về điều này, bà Hoa Nguyễn của Talentnet nói: “Sự tham gia ngày càng tích cực hơn của các doanh nghiệp trong nước vào khảo sát cũng chứng tỏ các doanh nghiệp Việt ngày càng đầu tư hơn vào việc giữ thế cạnh tranh trên thị trường”.
Kim Vân