Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã chủ trì hội nghị đối thoại giữa thường trực UBND tỉnh với nông dân tỉnh năm 2024 về chủ đề “Phát huy nội lực, lợi thế của tỉnh, thúc đẩy liên kết sản xuất trong nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới", diễn ra vào sáng 25.12.
An Giang thuộc vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL
An Giang là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, thuộc vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL. Tỉnh có diện tích tự nhiên trên 3,5 nghìn km2, có hơn 80% diện tích đất nông nghiệp, đất phù sa chiếm hơn 44% diện tích đất nông nghiệp, có nguồn nước ngọt quanh năm, khí hậu ôn hòa và 65% dân số là lao động nông thôn.
Đây được xem là thế mạnh nông nghiệp địa phương để hướng đến thu hút, mời gọi đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp đa giá trị, nông nghiệp tuần hoàn, chế biến sâu nông thủy sản, hệ thống logistics, đặc biệt là kết hợp với du lịch nông nghiệp trải nghiệm, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.
Tỉnh An Giang ước tính chỉ tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2024 là 3,67%, đạt kịch bản đề ra (3,5 - 3,8%). Tỉnh ước tính có thêm 5 xã nông thôn mới, 5 xã nông thôn mới nâng cao và 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu, đạt kế hoạch đề ra vào cuối năm 2024 . Tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch là 96,35%.
An Giang phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại
Ông Trần Thanh Hiệp, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, cho rằng mục tiêu chung của ngành nông nghiệp trong năm 2025 là tập trung thực hiện phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại.
Bên cạnh đó, An Giang còn thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, tăng trưởng hợp lý, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở tái cơ cấu ngành, sản phẩm gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao hàm lượng chất xám và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp cùng với việc nâng cao giá trị canh tác và thu nhập của nông dân.
Thực hiện tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn, chủ động phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Lê Phước Dũng cho rằng, trong những năm gần đây, tỉnh An Giang luôn chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, tỉnh còn tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.
“Đặc biệt, tỉnh An Giang chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển thị trường nông sản trong và ngoài nước. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến; đồng thời tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, từng bước tạo ra nhiều sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường và tham gia trong chuỗi giá trị; thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu. Đa dạng hóa sản phẩm du lịch đáp ứng xu hướng mới của thị trường; phát triển các sản phẩm đặc thù, riêng có, nhất là du lịch văn hóa, du lịch tâm linh”, ông Dũng nói.
Tháo gỡ vướng mắc và đề xuất của nông dân
Sáng 25.12, ông Hồ Văn Mừng, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã chủ trì hội nghị đối thoại giữa thường trực UBND tỉnh với nông dân tỉnh năm 2024 về chủ đề “Phát huy nội lực, lợi thế của tỉnh, thúc đẩy liên kết sản xuất trong nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”.
Dự hội nghị đối thoại có các lãnh đạo sở, ban, ngành tham dự và gần 400 nông dân đại diện cho hơn 110.000 hội viên nông dân trong tỉnh.
Hội nghị đối thoại là diễn đàn quan trọng, dân chủ để đại diện nông dân trong tỉnh, các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trực tiếp phản ánh tâm tư, nguyện vọng với thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về thành tựu cùng những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn.
Phát biểu hội nghị, ông Hồ Văn Mừng - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, đề nghị nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đối thoại phát huy tinh thần thẳng thắn, cởi mở, tập trung thảo luận, trao đổi, nêu ý kiến ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể trên các lĩnh vực, trong đó tập trung vào các vấn đề phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang được quan tâm hiện nay; đồng thời hiến kế, tham gia góp ý kiến, đề xuất giải pháp nhằm hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, xây dựng nông thôn mới văn minh, bền vững; phát huy vai trò chủ thể của nông dân, xây dựng tổ chức hội vững mạnh..
Đối với các sở, ngành, cơ quan có liên quan khi được nông dân nêu câu hỏi, kiến nghị, đề xuất cần nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu các ý kiến; trả lời đúng - trúng - thỏa đáng, đi thẳng vào trọng tâm vấn đề, ngắn gọn, dễ hiểu; không qua loa, né tránh; đảm bảo đúng quy định đối với các ý kiến, kiến nghị.
Trong phần đối thoại, nhiều nông dân phản ánh về tình hình một số sản phẩm nông nghiệp vẫn còn gặp khó khăn, giá nông sản thấp, bấp bênh, giá vật tư tăng... khiến nông dân không yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, tình trạng phân bón, thuốc trừ sâu giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường và giá nông sản khi bán ra bị thương lái ép giá gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống nông dân.
Đa số ý kiến của nông dân đề nghị tỉnh tăng cường tìm kiếm thị trường đầu ra, giúp nông dân liên kết tiêu thụ nông sản; quan tâm, hỗ trợ nguồn vốn cho nông dân phát triển sản xuất, tiếp cận ứng dụng khoa học công nghệ và chính sách phát triển lâu dài cho hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp phát triển…
Tại hội nghị, lãnh đạo Sở NN-PTNT, Sở Công Thương An Giang đã thông tin đến bà con nông dân tình hình phát triển nông nghiệp, cũng như thị trường và tiêu thụ nông sản của địa phương. Qua đó trả lời những vấn đề mà nông dân nêu ý kiến.
Riêng Tập đoàn đoàn Lộc Trời là đơn vị thực hiện chuỗi hợp tác tại địa phương, nhưng hiện nay tập đoàn này đang gặp khó khăn làm gãy chuỗi liên kết nông dân nên cần có thêm sự lựa chọn để đảm bảo nguồn cung cũng như đầu ra ổn định của nông sản. Lãnh đạo tỉnh cần có giải pháp nào để có nhiều doanh nghiệp khác đủ mạnh để thực hiện chuỗi liên kết.
Các ý kiến, câu hỏi chưa trả lời trực tiếp sẽ được Hội Nông dân tỉnh tổng hợp, gửi đến các sở, ngành và xin ý kiến Chủ tịch UBND tỉnh để có văn bản trả lời gửi đến nông dân.