Chuyên gia cho rằng thương mại điện tử (TMĐT) đã khiến nhiều vấn đề trong quản lý thuế trước đây tưởng chừng không khả thi thì hiện nay hoàn toàn có thể.
Tài chính và đầu tư

Chống thất thu thuế với livestream, thương mại điện tử: Lời giải nào cho bài toán khó?

Lam Thanh 13/06/2024 11:05

Chuyên gia cho rằng thương mại điện tử (TMĐT) đã khiến nhiều vấn đề trong quản lý thuế trước đây tưởng chừng không khả thi thì hiện nay hoàn toàn có thể.

Thách thức và cơ hội quản lý thuế từ TMĐT

Tại Việt Nam, hoạt động livestream bán hàng nói riêng và TMĐT được đánh giá tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Hiện nay giá trị ngành TMĐT của Việt Nam là 20,5 tỉ USD và ước tính sẽ đạt 30,5 tỉ USD vào năm 2025.

Kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT năm 2022 là 83.000 tỉ đồng; năm 2023 97.000 tỉ đồng; 5 tháng đầu năm 2024 số thuế đã nộp trên 50.000 tỉ đồng.

Tuy vậy, trong bối cảnh hiện nay, hành lang pháp lý vẫn chưa theo kịp sự phát triển nhanh của TMĐT, nhất là về thuế.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBlaw cho rằng Luật Giao dịch điện tử chưa có quy định pháp lý ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ trên không gian mạng, các mạng xã hội trong việc cung cấp thông tin về các hoạt động kinh doanh online, nhất là hoạt động bán hàng qua Facebook, TikTok…

"Điều này đang tạo ra doanh thu cho nhiều cá nhân, tổ chức, gây khó khăn trong việc kiểm soát và truy thu thuế. Không ít cá nhân, tổ chức có các khoản thu nhập này lại vô tình hoặc chủ ý không thực hiện nghĩa vụ thuế", ông Hà nói.

live-3.jpeg
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBlaw

Ngoài ra, theo luật sư Hà, quy định về khai thuế, nộp thuế thay cá nhân vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể, theo quy định Thông tư 100/2021/TT-BTC, các chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân trên cơ sở ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cũng cho rằng tận dụng một số khoảng trống chính sách pháp luật, một bộ phận người kinh doanh bán lẻ chuyển sang hình thức TMĐT để né tránh sự thanh tra, kiểm tra của ngành thuế.

Tuy vậy, nhìn nhận dưới góc độ cơ hội, ông Công cho rằng ở TMĐT, thông tin về các giao dịch này nằm trên cơ sở dữ liệu của các bên trung gian như sàn TMĐT, các ứng dụng của các ngân hàng, của các đơn vị chuyển phát… Nếu như thu thập được các dữ liệu này để phục vụ quản lý thuế thì hiệu quả mang lại sẽ rất lớn.

“Không chỉ mang lại cơ hội để hiện đại hóa thu thuế đối với hoạt động bán lẻ nội địa, dữ liệu TMĐT còn có thể giúp quản lý rất tốt công tác xuất nhập khẩu hàng hóa, có tác động rất tích cực cho hoạt động hải quan”, ông Công nêu.

nhat-tan-3.jpeg
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công

Theo đại diện VCCI, TMĐT đã giúp nhiều vấn đề trong quản lý thuế tưởng chừng không khả thi trước đây trở nên hoàn toàn có thể làm được. Ví dụ như việc xác định vị trí tiêu dùng dịch vụ để đánh thuế.

“Hiện nay, cơ quan thuế rất lúng túng trong việc xác định dịch vụ xuất khẩu để cho hưởng thuế suất 0%, nên thường sẽ yêu cầu doanh nghiệp nộp thuế 10%. Nhưng với sự phát triển của TMĐT thì các thông tin như địa chỉ vật lý, địa chỉ IP của khách hàng, số điện thoại, thanh toán xuyên biên giới có thể được thu thập một cách đáng tin cậy hơn. Các thông tin này sẽ phục vụ cho việc quản lý thuế”, ông Công nói.

