Báo cáo tại Quốc hội, ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam nói cử tri và nhân dân cho rằng nhà đầu tư Formosa vi phạm đã nhận lỗi và nhận trách nhiệm, nhưng đến nay vẫn chưa có cơ quan, tổ chức và cá nhân nào trong hệ thống quản lý nhà nước ta có liên quan đứng ra nhận lỗi và chịu trách nhiệm.

Chưa có ai trong hệ thống nhà nước nhận trách nhiệm về thảm họa Formosa

Trí Lâm | 20/10/2016, 13:01

Báo cáo tại Quốc hội, ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam nói cử tri và nhân dân cho rằng nhà đầu tư Formosa vi phạm đã nhận lỗi và nhận trách nhiệm, nhưng đến nay vẫn chưa có cơ quan, tổ chức và cá nhân nào trong hệ thống quản lý nhà nước ta có liên quan đứng ra nhận lỗi và chịu trách nhiệm.

Nhức nhối vấn đề môi trường

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, cử tri và nhân dân đánh giá cao việc Chính phủ công bố công khai về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng hải sản chết hàng loạt do Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra. Tuy nhiên, việc đền bù cần kịp thời, chính xác và minh bạch, các cơ quan chức năng sớm kết luận cụ thể về mức độ an toàn của nước biển, hải sản.

Đồng thời, cần tiếp tục khắc phục ô nhiễm môi trường biển, giám sát chặt chẽ hoạt động của công ty đã vi phạm; thực hiện hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người dân bị ảnh hưởng; có chính sách hỗ trợ ngư dân, doanh nghiệp bị thiệt hại và có giải pháp phù hợp giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp để ổn định cuộc sống cho người dân bị ảnh hưởng.

Cử tri và nhân dân cũng cho rằngnhà đầu tư vi phạm đã nhận lỗi và nhận trách nhiệm trước nhân dân, nhưng đến nay vẫn chưa có cơ quan, tổ chức và cá nhân nào trong hệ thống quản lý nhà nước có liên quan đứng ra nhận lỗi và chịu trách nhiệm.

Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân tiếp tục phản ánh và bức xúc trước tình trạng khai thác bừa bãi khoáng sản, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của người dân và ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Đặc biệt, cử tri cho rằng nạn khai thác cát không phép, trái pháp luật tiếp tục hoành hành, gây tác động xấu đến môi trường, gây sạt lở nghiêm trọng dọc các bờ sông; việc chặt phá, hủy hoại rừng có tổ chức và chống người thi hành công vụ vẫn diễn ra thường xuyên và ngày càng phức tạp.

“Nhân dân ở xã biết, chính quyền ở xã, ở huyện, ở tỉnh biết, người dân khốn đốn, tài nguyên quốc gia bị cướp phá, môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng nhưng Chủ tịch xã, Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch huyện, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo như thế nào, tác dụng thực tế đến đâu để chấn chỉnh tình trạng trên?” – ông Nguyễn Thiện Nhân đặt câu hỏi.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước - Ảnh VGP

Theo ông Nhân,MTTQViệt Nam đã 2 lần kiến nghị với Chính phủ vào năm 2013, 2014 và 3 lần báo cáo trước Quốc hội vào năm 2015, 2016. Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần trực tiếp chỉ đạo các bộngành và chính quyền địa phương,nhưng các vi phạm pháp luật của các nhómkhai thác cát và chặt phá rừng không phép, trái pháp luật vẫn tiếp tục một cách công khai.

Cử tri và nhân dân cho rằngnạn “cát tặc”, “lâm tặc” xảy ra công khai trong thời gian dài mà không bị xử lý chính là biểu hiện, là địa chỉ của “lợi ích nhóm”. Đề nghị Chính phủ quyết liệt chỉ đạo và có biện pháp triệt để chấm dứt tình trạng một số ít người công khai vi phạm pháp luật, cướp phá tài nguyên quốc gia, phá hoại môi trường gây hậu quả nghiêm trọng nhưng vẫn không hề tỏ rasợ hàng triệu người dân sẵn sàng bảo vệ luật pháp, không sợ chính quyền nhân dân, không sợ Đảng.

Cử tri cũngphản ánh việc xây dựng và vận hành của một số nhà máy nhiệt điện than tại một số địa phương chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện về bảo vệ môi trường, đang tác động tiêu cực đến môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhân dân.

Do đó, MTTQ Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương rà soát lại quy hoạch và kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, hoạt động của các trung tâm nhiệt điện than trong cả nước, có sự tham gia giám sát và phản biện xã hội của MTTQViệt Nam, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và báo cáo Quốc hội trong năm 2017

Bất bình trước vụ việc Trịnh Xuân Thanh

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho haycử tri và nhân dân đánh giá cao quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tập trung chỉ đạo việc phòngchống tham nhũng, lãng phí, đưa ra xét xử 6 vụ án tham nhũng lớn. Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu chưa nghiêm, việc xử lý các vụ việc tham nhũng chưa thực sự thỏa đáng, chưa đủ sức răn đe, công tác thu hồi tài sản có dotham nhũng hiệu quả còn rất thấp.

“Cử tri và nhân dân bất bình trước việc ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam, mặc dù làm thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng của Nhà nước nhưng vẫn được bổ nhiệm giữ các chức vụ quan trọng tại Bộ Công Thương, UBND tỉnh Hậu Giang.

Vừa qua, ông Thanh đã bị khởi tố bị can. Cử tri và nhân dân đề nghị Đảng và Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh phòngchống tham nhũng, lãng phí, có những giải pháp quyết liệt, mạnh tay hơn nữa trong đấu tranh chống tham nhũng, nhất là những vụ tham nhũng lớn, có biểu hiện “lợi ích nhóm”, gây hậu quả nghiêm trọng, làm suy giảm niềm tin của nhân dân.

Do đó, tại kỳ họp này, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các vị đại biểu quốc hội nêu cao trách nhiệm nghiên cứu và đóng góp nhiều ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Phòngchống tham nhũng (sửa đổi), đáp ứng đòi hỏi bức thiết của Đảng và nhân dân.

Cử tri cũng cho rằngviệc bố trí, quản lý và hoạt động của các trạm thu phí dự án BOT còn nhiều bất cập như: khoảng cách thu phí chưa hợp lý, “phí chồng phí” khiến người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là đối với bà con sinh sống và doanh nghiệp ở gần các trạm thu phí. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng rà roát việc đầu tư, tổ chức thu phí BOT giao thông, quản lý chặt về mức phí và quy định khoảng cách thu phí hợp lý.

Nhân dân cũng đãtiếp tục phản ánh, kiến nghị về một số vấn đề bức xúc như: Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hoạt động bồi đắp, xây dựng nhiều sân bay, cảng, bố trí vũ khí tại các bãi đá, đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông được ký giữa các nước ASEAN và Trung Quốc (DOC); công tác quản lý an ninh mạng đã bộc lộ nhiều sơ hở nghiêm trọng; việc tái định cư và ổn định cuộc sống của nhân dân khi xây dựng các nhà máy thủy điện nhiều nơi chưa hiệu quả.

Trí Lâm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với gió mạnh trên biển, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Yêu cầu trên được Thủ tướng Chính phủ đặt ra với Bộ trưởng các bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tại Công điện số 120/CĐ-TTg, ngày 25.11.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chưa có ai trong hệ thống nhà nước nhận trách nhiệm về thảm họa Formosa