“Có nhiều cách tính và con số khác nhau về nợ công nhưng đều kết luận là nợ công của Việt Nam đang tăng nhanh, tiệm cận giới hạn theo quy định của Luật Quản lý nợ công, và xếp hàng cao trong các nước khu vực” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định.

Chủ tịch Quốc hội: ‘Tính cách nào thì nợ công cũng đã tiệm cận giới hạn’

Trí Lâm | 27/09/2016, 14:50

“Có nhiều cách tính và con số khác nhau về nợ công nhưng đều kết luận là nợ công của Việt Nam đang tăng nhanh, tiệm cận giới hạn theo quy định của Luật Quản lý nợ công, và xếp hàng cao trong các nước khu vực” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định.

Nợ công tiệm cận giới hạn

Sáng 27.9, tại hội thảo "Kinh nghiệm quản lý nợ công” diễn ra tại Lào, do Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào đồng tổ chức, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằngnợ công đang là thách thức lớn của toàn cầu, kể cả các nước phát triển và các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam và Lào.

“Có nhiều cách tính và con số khác nhau về nợ công nhưng đều kết luận là nợ công của Việt Nam đang tăng nhanh, tiệm cận giới hạn theo quy định của Luật Quản lý nợ công và xếp hàng cao trong các nước khu vực, gây nhiều bức xúc. Cụ thể, đến cuối năm 2015, nợ công bằng 62,2% GDP; nợ Chính phủ 50,3%, vượt trần quy định là 50%; nợ nước ngoài của quốc gia 43,1%” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định.

Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh giải quyết vấn đềnợ công là một trong những yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy quá trình hội nhập và phát triển của nền kinh tế Việt Nam với kinh tế thế giới. Việc quản lý nợ công một cách hiệu quả, có hệ thống đóng vai trò vô cùng quan trọng nhằm đảm bảo tính an toàn về tài chính, cũng như tính bền vững trong sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.

“Kiểm toán nợ công chính là một công cụ trọng yếu trong việc hỗ trợ giám sát và nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nợ công. Các cơ quan kiểm toán nhà nước cần xác định rõ thách thức, cũng như vai trò, trách nhiệm trong nỗ lực góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý nợ công” – ông Phớc nói.

Ông Nguyễn Hữu Quang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội nhận địnhnợ công luôn luôn là một nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước nhưng đi kèm nó là nguy cơ đe dọa an ninh tài chính của mỗi quốc gia nếu không được quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển (như Việt Nam, Lào, Campuchia...).

Do đó, ông Quang cho rằng các quốc gia phải cân nhắc, tính toán thận trọng trong việc vay nợ, và quan trọng hơn là quản lý sử dụng nợ công phải thực sự chặt chẽ, hiệu quả. Mỗi quyết định của chúng ta trong việc vay, quản lý và sử dụng nợ công sẽ không chỉ ảnh hưởng đến thế hệ chúng ta mà còn ảnh hưởng đến thế hệ mai sau.

Để giải quyết vấn đề hiệu quả quản lý và sử dụng nợ công, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằngChính phủ cần có chiến lược kiểm soát đầu tư trong khu vực công, giảm thâm hụt ngân sách, kiểm soát được nợ vay nước ngoài, nâng cao hiệu quả đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước.

“Các nhân tố như tốc độ tăng GDP, lạm phát, lãi suất, mức thâm hụt tài khoản vãng lai và dự trữ ngoại hối của quốc gia cần được kiểm soát tốt. Việc quản lý hiệu quả nợ công cần có sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan dưới sự điều hành chung của Chính phủ và sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội các nước” – Chủ tịch Kim Ngânnói.

Chủ tịch Quốc hội cũng mong muốn các chuyên gia của hai nước sẽ trao đổi, làm sáng tỏ những vấn đề liên quan đến khái niệm, phân loại, đánh giá nợ công; phương thức và biện pháp quản lý nợ công, đặc biệt làm rõ vai trò của Quốc hội trong việc phân bổ ngân sách, lập pháp và giám sát thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của mỗi nước.

Bài học trong quản lý nợ công

Từ thực trạng tình hình nợ công và công tác quản lý nợ của Việt Nam trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chia sẻ một số bài học rút ra trong quản lý nợ công.

Theo bộ trưởng, kinh nghiệm quốc tế đã chỉ ra rằng việc mở rộng đầu tư công, thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng và duy trì mô hình tăng trưởng cao dựa vào vốn vay sẽ tạo ra áp lực lên nợ công vượt quá khả năng trả nợ của nền kinh tế, có thể dẫn đến khủng hoảng nợ công.

Theo đó, cần sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, vốn vay công là yếu tố quyết định tính an toàn, bền vững nợ công. Nguyên nhân cơ bản và trực tiếp dẫn đến khủng hoảng nợ công là mục đích sử dụng vốn vay không phù hợp, hiệu quả sử dụng vốn vay thấp và không tạo ra được thu nhập để trả nợ trong tương lai.

Đồng thời, kiểm soát trần nợ là điều kiện cần để đảm bảo an toàn nợ công. Đây là căn cứ để xác định quy mô, phương án vay phù hợp, tránh việc đi vay quá mức, vượt quá khả năng trả nợ của nền kinh tế cũng như khả năng cân đối của ngân sách nhà nước trong từng giai đoạn phát triển.

Bộ trưởng Tài chính cũng cho rằng Việt Nam phải chủ động điều chỉnh chính sách quản lý nợ kịp thời, phù hợp với diễn biến thực trạng của nền kinh tế cũng như biến động quốc tế.“Thường xuyên cập nhật diễn biến kinh tế vĩ mô, tăng trưởng GDP, biến động tỷ giá, điều kiện huy động vốn trong nước và nước ngoài để chủ động xây dựng phương án quản lý nợ tương ứng…” – Bộ trưởng lưu ý.

Cùng với đó, theo bộ trưởng Dũng, cần phải hoàn thiện chính sách và tổ chức quản lý nợ công. Trước yêu cầu mới của thực tiễn, hội nhập quốc tế, cần thiết phải điều chỉnh kịp thời hệ thống chính sách quản lý nợ theo hướng xác định rõ mục tiêu, phạm vi, công cụ, thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan liên quan đảm bảo phù hợp với Hiến pháp và pháp luật hiện hành.

Ngoài ra, cần tăng cường thông tin về kinh tế vĩ mô, tài khóa, tiền tệ để đánh giá chính xác mức độ an toàn nợ công. Tăng cường minh bạch hóa thông tin, số liệu về nợ công, chính sách, pháp luật có liên quan. Nâng cao vai trò giám sát của Quốc hội trong việc huy động, sử dụng và trả nợ công để tạo sự đồng thuận và ủng hộ của nhân dân.

Trí Lâm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch Quốc hội: ‘Tính cách nào thì nợ công cũng đã tiệm cận giới hạn’