Cuối tuần qua, ca sĩ Trung Quốc đại lục Diêu Bối Na 33 tuổi đã qua đời tại một bệnh viện ở Thâm Quyến, sau thời gian dài chống bệnh ung thư vú. Bày tỏ thương tiếc Diêu, dư luận hết sức phẫn nộ trước việc một số phóng viên đã giở chiêu trò để chụp thi thể của ca sĩ Diêu Bối Na.
Diêu Bối Na đã có sự nghiệp thành công sau khi tham gia cuộc thi Voice Of China hồi năm 2013. Cô nổi tiếng với nhạc phẩm trong loạt phim truyền hình Hậu cung Chân Hoàn truyện và bản hát lại bằng tiếng Quan thoại ca khúc ăn khách Let It Go trong quả bom tấn hoạt hình Frozen (Nữ hoàng băng giá).
Hành vi “vô nhân đạo”
Năm 2011, Diêu đã phải phẫu thuật cắt bỏ ngực trái sau khi bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú. Tuy nhiên, bệnh ung thư đã tái phát sau đó và di căn ra nhiều vùng khác nhau trên cơ thể Diêu. Cái chết của Diêu, dù đã được dự báo trước, vẫn gây sốc với nhiều người hâm mộ.
Tuy nhiên, sự ra đi của Diêu đã biến thành một cuộc tranh cãi về đạo đức, sau khi có tin 3 phóng viên của tờ Tin chiều Thâm Quyến (Shenzhen Evening News) đã ăn mặc như bác sĩ rồi lẻn vào phòng mổ mà không được phép để chụp ảnh thi thể cô.
Màn chụp ảnh diễn ra khi các bác sĩ đang phẫu thuật lấy giác mạc của cô để cấy ghép cho bệnh nhân cần tới chúng. Trước khi chết, Diêu đã tình nguyện hiến giác mạc.
Chưa dừng lại ở đó, tờ báo trên tiếp tục gây phẫn nộ khi đăng tải trên trang bìa số báo ra ngày 17.1 bức ảnh thi thể của ca sĩ Diêu Bối Na, cùng tuyên bố sẽ thành lập quỹ mang tên cô nhằm hỗ trợ các bệnh nhân mắc bệnh về mắt.
Song Tin chiều Thâm Quyến đã phải dẹp bỏ ý định trên, sau khi công ty quản lý Diêu khẳng định họ không bao giờ ủng hộ việc này, và cho biết sẽ kiện tờ báo. Bo Ning, người đại diện của Diêu, cũng yêu cầu Tin chiều Thâm Quyến phải xin lỗi, trong khi Zhang Liang, thuộc Tập đoàn Âm nhạc Hoa Nghị huynh đệ, nơi Diêu đầu quân, gọi các phóng viên của báo này là “vô nhân đạo”.
Hôm 18.1, tờ Tin chiều Thâm Quyến đã xin lỗi thông qua một tuyên bố đăng tải trên mạng xã hội Sina Weibo. Tờ báo thừa nhận phóng viên của họ đã chụp ảnh thi thể Diêu và cho biết ảnh đã bị xóa ngay khi gia đình cô phản đối. “Chúng tôi chân thành xin lỗi vì đã gây khó chịu cho gia đình, người hâm mộ ca sĩ Diêu Bối Na và cư dân mạng”.
Phóng viên có quyền được săn tin
Tờ Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đăng một bài viết kêu gọi các nhà báo phải có ý thức hơn về “trách nhiệm nghề nghiệp” và “không nên chỉ chạy theo xu hướng câu khách”. Một bác sĩ làm việc tại bệnh viện điều trị Diêu còn so sánh các nhà báo ở tờ Tin chiều Thâm Quyến với “những con kền kền chờ đợi cái chết” của cô.
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang tranh cãi quanh cung cách báo chí đưa tin về cuộc sống của giới sao giải trí. Vì thế một số người đã không đồng tình với quan điểm chỉ trích tờ Tin chiều Thâm Quyến.
Liu Peng, Tổng biên tập tạp chí The Journalist Monthly, cho rằng các phóng viên có quyền được săn tin về Diêu. Theo ông, họ có thể ở lại bệnh viện chờ tin nếu không làm phiền bác sĩ và gây tổn thương tới gia đình Diêu.
Cái chết của Diêu còn gây tranh cãi về việc người dân Trung Quốc nên có thái độ như thế nào trước cái chết của những người nổi tiếng.
Yang Jinlin, biên tập viên thuộc đài truyền hình Phượng Hoàng, đã phàn nàn trên Weibo rằng cái chết của Diêu còn thu hút nhiều sự chú ý hơn cả cái chết của cựu tướng quân đội Trương Vạn Niên.
Quan điểm của Yang đã gây tranh cãi, khi nhiều người cho rằng ở thời bình, vai trò của một ca sĩ chắc chắn sẽ lớn hơn một vị tướng. “Anh có thể ca ngợi Tướng Trương, tuy nhiên anh cũng không nên đạp những người như ca sĩ của Diêu xuống dưới” - một cư dân mạng có nick AJ_BenBen viết trên trang Weibo.
Việt Lâm/Thể thao & Văn hóa