“Tại sao lại chỉ có quận 1 làm khu chợ phiên mà các quận khác không có nhu cầu đó? Có phải quận 1 là trung tâm nên mới cần, còn các quận huyện khác không có người bán hàng rong?”.
Đây là câu hỏi của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2017 mới diễn ra gần đây. Theo đó, đề cập đến các dịch vụ phát triển du lịch và tổ chức lại việc buôn bán cho người dân ở vỉa hè,ông Phong hỏi tại sao lại chỉ có quận 1 làm, màcác quận khác không có nhu cầu đó?
“Các quận khác toàn chợ tự phát, ảnh hưởng đến giao thông nhưng lại không lập khu chợ phiên cho người bán hàng rong. Có phải quận 1 là trung tâm nênmới cần có chợ phiên, còn các quận huyện khác không có người bán hàng rong? Tôi sẽ sắp xếp họp lại với quận huyện sau khi có chỉ đạo của Thành ủy và phải triển khai như thế nào, xử lý ra sao sẽ bàn cụ thể. Chúng ta phải nghe cụ thể mới có biện pháp chỉ đạo tiếp theo. Thành phố sẽ kiên trì vấn đề này chứ không chỉ hô hào”, ông Phong nói.
Trong khi đó, nhắc đến các đề án phát triển du lịch như du lịch đường thủy, bến cảng… ông Phong nói chưa thấy “cái nào ra cái nào”.
Liên quan đến việc Tập đoàn Tuần Châu sẽ đầu tư xây dựng tuyến đường ven sông dài 63km nối trung tâm TP tới Củ Chi và dự án xây dựng TP mới New City, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong khẳng định TP đang quy hoạch khu đô thị Tây Bắc và thông tin trên mới chỉ khảo sát và TP chưa có ý kiến.
“Nếu làm không khéo đất lên giá. Vừa rồi báo chí thông tin một số huyện sắp lên quận khiến giá đất lên vùn vụt. Cái này Sở Nội vụ đã kiểm tra, trong một huyện mà chỉ có một xã đủ tiêu chí lên phường thì sao mà lên quận được, vậy mà giá đất cứtăng”, người đứng đầu UBND TP.HCM khẳng định.
Ngoài ra, nói về vấn đề phát triển 500.000 doanh nghiệp trong năm 2020, ông Nguyễn Thành Phong cho rằng TP phải có giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
“Con số 500.000 doanh nghiệp chỉ là số lượng, chất lượng doanh nghiệp như thế nào thì chúng taphải tính tới. Để làm được, Sở Công Thương phải lắng nghe doanh nghiệp để đề xuất xử lý vướng mắc. Đối với doanh nghiệp thuộc các ngành dịch vụ, mỗi lĩnh vực phải đòi hỏi có những giải pháp riêng chứ không được như nhau. Cơ cấu phát triển doanh nghiệp như thế nào thì đề xuất. Đây mới là cái doanh nghiệp cần.
Chúng ta muốn chuyển hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp thì đó chỉ là mong muốn của chúng ta. TP phải nghe họ nói, vướng mắc ở đâu thì tháo gỡ ở đó. Nếu tính cả nước, 97% doanh nghiệp của kinh tế tư nhân có quy mô nhỏ, siêu nhỏ. Các ngành không chỉ nhìn vào con số, quan trọng là cơ cấu như thế nào.
Trong quá trình tháo gỡ phải yêu cầu các sở ngành nắm được dữ liệu đầy đủ mới chỉ đạo cụ thể được. Trong 500.000 doanh nghiệp mục tiêu, bao nhiêu doanh nghiệp siêu nhỏ và bao nhiêu doanh nghiệp vừa, lớn. Phải biết họ cần gì và tính phương án bền vững.
Còn vấn đề khởi nghiệp đã có quy chế hỗ trợ, ai cũng nói khởi nghiệp và nó thành phong trào nhưng bao nhiêu doanh nghiệp khởi nghiệp đạt được thành công, có thống kê hay không? Từ nay đến tháng 6, TP phải có chính sách cụ thể và đánh giá xem nó mang lại hiệu quả như thế nào”, Chủ tịch UBND TP.HCM nói thêm.
Phan Diệu