Do đó, ông Công cho rằng hiện nay cần có hướng dẫn cụ thể hơn về việc sử dụng các thông tin trên nhằm xác định dịch vụ xuất khẩu, nhất là các dịch vụ cung cấp qua internet. Điều này sẽ giúp khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu dịch vụ, vừa giúp tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, mang lại ngoại tệ cho đất nước và củng cố sức mạnh mềm quốc gia.

6511-1700450245_860x0(1).jpg
Chung tay quản lý thuế từ TMĐT

Các chuyên gia cũng cho rằng Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh hướng dẫn tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, đồng thời thanh tra, kiểm tra hoạt động livestream bán hàng; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường kiểm tra, giám sát các giao dịch thanh toán…

Cần sự chung tay của nhiều ngành

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, các cơ quan chức năng cần hoàn thiện pháp luật liên quan đến TMĐT. Trong đó bổ sung quy định về hoạt động livestream trên các nền tảng và sửa đổi Nghị định 117/2018/NĐ-CP về giữ bí mật và cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, ngân hàng.

Ngoài ra, cần kết nối dữ liệu, liên thông đồng bộ giữa các bộ, ngành, đặc biệt dữ liệu dân cư, dữ liệu thương mại điện tử, dữ liệu thanh toán qua ngân hàng...

Tại hội nghị mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ kết nối với Tổng cục Thuế chuyển dữ liệu của 48.348 thông tin website/ứng dụng TMĐT bán hàng và 1.218 website/ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT ngay sau khi hoàn thành việc kết nối hệ thống của hai đơn vị trong tháng 6.2024 (công tác này vượt trước tiến độ 1,5 năm).

Hiện nay, Cổng dịch vụ công của Bộ Công Thương đã kết nối toàn diện với Cổng dịch vụ công quốc gia. Đối với tài khoản khác (tổ chức, doanh nghiệp, người nước ngoài), Bộ Công Thương sẽ thực hiện chuyển đổi sau khi có văn bản hướng dẫn của Bộ Công an.

nhat-tan-1.jpeg
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân

Ở góc độ Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thông tin, các tổ chức tín dụng đã cung cấp cho Bộ Tài chính hơn 130 triệu tài khoản thanh toán của người nộp thuế. Tuy vậy, thông tin, dữ liệu về tài khoản thanh toán của người nộp thuế là các thông tin nhạy cảm, đòi hỏi việc bảo vệ bí mật thông tin khách hàng, dữ liệu cá nhân.

Chính vì vậy, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các tổ chức tín dụng ưu tiên các quy định của pháp luật và cũng đề nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn chuẩn hóa về dữ liệu, chia sẻ thông tin của các tổ chức tín dụng cung cấp để đảm bảo đáp ứng việc kết nối để chống thất thu thuế nhưng vẫn bảo vệ được dữ liệu cá nhân.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề xuất kết nối dữ liệu, liên thông đồng bộ giữa các bộ, ngành, đặc biệt dữ liệu dân cư, dữ liệu thương mại điện tử, dữ liệu thanh toán qua ngân hàng… để đối chiếu một cách nhanh chóng yêu cầu kê khai nộp thuế, yêu cầu thanh tra kiểm tra; xử lý một số trường hợp trốn thuế; áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt...

“Quản lý hoạt động TMĐT qua mạng xã hội để thu thuế vì giờ người ta livestream, bán hàng qua mạng xã hội rất nhiều. Chúng ta phát triển mạng xã hội cùng với việc đối chiếu với ngân hàng thì sẽ thu được nguồn thuế rất lớn”, ông Phớc nêu.

Bài liên quan
TP.HCM: Tuyến metro số 1 chính thức khai thác thương mại ngày 22.12 tới
Sau gần 20 năm thi công và trải qua nhiều khó khăn, vướng mắc, cuối cùng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đã hoàn thành 100% khối lượng thi công và sẽ chính thức đi vào khai thác thương mại ngày 22.12.2024.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
9 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chống thất thu thuế với livestream, thương mại điện tử: Lời giải nào cho bài toán khó?