Nghe nhiều lời đồn, đọc nhiều bài báo về "Chợ ve chai ngàn đô" giữa Sài Gòn của nghệ sĩ Cao Minh, phóng viên báo điện tử Một Thế Giới tò mò đi coi thử.
Thực chất đó là một quán cà phê sân vườn, rất bình thường nhưng để thu hút khách, ca sĩ Cao Minh đã cho nhiều người vào đây mở gian hàng, buôn bán những đồ lưu niệm, gọi là "chợ ve chai Cao Minh". Mỗi tuần chợ chỉ mở một phiên duy nhất vào chủ nhật, kéo dài từ sáng sớm đến 14 giờ.
Khách muốn vào tham quan phải bỏ ra 30 ngàn đồng mua vé, cũng là phí cho một món thức uống. Không gặp được chủ nhân bởi ca sĩ Cao Minh đang ở Mỹ. Theo lời anh A Bảo, quản lý của "chợ", mỗi phiên chợ có khoảng 500 khách đến tham quan, mua sắm. Hôm nay phiên chợ có khoảng 100 gian hàng, bán đủ thứ hầm bà lằng.
|
Quầy sách cũ trong chợ ve chai. |
"Mọi người có thể vào trưng bày hàng của mình, thuận mua vừa bán với khách. Hiện giờ có khoảng 100 gian hàng trong chợ, chủ yếu là đồ lưu niệm" - anh A Bảo nói.
Chúng tôi thắc mắc: "Có thông tin rằng đồ bán trong chợ giá mắc hơn so với bên ngoài và hàng thật giả lẫn lộn?"
Anh A Bảo cho biết: "Chợ này rất đặc biệt, ai muốn vào bán thì mang sản phẩm của mình đến, không phải như các chợ khác là có Ban quản lý và bị đánh thuế. Vì vậy, không thể nào kiểm soát họ bán giá thế nào, chất lượng hàng hóa, miễn là giữa người mua và người bán có sự thuận mua vừa bán là được".
|
Chiếc bàn ủi "con gà" đốt nóng bằng than giá 500.000 đồng. |
Khách ra vào tấp nập. Dạo một vòng chợ, chúng tôi thấy trên sạp bày bán những chiếc bàn ủi "con gà trống" có tuổi đời khoảng 40 năm (sử dụng bằng cách bỏ than hồng vào, quạt cho nóng), những chiếc đèn dầu, chiếc máy cát xét, đồng hồ, mắt kính, hộp quẹt Zippo, lon guigoz... Có cả những đồng tiền giấy ngày mới giải phóng. Nhiều nhất là các gian hàng bán nhẫn, "đá quý". Ngoài ra, ở chợ còn có quầy bán sách báo cũ, điện thoại di động cũ, chồn nhồi bông...
Chúng tôi ghé một gian hàng bán tiền cũ, hỏi mua tờ 1 đồng in vào năm 1976. Cậu thanh niên trẻ móc ra một xấp loại tiền mệnh giá này, ra giá 30.000 đồng/tờ. Xem sơ qua, không cần tinh ý, cũng nhận ra đây là tờ tiền "giả", được photo bằng máy photo màu. Giấy in trơn bóng, mỏng và tờ tiền còn rất mới.
|
Một khách lớn tuổi đang lựa hàng tại chợ ve chai. |
Chiếc đèn dầu có giá 750.000 đồng. Cái bàn ủi "con gà" đốt nóng bằng than giá 750.000 đồng. Đó là những món đồ "bình dân" dễ kiếm, còn những mặt hàng như đồng hồ cổ, hộp quẹt Zippo thì giá tiền phải lên đến bạc triệu.
Ngay trong sáng hôm qua (27.9), phóng viên Một Thế Giới đã chứng kiến một phụ nữ móc ví lấy ra 18 triệu đồng mua chiếc đồng hồ cũ hiệu Omega mạ vàng 14K. Phóng viên hỏi người phụ nữ giấu tên này chiếc đồng hồ có được bảo hành hay không, bà lắc đầu.
