Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nếu như gói hỗ trợ không kịp thời sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động nghèo, đúng như tiêu đề một bài báo “đừng để lạm phát cuốn trôi người nghèo”.
Không được chủ quan, thỏa mãn
Tại phiên thảo luận tổ ngày 25.5, đề cập đến việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, đại biểu quốc hội Lã Thanh Tân (Hải Phòng) đề nghị Chính phủ làm rõ hơn tác động của đứt gãy chuỗi cung ứng đối với hoạt động kinh tế trong nước, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp; đồng thời đề xuất các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để hỗ trợ doanh nghiệp.
Đại biểu Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) cho rằng cần phân tích kỹ hơn, làm nổi bật kết quả của việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cụ thể hóa các yêu cầu, nhiệm vụ được giao tại các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
Đại biểu Thắng cũng đề nghị cần phát triển các ngành, lĩnh vực theo hướng bền vững, phát triển xanh dựa trên đổi mới sáng tạo và thúc đẩy quá trình chuyển đổi, sử dụng năng lượng sạch, chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; nghiên cứu, phát triển khoa học - công nghệ và tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng các chỉ số nền kinh tế 5 tháng của năm 2022 là tín hiệu đáng mừng cả về tăng trưởng, thu ngân sách, xuất nhập khẩu, nông nghiệp; chiến lược tiêm vắc xin phòng COVID-19 của Việt Nam thuộc nhóm đầu của thế giới…
Nhấn mạnh “những thành quả đạt được là rất đáng trân trọng”, song Chủ tịch nước chỉ rõ đây mới chỉ là kết quả bước đầu nên không được chủ quan, thỏa mãn. Đặc biệt, tác động của đại dịch trong thời gian dài đã tiêu hao gần hết tài sản tiết kiệm của người dân, tích lũy của doanh nghiệp cũng như các quỹ của Nhà nước.
Chủ tịch nước lưu ý cần nhìn nhận thực tế là người dân và doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Chủ tịch nước nêu lại ý từ báo chí “Vì sao ngân sách nhà nước tăng rất cao trong khi nền kinh tế doanh nghiệp còn rất khó khăn sau đại dịch?”. Ông cho rằng đây là điều cực kỳ bất thường trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng thấp nhất trong nhiều thập niên do tác động của COVID-19. Khó khăn của doanh nghiệp là không thể bàn cãi khi nền kinh tế rơi vào phong tỏa, đây là do đại dịch bất khả kháng gây ra.
Về thị trường chứng khoán, Chủ tịch nước cho hay đây là kênh huy động vốn quan trọng nhưng thời gian gần đây bốc hơi hàng tỉ USD. Chứng khoán là kênh huy động vốn quan trọng, nhưng gần đây xuống rất nguy cơ, mất hàng trăm tỉ USD trong thời gian ngắn, trong khi FDI vào mạnh nhưng cũng chỉ đem vào sản xuất trên 10 tỉ USD.
“Nói ra điều này để thấy rằng cần có những biện pháp tốt hơn, phương thức hỗ trợ thị trường chứng khoán tốt hơn nữa để ổn định kênh này. Đối với doanh nghiệp, hiện có hai kênh quan trọng, một là tín dụng, hai là trái phiếu. Trái phiếu bản chất không phải xấu, chỉ có điều chúng ta điều phối, kiểm soát thế nào cho nó tốt, bởi những thị trường vốn này rất quan trọng đối với doanh nghiệp”, ông Phúc nói.
Về gói kích thích kinh tế, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết Đảng và Nhà nước đã có chủ trương xử lý một số vấn đề và thấy được khó khăn của doanh nghiệp, người lao động. Tuy nhiên, ông cũng nhận định việc triển khai các gói hỗ trợ rõ ràng chậm, còn ít doanh nghiệp, người lao động được hưởng lợi. Kể cả TP.HCM, cần kích thích mạnh mẽ hơn để những gói kích thích này đi vào cuộc sống.
"Nếu như gói hỗ trợ không kịp thời sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động nghèo, đúng như tiêu đề của một bài báo “đừng để lạm phát cuốn trôi người nghèo”, Chủ tịch nước nói.
Chậm giải ngân vốn đầu tư công ảnh hưởng tới phục hồi kinh tế
Quan tâm đến vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đề nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo, nghiên cứu đưa ra giải pháp đột phá, tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục triển khai, tạo chuyển biến tích cực và thực chất trong vấn đề này, qua đó thúc đẩy quá trình hồi phục kinh tế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết một trong những vấn đề trọng tâm cần giải quyết trước mắt là thúc đẩy tiến độ việc giải ngân vốn đầu tư công. Gói kích thích kinh tế đã tập trung đầu tư cho các lĩnh vực hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế… nhưng đến nay tiến độ giải ngân, phân bổ còn chậm, không đáp ứng được yêu cầu.
“Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công đã gây ảnh hưởng tới tốc độ phục hồi của nền kinh tế, gây khó khăn cho nhiều lĩnh vực, đặc biệt là làm thiếu thốn thuốc và vật tư y tế phục vụ việc phòng chống dịch, đảm bảo sức khỏe người dân; gây ảnh hưởng đến công tác giáo dục - đào tạo”, Chủ tịch Quốc hội nêu.
Cho rằng đây là vấn đề trầm kha, kéo dài, chưa được giải quyết dứt điểm và còn để lại những hậu quả nặng nề, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần phải tìm giải pháp mới, đột phá để giải quyết những vấn đề đã cũ.
Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm, về nguyên tắc, chính sách thí điểm chỉ áp dụng trong một khoảng thời gian. Do đó Chính phủ phải nghiên cứu, khẩn trương đề xuất định hướng để hoàn thiện khung khổ pháp lý cho xử lý nợ xấu.
Theo Chủ tịch Quốc hội, các nước có luật để xử lý nợ xấu lúc khủng hoảng, Nghị quyết 42 của Quốc hội khóa 14 về bản chất cũng là một luật như vậy, khác hoàn toàn với cơ chế thông thường, với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các luật liên quan.
Do đó, không nên đặt vấn đề xây dựng một luật về xử lý nợ xấu mà cần hoàn thiện quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42, xác định nội dung nào kế thừa, đưa vào luật.
Ngành ngân hàng, Chính phủ phải tự đặt ra áp lực để vượt lên, phải giao một số nhiệm vụ trọng tâm cho thời gian thực hiện kéo dài Nghị quyết 42, nhất là nhiệm vụ về hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để đưa trở về trạng thái bình thường.