Trong khi việc thanh toán hàng trăm tỉ đồng phí bảo trì chưa được chủ đầu tư khu Keangnam Ha Noi Landmark Tower kiểm toán và xử lý minh bạch thì mới đây, chung cư này lại tiếp tục có tranh chấp về phí diện tích bán lẻ.
Báo cáo thường kỳ tháng 4 của Ban quản trị chung cư Keangnam cho biết giữa chủ đầu tư tòa nhà là Công ty Keangnam Vina và cư dân tại đây lại tiếp tục có khúc mắc về tính phí diện tích bán lẻ. Đây là khoản phí mà cư dân trong tòa nhà đã đóng gánh cho Keangnam hơn 3 năm, kể từ năm 2011.
Theo Ban quản trị chung cư Keangnam, ban này đã họp với Keangnam Vina về tính phí diện tích bán lẻ dựa trên dự toán của Công ty GTG về tách chi tiết các khoản phí trong công tác quản lý tòa nhà.
Tuy nhiên, tới thời điểm này, Keangnam Vina chỉ đồng ý đóng phí với mức phí 1.146 đồng/m2 (không bao gồm bảo hiểm) và yêu cầu tự mua bảo hiểm cho khu bán lẻ và chỉ đóng kể từ ngày 1.6.2015.
Ban quản trị chung cư Keangnam không chấp nhận yêu cầu vì khối đế bán lẻ là một phần không thể tách rời khởi tòa nhà về cấu trúc xây dựng. Ngoài ra, cư dân trong tòa nhà cũng không thể chấp nhận yêu cầu phi lý miễn tiền quản lý cho Keangnam toàn bộ chi phí quản lý mà cư dân đã góp tiền gánh chịu hơn 3 năm nay.
Ngoài các vấn đề về tính phí diện tích bán lẻ, cách đây mấy ngày, giữa cư dân tại đây với phía chủ đầu tư hiện còn đang tranh chấp về quỹ bảo trì.
Như Một Thế Giới đã đưa tin, do lo ngại còn nhiều tồn tại giữa chủ đầu tư và người dân chưa được giải quyết, Ban quản trị tòa nhà Keangnam đã “cầu cứu” Thủ tướng Chính phủ trước thông tin tòa nhà cao nhất Việt Nam đang được rao bán với giá 770 triệu USD.
Cụ thể, các hộ dân tại đây vẫn đang rất lo ngại về khoản phí bảo trì 2% mà cư dân ở đây đã đóng lên tới cả trăm tỉ đồng hiện chủ đầu tư khu Keangnam Hà Nội Landmark Tower vẫn đang giữ mà chưa được kiểm toán và xử lý minh bạch.
Theo đó, quỹ bảo trì của chung cư này ước tính khoảng 160 tỉ đồng do có 922 căn hộ cao cấp, ước giá bán trung bình 60 triệu đồng/m2, trong khi phía chủ đầu tư thông báo là 125 tỉ đồng.
Tháng 12.2014, chủ đầu tư Keangnam Vina đã thừa nhận số tiền quỹ bảo trì đã thu được là 125 tỉ (chưa tính lãi suất ngân hàng và diện tích bán lẻ mà chủ đầu tư giữ lại) và sử dụng sai mục đích số tiền này.
Đến tháng 3.2015, Keangnam Vina cũng đã gửi công văn đề nghị trả quỹ bảo trì mỗi năm 5 tỉ đồng và trả trong vòng 25 năm. Phương án này Ban quản trị không chấp nhận do số tiền trả hằng năm nhỏ hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng.
Do đó, Ban quản trị chung cư Keangnam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giao UBND TP. Hà Nội, các bộ, ngành liên quan yêu cầu chủ đầu tư Keangnam khẩn trương hoàn trả quỹ bảo trì 2% theo đúng quy định của pháp luật.
Trong trường hợp Tập đoàn Keangnam bị phá sản phải bán tòa nhà 72 tầng, Chính phủ chỉ chấp thuận chuyển nhượng tài sản sau khi đã hoàn trả cho cư dân Keangnam quỹ bảo trì này, giao Bộ Xây dựng tính toán chính xác quỹ bảo trì 2% để làm cơ sở cho chủ đầu tư hoàn trả lại quỹ cho cư dân.
Phan Diệu