Đến gian hàng bán hộp quẹt các thương hiệu nổi tiếng Zippo, Dupont, chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy một người đàn ông trong bộ đồ rằn ri sắc lính chế độ Việt Nam Cộng hòa, đang chào mời khách. Miệng phì phèo tẩu thuốc, người đàn ông này vô tư giới thiệu về mình: "Tui là chuẩn tướng Kỳ. Bộ đồ tui mặc là của lính bắn tỉa".
|
Người đàn ông mặc bộ quần áo rằn ri của quân đội Việt Nam Cộng hòa đang giới thiệu hộp quẹt Zippo cho khách. |
Công bằng mà nói, việc nghệ sĩ Cao Minh mở "chợ ve chai", đã góp phần tạo ra một chỗ tham quan vào cuối tuần cho người dân TP.HCM, thực chất là một "chiêu" mới lạ trong kinh doanh nhằm hút khách đến uống cà phê. Vấn đề đang nói, đó là làm sao bảo đảm những mặt hàng được bày bán ở đây có chất lượng, cũng như quản lý được những người đến đây buôn bán.
Một khách tham quan (giấu tên) nói: "Mua hàng ở đây cũng hên xui may rủi. Ông Cao Minh thoải mái cho dân buôn bán mang đồ đến trưng bày, không cần biết họ là ai, vàng thau lẫn lộn. Ổng chỉ biết làm sao cho khách đến đông, ổng bán được cà phê thôi, không cần kiểm soát người bán đang bán gì, chất lượng, giá cả ra sao. Như vậy, vô tình góp phần cho nhiều người bán chợ trời ở đường Nguyễn Kiệm kéo vào. Thôi, bỏ ra 30 ngàn đồng, có chỗ đi dạo vào cuối tuần cho vui, chứ còn mua hàng thì tui không dám".
|
Tiền cũ bày bán ở chợ ve chai. |
Đúng như lời vị khách vừa chia sẻ, đi một vòng, phóng viên còn bắt gặp những "mâm" trưng bày điện thoại cũ, đủ loại từ Nokia, Iphone, Samsung... có cả những cục sạc cũ. Những "mâm" điện thoại này làm cho chúng tôi liên tưởng đến khu chợ trời bát nháo nằm trên đường Nguyễn Kiệm, thuộc quận Phú Nhuận.
Trong chợ ve chai, còn bắt gặp những thanh kiếm Nhật, dao, búa bày bán công khai. Dù đây là những món hàng "ve chai" nhưng cũng sắc nhọn, có thể trở thành hung khí cho bất cứ tên tội phạm nào.
|
"Mâm "điện thoại cũ gợi nhớ chợ trời trên đường Nguyễn Kiệm. |
Một ông già nài nỉ phóng viên mua chiếc áo lính của Hàn Quốc, giá 450 ngàn: "Mua đi chú, mặc tới chết cũng chưa rách. Tui bán giá vốn đó". Phóng viên lắc đầu vì chắc chắn không thể mặc cái áo quân đội này đi đâu được, ngoài chuyện mua về để làm kỷ niệm, để ngó.
Một số hình ảnh khác được phóng viên ghi nhận sáng nay:
|
Chàng trai trẻ Phạm Văn Hiếu đang xem những tờ tiền cũ. |
|
Cô gái xem hàng ở chợ ve chai. |
|
Chợ ve chai còn thu hút cá khách Tây đến tham quan, mua sắm. |
|
Ca inox, bình toong đựng nước thời chiến tranh và chiếc cân sắt của thời sau giải phóng. Tại chợ ve chai còn bán cả dao, búa, kiếm Nhật. |
|
Bộ mâm bạc này được người bán cho biết có xuất xứ Thái Lan. |
|
Gian hàng máy ảnh cũ. |
|
Những người đàn ông này đang bày những trang sức bằng ngà voi ra bán. |
|
Máy đánh chữ, điện thoại cũ cũng có tại chợ ve chai. |