Chồng vô tâm, tưởng đâu cũng giống như một tật nào đó của đàn ông như uống rượu, hút thuốc, ham chơi… chỉ cần vợ nhẫn nhịn, uốn nắn thì sẽ cải thiện, nhưng hoàn toàn không đơn giản như vậy.

Chồng vô tâm, tổ ấm có thực sự ấm?

La Hường | 29/03/2016, 08:39

Chồng vô tâm, tưởng đâu cũng giống như một tật nào đó của đàn ông như uống rượu, hút thuốc, ham chơi… chỉ cần vợ nhẫn nhịn, uốn nắn thì sẽ cải thiện, nhưng hoàn toàn không đơn giản như vậy.

Chồng hay đứa trẻ to xác?

Nhiều cặp vợ chồng trẻ hôn nhân bị “gãy gánh” nửa chừng cũng vì tính vô tâm của chồng. Khi đàn ông vô tâm chẳng khác nào đứa trẻ to xác. Mà trẻ con đôi khi còn tình cảm, biết suy nghĩ hơn đàn ông vô tâm. Có một điều lạ là khi yêu, họ không vô tâm như vậy. Thậm chí rất chu đáo trong những ngày trọng đại của người yêu như sinh nhật, 8/3, ngày kỷ niệm hai đứa quen nhau, kể cả đám giỗ, tiệc tùng trong gia đình nhà người yêu.

Ấy vậy mà chỉ cần qua cái đám cưới thì lột xác thành người vô tâm. Vô tâm như thế nào ư? Tôi có chị gái lấy phải anh chồng vô tâm nên được rỉ rả kể cho nghe nhiều tình huống khó đỡ. Dù đã có 2 mặt con nhưng anh ấy thậm chí còn không biết giây phơi áo quần của gia đình nằm ở đâu, sân trước, sân sau hay trên lầu. Buổi sáng thức dậy anh chỉ có việc duy nhất là đánh răng, rửa mặt, thay áo quần rồi ra khỏi nhà. Chiều tối anh mới về đến nhà, lao vào hôn hít 2 đứa con, rồi tắm rửa và ngồi như pho tượng xem ti vi. Đến khi cơm nước xong xuôi, gọi anh xuống ăn cơm. Ăn xong lại lên phòng khách làm “pho tượng”. Một ngày của anh như thế.

Lúc chị chuyển dạsinh con đầu lòng, anh đi đá bóng chưa về, phải nhờ người hàng xóm đi cùng để còn có người nhà khi bác sĩ nhờ. Đến khi anh về, nghe tin vợ đi sinh, anh thong thả xuống bếp nấu mì gói ăn. Hàng xóm hỏi sao anh không lên bệnh viện nhìn con, anh nói con nằm đó chứ đi đâu đâu mà phải vội. Thế là đến trưa hôm sau anh mới có mặt ở bệnh viện.

Ấm ức nhất là những dịp lễ tết. Trong khi vợ tất bật lo quà cáp hai bên nội ngoại, dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng, chăm con thì chồng vẫn cứ “bình chân như vại” đứng bên ngoài tất cả những vất vả, lo toan của vợ.

Chị phàn nàn saochưa bao giờ thấy anh chủ động phụ chị quét cái nhà hay tắm cho con, anh nói anhcũng đi làm cả ngày chứ có chơi bời gì đâu. Với lại anh nói đó là việc của phụ nữ. Rồi đến những việc liên quan đến tương lai con như học hành, anh cũng chẳng bận tâm. Giao cho anh đi họp phụ huynh, anh ngồi lai rai với bạn bè rồi quên luôn. Mấy lần đi rước con cũng vậy, chỉ cần có cuộc điện thoại của “chiến hữu” rủ rê là anh không còn quan tâm con cái gì sất. Có lần chị uất ức bật khóc, anh nhận lỗi nhưng hồn nhiên nói chỉ là chuyện nhỏ thôi nên không nghĩ vợ lại buồn, giận như vậy. Nghe mà phát điên.

