Sáng 17.7, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cùng các đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hà Nội đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận Hoàn Kiếm, báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 15, HĐND TP khóa XV.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội trả lời cử tri vấn đề nhức nhối

17/07/2020, 14:00

Sáng 17.7, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cùng các đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hà Nội đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận Hoàn Kiếm, báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 15, HĐND TP khóa XV.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định: Trong hôm nay cơ bản dọn sạch rác nội thành. Ảnh: UBND TP Hà Nội.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri quận Hoàn Kiếm bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao kết quả kỳ họp HĐND TP vừa qua, đồng thời tiếp tục kiến nghị một số vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh.

Liên quan đến vấn đề rác thải tràn ngập Thủ đô, cử tri Đào Tuyết Thanh (phường Hàng Trống) cho rằng: Đây không phải là lần đầu mà đã là lần thứ 6, nguyên nhân do người dân các xã Nam Sơn, Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn) tiếp tục chặn đường không cho xe vận chuyển rác vào khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn.

Cử tri chất vấn: Trước mắt thành phố có giải pháp gì để giải phóng rác thải đã ùn ứ nhiều ngày qua, đồng thời về lâu dài thành phố có những giải pháp quy hoạch như thế nào để đáp ứng được nhu cầu xử lý rác thải cho gần 8 triệu dân?

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP cho biết: Từ tối ngày 14.7 một số người dân đã chặn xe chở rác vào khu xử lý rác Nam Sơn làm xuất hiện vấn đề ùn ứ rác trong nội thành. TP đã chỉ đạo Sở Xây dựng và URENCO thu gom, chuyển rác tạm thời tới bãi rác Cầu Diễn và Xuân Sơn. Trong hôm nay, sẽ cơ bản dọn sạch rác trong nội thành.

Về giải pháp lâu dài, Chủ tịch UBND TP nêu rõ: Đây là vấn đề đã được đặt ra trong cả nhiệm kỳ qua. TP cũng đã kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư các nhà máy xử lý rác.

Năm 2017, TP đã khánh thành nhà máy lý rác thải độc hại ở khu Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) theo công nghệ đốt và phát điện với công suất 75 tấn/1 ngày. Ở khu Nam Sơn có 3 nhà đầu tư đăng ký dự án nhà máy đốt rác phát điện. Do ảnh hưởng của COVID-19 nên tiến độ có bị ảnh hưởng, tuy nhiên trong năm nay một dự án sẽ hoàn thành với công suất 4.000 tấn/1 ngày đêm, với công nghệ của Bỉ. Đến quý I/2022, TP Hà Nội cũng khánh thành một nhà máy đốt rác phát điện công suất 1.500 tấn/1 ngày đêm. Lúc đó cơ bản rác thải của thành phố sẽ được xử lý đốt để phát điện.

Như Hà Nội hiện nay đặt bãi rác thải quá xa, với phí vận chuyển cao. “Đây là việc cần tính toán. Cần thiết có thể mời người dân đi thăm, tận mắt xem công nghệ của các nhà máy này để hiểu rõ”, Chủ tịch UBND TP khẳng định.

Lãnh đạo TP Hà Nội nêu rõ: TP đã chuẩn bị xong nhà tái định cư để di dân khỏi vùng ảnh hưởng của khu xử lý rác Nam Sơn. Vướng mắc nhất hiện nay là việc hạn định nguồn gốc đất để đền bù. Có giai đoạn, việc thực hiện công tác phục vụ đền bù thực hiện chưa đúng, dẫn đến người dân hiểu lầm, bức xúc.

Về việc nước rỉ rác bốc mùi ảnh hưởng đến đời sống người dân, Chủ tịch UBND TP thông tin, với công nghệ chôn lấp rác cũ, 1m3 rác sẽ phát sinh 1,2 m3 nước rỉ rác. Hiện có 2 nhà máy xử lý nước rỉ rác này. Hàng năm, TP tiến hành đặt hàng. Tuy nhiên theo quy định hiện nay, công tác này phải đưa ra đấu thầu vì vậy thời gian qua bị chậm, nên còn 150.000 mét khối nước rỉ rác và trong nắng nóng đã bốc mùi ảnh hưởng đến đời sống người dân. TP đang đề xuất Chính phủ có cơ chế phù hợp khắc phục ngay hạn chế này.

“Cơ chế chính sách nào tốt nhất cho người dân, chúng tôi sẽ áp dụng. TP luôn đồng cảm với người dân sống xung quanh bãi rác, vì họ gặp thiệt thòi rất lớn trong cuộc sống. Do vậy, TP cũng không hẹp hòi gì trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, những chính sách tốt nhất đã được TP áp dụng để giúp người dân. Tuy nhiên, có những vấn đề liên quan đến quy định của pháp luật cần phải có thời gian để xử lý”, Chủ tịch UBND TP khẳng định.

Về các vấn Quy hoạch hai bên sông Hồng, Chủ tịch UBND TP cho biết: Hiện có khoảng 900 nghìn dân đang cư trú ở ở khu vực bờ sông hồng với tổng chiều dài trên 4 km. Do vướng quy hoạch đê điều, phân lũ nên ở đây, hạ tầng điện đường trường trạm không thể đầu tư, người dân không được xây dựng sửa chữa nhà. Để đảm bảo đời sống người dân, TP đã quyết định hộ dân nào có “Sổ đỏ” hợp pháp sẽ vẫn được cấp phép xây dựng.

Về việc cải tạo kè hồ Hoàn Kiếm vừa mới triển khai, Chủ tịch UBND TP cho biết: “Chúng tôi đồng tình với ý kiến của cử tri và mong muốn người dân tham gia giám sát dự án quan trọng này. Người dân có thể góp ý trực tiếp, giám sát và quận Hoàn Kiếm có thể xem xét bố trí cán bộ ứng trực ở ngay hồ Gươm để tiếp nhận ý kiến người dân”.

TTXVN

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
5 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch UBND TP Hà Nội trả lời cử tri vấn đề nhức nhối