Khi đã là vợ chồng, chị không còn đòi hỏi những chi tiết lãng mạn như khi yêu nhau, hoặc như những cặp vợ chồng mới cưới hay hôn tạm biệt nhau trước khi ra khỏi nhà, thỉnh thoảng mang đến bất ngờ bằng bó hoa hay món ăn mà chị thích… Chị đã không đòi hỏi ở chồng những điều đó nhưng trong lòng chị luôn mong muốn anh có sự quan tâm chị như ngày xưa.

Chị có nghe một câu nói rằng, “không có người đàn ông vô tâm, chỉ vì tâm của họ không để ở nơi bạn”. Có lần chị hỏi thẳng anh có còn yêu thương vợ, con hay không? Anh sờ trán chị mỉa mai chị có bị gì không mà hỏi như vậy. Chưa bao giờ anh biết chỉ vì tính vô tâm của mình mà chị không ít lần nghĩ đến tờ đơn ly hôn.

Vợ hay ô sin?

Không ai muốn sống cả đời với người đàn ông vô tâm. Lỡ chẳng may gặp phải người vô tâm, họ vẫn kỳ vọng sẽ có ngày người chồng thay đổi, đó là nguyên do duy nhất níu kéo cuộc hôn nhân. Nhưng nếu sự mong mỏi thay đổi ấy trở thành vô vọng, đương nhiên sẽ có bước ngoặt mới mở ra.

Chuyên viên tư vấn tâm lý M.Hiên (trường Đại học Sư phạm) cho biết: “Có nhiều phụ nữ gọi điện kể về sự vô tâm của người chồng, người cha trong gia đình và hỏi tôi nên phải làm sao. Thật ra đó là câu hỏi rất khó bởi chỉ trong cuộc điện thoại ngắn ngủi thì không thể đưa ra những phán đoán hay định hướng thay cho họ. Tôi chỉ nói với họ rằng hơn ai hết, mình chính là người hiểu người đàn ông của mình nhất, cho nên chỉ có bản thân mình mới đưa ra câu trả lời chính xác nhất được”.

Chị Mai, một trong những người phụ nữ chẳng may gặp phải ông chồng vô tâm. Chị giả đò đóng vai người ngoại tình để thử lòng chồng, xem anh ta có ghen, có níu kéo chị không. Không ngờ người đàn ông của chị chẳng níu kéo mà còn làm ầm chuyện ra với hai bên họ hàng. Từ đó chị thay vì ở “cơ trên” thì trở thành yếu thế hơn với chồng, lại tiếp tục những tháng ngày sống chung cùng người đàn ông vô tâm.

Có người thì cho rằng, phải phối hợp với người nào mà anh ta tin tưởng nhất, nghe lời nhất. Bởi với những người vô tâm, họ chẳng bao giờ nghĩ mình vô tâm hay có bất cứ “tội” gì. Đối với họ luôn là đúng, vì vậy cần phải có sự tác động của nhiều người thì may ra mới chịu sửa đổi.

Là người vợ có chồng vô tâm, dù có mạnh mẽ mấy cũng vẫn rơi vào những phút giây chạnh lòng, đó là khi không nhận được sự quan tâm, chia sẻ, có khi chỉ bằng lời nói chứ chưa cần hành động. Phụ nữ là phái yếu, họ cần sự che chở, cảm thông, yêu thương từ người bạn đời của mình.

Thử hỏi nếu đời sống hôn nhân chỉ là để có người nấu cơm cho ăn 3 bữa, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ thì vị trí người bạn đời có khác gì ô sin? Vậy thì những ông chồng kia ơi, hãy kịp thời thức tỉnh để cùng chia sẻ với vợ những buồn vui thường nhật, để biến ngôi nhà thành tổ ấm đúng nghĩa nhất!

Hà Anh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chồng vô tâm, tổ ấm có thực sự ấm?